Mỹ - Trung và mâu thuẫn mang tính chất hệ thống
Bất chấp những sự lạc quan gần đây về đàm phán thương mại Mỹ - Trung, sẽ thật ngây thơ khi nghĩ rằng một thỏa thuận về thương mại sẽ bảo vệ thế giới khỏi một cuộc chiến tranh lạnh.
Rất ít những kết quả cụ thể được công bố trong những tuần lễ diễn ra đàm phán thương mại Mỹ - Trung khi thời hạn 1/3 đang đến rất gần. Thay vào đó, một trong những tin tức rò rỉ từ các cuộc đàm phán thương mại tại Bắc Kinh lại là một ví dụ về sự bế tắc.
Được biết, Trung Quốc cam kết tiến hành các chương trình trợ cấp công nghiệp tuân thủ các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng họ không sẵn sàng thảo luận điều đó với Washington.
Trung Quốc muốn hợp tác với WTO để điều chỉnh các chính sách của mình với các quy tắc thương mại và thủ tục trọng tài hiện hành. Mỹ có thể tham gia vào các cuộc thảo luận đó như bất kỳ thành viên WTO nào khác.
Có thể bạn quan tâm
Tín hiệu mới trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung
06:00, 14/02/2019
Sẽ có Thượng đỉnh thương mại Mỹ - Trung?
06:00, 13/02/2019
Dùng dằng đàm phán thương mại Mỹ - Trung
14:31, 12/02/2019
Mỹ - Trung và "ngôi vương" 5G
11:00, 12/02/2019
Washington thấy rằng đây là hành động không thể chấp nhận được và nhận sự hoài nghi từ các nhà đàm phán Hoa Kỳ, một phần vì Trung Quốc từ lâu đã từ chối tiết lộ các khoản trợ cấp của mình.
Các nhà đàm phán đã đề nghị cần một cơ chế kiểm soát như một tác nhân để kích hoạt thuế quan thương mại trong trường hợp Trung Quốc đã thực sự vi phạm các quy tắc trợ cấp công nghiệp.
Rõ ràng là Trung Quốc sẽ không chấp nhận câu chuyện này, và khoảng cách giữa các bên về các vấn đề cơ cấu và thực thi vẫn còn rất lớn.
Người ta luôn đặt dấu hỏi, vì sao hai bên đã tiến hành rất nhiều những cuộc đàm phán, rất nhiều tín hiệu tích cực được đưa ra và sau đó, nhưng mọi chuyện gần như lại trở lại trạng thái ban đầu?
Nhìn về quá khứ, các nhà đàm phán chính phủ của Trung Quốc nổi tiếng là khó khăn. Lấy một ví dụ, Nga và Trung Quốc đã đi đến các thỏa thuận về vấn đề biên giới đầu tiên vào đầu thế kỷ 18, nhưng quyết định cuối cùng chỉ đạt được vào cuối những năm 1990. Sau đó, các nhà đàm phán Nga đã mô tả các đối tác Trung Quốc của họ là những người "cứng rắn và vô cảm".
Một thủ thuật Trung Quốc luôn thích dùng là luôn tìm cách kéo dài các cuộc thương lượng, làm đối phương mất kiên nhẫn; đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc là nước đang phát triển và luôn cần sự giúp đỡ!
Địa vị hay cấp bậc của người đàm phán cũng được sử dụng như một vũ khí lợi hại trong thương lượng. Dù đã đạt kết quả ở những vòng thương lượng trước đó, nhưng người lãnh đạo cấp cao nhất sẽ là người quyết định.
Câu chuyện này đã xuất hiện đầy đủ trên bàn đàm phán thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Xét ở một mức độ nhất định, Tổng thống Trump đã có những hành động khá hiệu quả vì Trung Quốc đã bị dồn vào chân tường với sức ép từ thuế quan của Mỹ và bị ràng buộc với các vi phạm thương mại và công nghiệp khá nghiêm trọng.
Nếu Mỹ và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận thương mại toàn diện, thương mại song phương sẽ giảm mạnh và mối quan hệ giữa hai nước ngày càng rơi vào tình trạng đóng băng. Nhưng ngay cả khi đạt được thỏa thuận, sẽ rất khó để bình thường hóa quan hệ, bởi cốt lõi của cuộc chiến này, hoàn toàn không phải là về thương mại.
Đúng hơn, đó là biểu hiện của sự cạnh tranh chiến lược đang leo thang giữa hai cường quốc. Rõ ràng, những hành động nhượng bộ của Trung Quốc để giảm mất cân bằng thương mại song phương là không đủ với Mỹ. Washington mong muốn có một sự cải cách cơ cấu toàn diện nền kinh tế của Trung Quốc.
Những cải cách cơ cấu mà Mỹ muốn Trung Quốc thực hiện là gì? Về cơ bản, có ba điều quan trọng là bảo vệ sở hữu trí tuệ, cấm hoạt động chuyển giao công nghệ bắt buộc và chấm dứt trợ cấp bất hợp pháp. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phủ nhận các hoạt động của họ dẫn đến cả ba điều trên, dẫn đến sự bế tắc không thể vượt qua.
Trung Quốc sẽ không chấp nhận tuyên bố rằng sự hồi sinh của nền kinh tế và công nghiệp nước nhà dựa trên hàng thập kỷ trộm cắp tài sản trí tuệ và cưỡng chế chuyển giao công nghệ.
Bắc Kinh nói rằng đó là sự vu khống và đó là một phần trong những nỗ lực của Washington nhằm bôi nhọ và kiềm chế Trung Quốc.
Do đó, Bắc Kinh sẽ bác bỏ tiến hành cơ chế thực thi thương mại của Mỹ và muốn hoạt động trong khuôn khổ đa phương theo các quy tắc của WTO. Nhưng Washington thì tin rằng họ vẫn có thể đưa Trung Quốc tuân theo luật chơi của riêng mình.
Một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung sẽ không thể giải quyết tận gốc những vấn đề này. Thật vậy, ngay cả khi xung đột thương mại kết thúc, các biểu hiện gay gắt đều được giải quyết, cả hai quốc gia sẽ luôn ghi nhớ một trong những bài học quan trọng của mình: Giao dịch với đối thủ địa chính trị là việc kinh doanh nguy hiểm.
Ở Mỹ, có một sự đồng thuận ngày càng tăng rằng Trung Quốc đang là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nhất mà đất nước này phải đối mặt trong dài hạn. Bất chấp việc có hay không một thỏa thuận thương mại giữa hai bên, trong nhiều năm tới, các chính sách của Mỹ và Trung Quốc sẽ tập trung vào việc xóa bỏ sự ràng buộc về mặt kinh tế một cách toàn diện.
Giới quan sát nhận định, việc từ bỏ một mối quan hệ kinh tế được xây dựng trong bốn thập kỷ có thể gây nhiều tổn hại, nhưng tiếp tục củng cố đối thủ địa chính trị chính của bạn thông qua chuyển giao thương mại và công nghệ là tự sát! Mỹ sẵn sàng hy sinh mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, bởi vì những rủi ro do cường quốc này gây ra.
Tương tự như vậy, đối với Trung Quốc, cuộc chiến thương mại đã phơi bày lỗ hổng chiến lược được tạo ra bởi sự phụ thuộc quá mức vào các thị trường và công nghệ Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình sẽ không lặp lại sai lầm tương tự. Trong những năm tới, Trung Quốc sẽ tận dụng sự kéo dài thời gian trong cuộc chiến thương mại với Mỹ để làm giảm đáng kể sự phụ thuộc kinh tế vào đất nước này.
Nhưng sự phân tách kinh tế của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ là thảm họa khi phá vỡ hệ thống thương mại toàn cầu, Trung Quốc cần làm dịu các mối lo ngại về an ninh của Mỹ. Điều này có nghĩa là thay vì tập trung vào việc mua nhiều đậu nành của Mỹ.
Trung Quốc nên có những hành động thực tế để hạn chế những hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và giảm bớt sự hỗ trợ của nhà nước với các công ty công nghệ cao. Chỉ có một động thái táo bạo như vậy mới có thể tháo gỡ phần nào sự bế tắc vẫn diễn ra giữa hai đất nước.