Tín hiệu mới trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung
Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẽ nới thời hạn tăng thuế đối với các sản phẩm của Trung Quốc nếu các cuộc đàm phán với Trung Quốc đạt được kết quả tốt
Đây là một tín hiệu hòa giải tích cực tại thời điểm phái đoàn của Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực đàm phán để tìm cách giải quyết cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Những bình luận của ông Trump là dấu hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy ông sẵn sàng cho Trung Quốc thêm thời gian để chấp nhận một thỏa thuận nhằm chống lại cuộc xung đột thương mại kéo dài và gấy ra những ảnh hưởng tiêu cực nền kinh tế toàn cầu. Việc kéo dài thời hạn có thể mở đường cho một cuộc gặp tiềm năng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Có thể bạn quan tâm
Sẽ có Thượng đỉnh thương mại Mỹ - Trung?
06:00, 13/02/2019
Dùng dằng đàm phán thương mại Mỹ - Trung
14:31, 12/02/2019
Mỹ - Trung và "ngôi vương" 5G
11:00, 12/02/2019
Mỹ - Trung: Từ cuộc chiến thương mại đến đấu trường công nghệ
06:30, 22/01/2019
Bên cạnh đó, đây cũng là một thông điệp ngầm của Mỹ dành cho Trung Quốc, nhấn mạnh mong muốn của Tổng thống Mỹ về việc Bắc Kinh cần đảm bảo cam kết về việc cải cách mạnh mẽ mô hình kinh tế do nhà nước điều hành, thay vì chỉ đơn giản là những lời hứa ngắn hạn sẽ mua thêm hàng hóa của Mỹ.
Việc thúc đẩy một thỏa thuận với Trung Quốc được tiến hành khi Tổng thống Trump bắt đầu đưa ra khả năng ông sẽ tái tranh cử vào năm tới.
Việc áp thuế quan với hàng hóa Trung Quốc đã ảnh hưởng xấu vào một số bang quan trọng đối với vận may chính trị của Tổng thống Trump, kể cả ở những nơi có truyền thống bầu cử cho đảng Cộng hòa đã thúc đẩy ông cần hành động để giải quyết dứt điểm những tranh chấp với Trung Quốc trước thời điểm chính thức tranh cử.
Sau tuyên bố của Tổng thống Trump, các nhà đàm phán thương mại của Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ họp trong tuần này để đàm phán và thúc đẩy thực hiện một "thỏa thuận đúng nghĩa".
Các trợ lý của Trump cũng nóng lòng thúc đấy kí kết một thỏa thuận. Họ cần chứng minh sự tiến bộ đáng tin cậy của mình sau nhiều tháng không đạt bất kì một thành quả đáng kể. Tuy nhiên, hai ngày đàm phán bắt đầu là quá ít thời gian để giải quyết các vấn đề còn tồn tại.
Để Tổng thống thực sự trì hoãn việc tăng thuế quan, phái đoàn của Mỹ cần đạt được mục tiêu quan trọng nhất, thuyết phục Trung Quốc đồng thuận với việc từ bỏ các chính sách kinh tế tạo ra lợi ích đặc biệt như trợ cấp chính phủ, bảo hộ thị trường nội địa và quan trọng hơn cả là cam kết chấm dứt tình trạng đánh cắp chất xám, gián điệp thương mại.
Nhưng điều đó không phải là dễ dàng. Cho đến thời điểm hiện tại, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đề nghị thu hẹp thặng dư thương mại với Mỹ nhưng họ đã chùn bước trong việc tạo ra những thay đổi lớn trong các kế hoạch phát triển được coi là con đường dẫn đến sự thịnh vượng và ảnh hưởng toàn cầu.
Mặt khác, cáo buộc chống lại gã khổng lồ viễn thông Huawei cũng đang đặt ra dấu hỏi về khả năng đạt được thỏa thuận giữa hai bên.
"Trung Quốc sẽ tiếp tục chống lại yêu cầu của Mỹ trong một số lĩnh vực nhất định, chẳng hạn như thay đổi chiến lược công nghiệp và vai trò của nhà nước trong nền kinh tế", Eswar Prasad, nhà kinh tế của Đại học Cornell, người đứng đầu bộ phận Trung Quốc tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết.
Đồng thời ông cũng chỉ ra, Bắc Kinh sẽ không dễ dàng chấp nhận sẽ có một cơ chế giám sát việc thực hiện các cam kết từ phía Mỹ.
Quan trọng hơn cả, bất chấp việc các cuộc đàm phán giữa các phái đoàn đạt được kết quả tốt đẹp thế nào, thỏa thuận cuối cùng sẽ phải được thực hiện bởi Tổng thống Trump và người đồng cấp Trung Quốc, ông Tập Cận Bình khi đến thời điểm thích hợp.
Tuy nhiên, nếu hai phái đoàn không thể đem lại sự đột phá trước ngày 1/3, Tổng thống Trump cho biết, ông vẫn có thể quyết định tăng mức thuế để gia tăng sức ép với Trung Quốc.
Nhưng đây là điều các bên đều không mong muốn xảy ra khi hành động này sẽ dẫn đến việc người tiêu dùng Mỹ sẽ gánh chịu một khoản chi phí khủng khiếp và gây ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu.