Tương lai nào cho nhiệt điện than?

Đào Minh 30/01/2019 06:15

Mới đây, Đức vừa công bố kế hoạch nhằm chấm dứt hoạt động sản xuất điện than. Thế nhưng, Đức có đơn độc trong chiến lược năng lượng sạch?

Than là nguồn nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất và ô nhiễm nhất. Khi đốt than để sản xuất điện, nhiều loại khí độc, kim loại nặng sẽ thoát ra, gây ô nhiễm cho nguồn nước và đất nông nghiệp ở xung quanh các nhà máy nhiệt điện than, đồng thời gây hiện tượng nóng lên toàn cầu, tạo ra những cơn mưa axít.

Đức và chiến lược "kinh tế xanh”.

Mức độ gây ô nhiễm môi trường khủng khiếp cũng như nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng của các nhà máy nhiệt nhiệt than đã khiến nhiều nước dần tử bỏ chúng.

Khoảng 10 năm trước, Đức từng đặt ra mục tiêu đến năm 2050 sẽ trở thành nền kinh tế xanh đầu tiên trên thế giới, sử dụng hoàn toàn điện các nguồn năng lượng tái tạo.

Ngày 26/1 vừa qua, sau hơn 20 giờ đàm phán, Ủy ban Than Đức (GCC), bao gồm nhiều công ty sản xuất điện, các nhà khoa học, nhà môi trường đã tiến tới được thỏa thuận đóng cửa tất cả nhà máy điện than.

Đức đặt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn nhiệt điện than vào năm 2038

Đức đặt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn nhiệt điện than vào năm 2038

“Chúng tôi đã làm được. Đây là nỗ lực lịch sử”, chủ tịch GCC Ronald Pofalla nói tại cuộc họp báo sau đàm phán. Việc đóng cửa tất cả nhà máy điện sẽ giúp giảm tác động của con người đối với môi trường, đặc biệt về vấn đề biến đổi khí hậu.

Một phần ba lượng điện của Đức được sản xuất từ than. Thỏa thuận mới sẽ cho phép Berlin đạt được các mục tiêu về biến đổi khí hậu tới năm 2030.

Hiện tại, các nhà máy điện than đang thải ra mức carbon dioxit nhiều nhất so với bất kì quốc gia nào ở châu Âu.

Có thể bạn quan tâm

  • Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry: Chúng ta không nhất thiết phải là “tù nhân” của điện than

    Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry: Chúng ta không nhất thiết phải là “tù nhân” của điện than

    10:40, 17/01/2019

  • Chưa thể loại bỏ nhiệt điện than

    Chưa thể loại bỏ nhiệt điện than

    23:34, 20/12/2018

  • Việt Nam vẫn phải sử dụng nhiệt điện than?

    Việt Nam vẫn phải sử dụng nhiệt điện than?

    16:14, 15/12/2018

  • Nhiệt điện than vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện

    Nhiệt điện than vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện

    06:06, 14/12/2018

Theo GCC, Đức sẽ cần khoảng 45,6 tỉ USD trong vòng 20 năm tới để bảo vệ nhiều ngành công nghiệp khác nhau và người tiêu dùng khi giá điện tăng. Bên cạnh đó cũng cần có quỹ để cải tổ mạng lưới điện.

Ông Johan Rockstroem - Giám đốc Viện Nghiên cứu Khí hậu Potsdam nhận định: “Cả thế giới đang theo dõi Đức - một quốc gia dựa trên công nghiệp và cơ khí, nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới đang đưa ra quyết định lịch sử để loại bỏ than. Điều này có thể có hiệu ứng toàn cầu, giúp thúc đẩy chuyển đổi năng lượng nhanh nhất lịch sử”.

Tuy nhiên, điều này cũng vấp phải khá nhiều cản trở, trong đó có cả vấn đề chính trị và pháp lý. Một số đảng ủng hộ mạnh mẽ, song cũng có những đảng nêu vấn đề giải quyết việc làm và chi phí để cản trở quá trình chuyển đổi này. 

Cho đến nay, "thực đơn năng lượng" của Đức bao gồm các nguồn sản xuất điện từ năng lượng thông thường (than đá, khí đốt, hạt nhân), tiếp đến là năng lượng mặt trời, năng lượng gió (trên đất liền, trên biển), thủy năng và năng lượng sinh học.

Với tốc độ phát triển như hiện nay, nước Đức cũng có thể sớm hoàn thành mục tiêu 50% năng lượng tái tạo trước năm 2030, đồng thời tiến đến cột mốc loại bỏ hoàn toàn nguồn điện từ năng lượng hóa thạch và hạt nhân vào năm 2050.

Hiện tại, Đức cũng đã đóng cửa một số cơ sở trong tổng số 17 nhà máy điện hạt nhân trên toàn liên bang. Những nhà máy được xây dựng từ năm 2013 vẫn tiếp tục hoạt động cho đến năm 2022, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo ở Đức.

