Thượng đỉnh Kim - Trump: Vì sao là Việt Nam?
Việc Việt Nam được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 là động thái quốc tế có ý nghĩa với nhiều bên.
Hai tháng trước, báo giới quốc tế loan tin hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều sẽ gặp nhau lần 2 trong một hội nghị Thượng đỉnh để tháo gỡ những điểm nghẽn về vấn đề hạt nhân.
Vì tính chất đặc biệt của mối quan hệ Mỹ - Triều, trên lý thuyết hai bên vẫn chưa thể chấm dứt cuộc chiến tranh cách đây gần 70 năm, lệnh ngưng bắn đang có hiệu lực, cần hiệp ước hòa bình để sang trang sử mới.
Thượng đỉnh Kim - Trump sẽ diễn ra tại Hà Nội (Việt Nam), một thành phố năng động đầy sức sống, nơi mà trong lịch sử đã in đậm vết dấu của người Mỹ.
Việt Nam và Mỹ từng có một quá khứ thương đau: Chiến tranh Việt Nam vẫn là một bài toán chưa có đáp án với người Mỹ, họ đã thua toàn diện, và đâu đó trong sách báo nước Mỹ ngày nay vẫn còn bàng hoàng chưa hiểu đến cùng tận lý do vì sao họ thất bại.
Với người Việt Nam, chiến thắng đế quốc Mỹ hùng mạnh là biểu tượng của chính nghĩa, vệ quốc, một lần nữa khẳng định sức mạnh nội tại không thể xem thường.
Việt Nam hôm nay, chưa phải là đại diện nào đó mang tính kinh tế đối với khu vực và toàn cầu. Nhưng từ quá khứ đến hiện tại, Việt Nam có sức ảnh hưởng không nhỏ khi nói đến khát khao hòa bình, hòa hợp.
Nếu tìm một hình mẫu nào đó có nét tương đồng với hai miền Triều Tiên hiện tại thì Việt Nam - trong quá khứ từng trải qua.
Nhưng chúng ta đã giải quyết êm đẹp từ mùa xuân năm 1975. Đó cũng là thời điểm người Mỹ chính thức thừa nhận thất bại trong chiến tranh Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam sẵn sàng phối hợp để Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều thành công
20:17, 06/02/2019
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2: Lựa chọn nào cho Bình Nhưỡng?
20:18, 06/01/2019
Vậy, phải chăng, người Mỹ chọn Việt Nam cho một cuộc gặp lịch sử với đối thủ là nước cờ mạo hiểm?
Không phải, ngược lại, đó là lựa chọn khôn ngoan, thiện chí và đầy tinh tế của ông Trump.
Nếu thượng đỉnh lần thứ nhất Trump mời Kim Jong - un đến Singgapore để ra mắt một hình mẫu về kinh tế, biểu tượng của thịnh vượng được mang đến từ mối bang giao tốt đẹp với Washington.
Thì lần này, Việt Nam còn mang một ý nghĩa sâu xa khác. Miền Nam Việt Nam là nơi từng ghi dấu giày cuối cùng của quân đội Mỹ, họ phải rút lui vì sức mạnh chính nghĩa của người Việt.
Việt - Mỹ từ thù địch sâu sắc đến bình thường hóa quan hệ là cả một quá trình không dễ dàng.
Thương mại hai chiều tăng từ 451 triệu USD năm 1995 lên đến 52 tỷ USD năm 2016, Việt Nam trở thành một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ.
Mật độ các Tổng thống Mỹ đến Việt Nam ngày một dày hơn. Từ năm 2000 đến nay đã có 4 đời Tổng thống Mỹ khác nhau đến thăm Việt Nam (Clinton năm 2000, Bush năm 2006, Obama năm 2016, D. Trump năm 2017).
Diễn tiến mối quan hệ Việt - Mỹ vì thế có thể mở lối tương tự cho ngoại giao Mỹ - Triều. Phải chăng, đấy là thông điệp đằng sau quyết định chọn Việt Nam để tổ chức Thượng đỉnh lần 2?
Và như đã nói, Mỹ - Triều cần một hiệp ước hòa bình để chấm dứt lệnh ngừng bắn vốn mong manh.
Sau hơn 4 thập kỷ từ khi Việt Nam thống nhất, tình hình nay khác xưa, những diễn biến trên bán đảo Triều Tiên cũng dịch chuyển dần đến giới hạn phải hòa giải nếu không muốn xảy ra thảm họa hạt nhân.
Như đặc trưng vốn có của những chuyến công du của người đứng đầu Nhà trắng, an ninh, an toàn được đặt lên hàng đầu. Đó lại là một sự khẳng định uy tín của Việt Nam - đủ sức tổ chức các sự kiện tối quan trọng.
Cũng cần nói thêm rằng, hiệu ứng mà người tiền nhiệm của D. Trump (Obama) để lại ở Hà Nội và TP HCM trong chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 2016 thật sự tuyệt vời.
Obama lẫy Kiều, ăn bún chả và uống bia, mua cốm Hà Nội; đến thăm một ngôi chùa ở TP HCM. Điều đó đã chuyển tải hình ảnh thân thiện gần gũi của người Mỹ để cố gắng xua tan nỗi buồn quá khứ.
Dù muốn hay không vẫn phải thừa nhận rằng, người Mỹ và giá trị Mỹ đang được chào đón. Liệu có phải Washington muốn cho Kim Jong - un thấy được "sức mạnh mềm" của nước Mỹ?
Và cuối cùng - dù sao đi nữa, đến Việt Nam, ông Kim Jong - un chắc chắn có những trải nghiệm đặc biệt. Việt Nam là đồng chí, anh em từng ủng hộ, hỗ trợ nhau trong chiến tranh và trên các diễn đàn quốc tế.
Thượng đỉnh Kim - Trump lần này có tính chất quan trọng và đặc biệt hơn lần trước, không còn ngoại giao đơn thuần mà hai bên phải cho thấy những bước đi cụ thể nếu muốn có kết cục tốt đẹp.