Niềm tin kinh tế toàn cầu "chạm đáy" trong năm 2018

Cẩm Anh 25/01/2019 06:00

Việc suy giảm tăng trưởng ở ba nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ, Trung Quốc và khu vực Châu Âu đã kéo theo sự chỉ số niềm tin kinh tế toàn cầu suy giảm tại tất cả các khu vực trọng yếu

Theo đó, chỉ số niềm tin kinh tế toàn cầu năm 2018 liên tục giảm, kết thúc ở mức thấp nhất tại cuối năm. Kết quả trên dựa theo cuộc khảo sát thực hiện trên 3.800 chuyên gia tài chính kế toán trên toàn cầu của Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) và Viện quản lý kế toán (IMA). 

Cụ thể, điểm số thấp nhất được ghi nhận tại Tây Âu và vùng Caribê. Khu vực được đánh giá khả quan nhất của nền kinh tế toàn cầu một lần nữa thuộc về Nam Á, theo sau là Châu Phi và Bắc Mỹ.

Có thể bạn quan tâm

  • Mỹ dẫn đầu chỉ số niềm tin kinh doanh toàn cầu

    19:24, 07/02/2017

  • VACPA và ACCA ra mắt Chứng chỉ phối hợp lập báo cáo tài chính quốc tế

    08:00, 21/12/2018

  • VACPA và ACCA hợp tác cải thiện chất lượng báo cáo tài chính

    10:39, 12/11/2018

Đáng chú ý, niềm tin kinh tế ở khu vực Nam Á vượt trội hơn so với các khu vực khác, trong đó chỉ số của Ấn Độ tăng mạnh trong cuối năm 2018. Tuy nhiên, một đất nước khác trong khu vực là Pakistan lại đang phải vật lộn với sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô.

Ở châu Á - Thái Bình Dương, chỉ số niềm tin kinh tế toàn cầu có tăng trong quý 4/2018 nhưng vẫn còn ở mức khá thấp so với các khu vực khác trên thế giới. Ở Trung Quốc, chỉ số này đã tăng trong quý trước nhưng vẫn ở mức thấp do chính sách thắt chặt trước đó đã khiến tăng trưởng tín dụng chậm lại và chao đảo.

Tương tự, bản báo cáo được PwC công bố trước thềm chuỗi sự kiện thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ cũng cho thấy, tỷ lệ CEO cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc trong vòng 1 năm tới đã tăng lên mức gần 30%, từ mức 5% trong cuộc khảo sát của năm 2018.

Giới lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu có nhiều mối lo chung vào thời điểm hiện nay. Có thể thấy, xung đột thương mại, bất ổn chính sách và chủ nghĩa bảo hộ đã thay thế khủng bố, biến đổi khí hậu và gia tăng gánh nặng thuế trong danh sách 10 mối đe dọa hàng đầu đối với tăng trưởng. 

Những lo ngại về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến niềm tin kinh tế toàn cầu. Chỉ số niềm tin kinh tế của Hoa Kỳ đang ở mức thấp nhất với dấu hiệu cho thấy nhu cầu trong nước bắt đầu giảm là do cả 2 yếu tố: lãi suất cao và tác động không tốt từ các chính sách kích thích nền kinh tế gần đây của nước này. 

Cùng với đó, những bất ổn chính trị nổi lên thành những điểm "nóng" tại các khu vực như châu Âu, Mỹ... trong năm vừa qua đã gây ra sự lo ngại bao trùm. Tại khu vực châu Âu, chính phủ dân tuý, cực hữu lên nắm quyền tại một trong những nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Ý và cuộc khủng hoảng chính trị đã dẫn đến "khoảng trống" về quyền lực và rủi ro đạo đức trong khu vực này.

Các chương trình nghị sự trên khắp thế giới gia tăng đang tạo ra sự bất đồng giữa các quốc gia cũng như làm suy yếu các thể chế đa phương. Brexit, Brazil, Ý, Áo và Hungary đều có rất nhiều ứng viên chính trị dân túy đang được bầu và việc thay đổi chương trình nghị sự khiến chủ nghĩa bảo hộ trầm trọng hơn trong năm 2019. 

Một yếu tố đáng chú ý là mối quan tâm và lo ngại về trí tuệ nhân tạo cũng được đề cập đến. Mặc dù các doanh nghiệp ở châu Á -Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Tây Âu có mức độ triển khai công nghệ AI khá tương đương nhau. Nhưng có sự khác biệt ngày càng lớn giữa cách suy nghĩ của họ về tác động tiềm tàng của AI đối với xã hội và vai trò của chính phủ trong sự phát triển của AI. 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2019

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2019

Mặc dù có nhiều tín hiệu bi quan, tuy nhiên điểm sáng tại một số khu vực đang vươn lên mạnh mẽ trên thế giới và toàn cầu hóa sẽ khôi phục lại niềm tin kinh doanh. Việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực trong những ngày đầu năm 2019 đã đem lại "luồng gió mới" với kỳ vọng tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao đời sống của người dân. 

Cùng với đó, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF 2019, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông báo, Hiệp định thương mại tự do giữa Nhật Bản và EU sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1 tháng Hai sẽ là cú hích cho kinh tế toàn cầu, khôi phục lại niềm tin vào hệ thống thương mại tự do.

Các chuyên gia kinh tế thế giới nhận định, 2019 là một năm đầy thách thức. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp bách dành cho các tổ chức quốc tế cũng như chính phủ các nước gấp rút tìm kiếm những phương án thay đổi hiện trạng, giảm thiểu và chặn đứng những nguy cơ gây suy thoái để kéo lại niềm tin của doanh nghiệp, người dân.

Cẩm Anh