Theo đánh giá của Cơ quan Môi trường Liên bang Đức, chi phí chuyển đổi sản xuất điện từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo thậm chí còn ít hơn nhiều so với số tiền mà nước này phải bỏ ra để giải quyết hậu quả về môi trường, biến đổi khí hậu trong tương lai. 

Có thể xóa sổ nhiệt điện than?

Trong khi người Đức đang nỗ lực từ bỏ việc dùng than đá để sản xuất điện thì một công trình nghiên cứu gần đây cho thấy số lượng nhà máy nhiệt điện chạy than trên thế giới không ngừng tăng. Ngay cả các tập đoàn của Đức cũng tham gia tích cực vào trào lưu này.

Một nghiên cứu mới đây của Tổ chức phi chính phủ Urgewald ở Đức về 120 nhà phát triển điện than lớn trên thế giới và các dự án của họ cho thấy, hiện nay 59 nước trên thế giới đã lên kế hoạch và đang tiếp tục xây dựng khoảng 1.400 nhà máy điện than. Nếu các dự án được triển khai thì lượng điện than tăng khoảng 33% so với mức hiện nay.

Các tập đoàn xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy than lớn nhất thế giới tập trung ở Trung Quốc và Ấn Độ. Theo số liệu của các tổ chức phi chính phủ, nhà phát triển nhiệt điện than lớn nhất thế giới hiện nay là Tập đoàn Đầu tư Năng lượng Quốc gia (NEI) của Trung Quốc, với mục tiêu tạo ra 37.837 MW điện than mới.

Hai tập đoàn lớn tiếp theo đó là Tập đoàn Huadian của Trung Quốc với 25.097 MW, và Tổng công ty Nhiệt điện Quốc gia Ấn Độ (NTPC) với 25.056 MW công suất điện than mới.

120 nhà phát triển điện than lớn nhất thế giới có trụ sở tại 42 quốc gia, nhưng gần 1/5 các công ty trong danh sách này lại có trụ sở chính tại Trung Quốc.

Trung Quốc hiện cũng là nước sản xuất điện mặt trời lớn nhất, và là công ty dẫn đầu thế giới về sản xuất điện gió, nhưng công suất than đất nước này đã lên kế hoạch (259.624 MW) cũng chiếm hơn 1/3 công suất nhiệt điện than toàn cầu.

Các công ty Trung Quốc cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng các nhà máy điện than mới ở nước ngoài. Hiện các công ty này đang phát triển 59.619 MW công suất điện than mới ở 17 quốc gia.

Gần 19% số lượng các dự án điện than của Trung Quốc đang diễn ra bên ngoài biên giới Trung Quốc, đặc biệt là khu vực ASEAN. Trung Quốc muốn tác động lên ASEAN thông qua nhu cầu của khu vực về tiền đầu tư cho dự án năng lượng cũng như cơ sở hạ tầng của các nước này.

Tuy nhiên, khi nói đến đầu tư của Trung Quốc vào thị trường điện Việt Nam, rất nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại, bởi đi cùng dòng tiền Trung Quốc đa phần đổ vào nhà máy điện than, vốn là một trong những tiềm ẩn lớn gây ô nhiễm môi trường tại nước ta.

Thông qua việc cung cấp tài chính cho các dự án nhiệt điện than tại Việt Nam, Trung Quốc đã đạt được mục đích mở rộng thị trường cho các công ty thiết kế, cung cấp thiết bị và xây dựng nhà máy điện than.

Điều này đặc biệt quan trọng với Trung Quốc, nơi mà hàng loạt các công ty trong lĩnh vực nhiệt điện than bị giảm thị phần do vấn đề dư thừa công suất điện than, lo ngại ô nhiễm môi trường và cạnh tranh của năng lượng tái tạo.

Với Trung Quốc, hoạt động cấp vốn vay cho các dự án nhiệt điện than còn giúp mở đường đầu tư cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng đi kèm và nhập khẩu tài nguyên của quốc gia này, đồng thời nâng cao sức mạnh kinh tế và chính trị của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới.

Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, nhận định: "Điện than của Trung Quốc mạnh nhất nhưng cũng tồi tệ nhất về công nghệ". Ông bày tỏ sự lo ngại khi rất nhiều nhà máy điện than sẽ xuất hiện và đi vào hoạt động.

Nói về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, bên cạnh giá trị tiền vốn của Trung Quốc, chúng ta cần phải tính được công suất điện mà nước này tạo ra tại Việt Nam tương đương là bao nhiêu.

Bởi lẽ, nhiều dự án chất lượng kém, bị đội vốn lên, trong khi sản phẩm tạo ra thì không đáng kể. Trung Quốc đang muốn bỏ điện than, họ dư thừa và muốn phân tán. Việt Nam là nơi họ muốn bán.

Đào Minh