EU “xoay trục” châu Á - Thái Bình Dương

Thuỵ Vân 22/02/2019 11:06

Việc EU ký kết FTA với Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…cho thấy khối này đang xoay trục sang châu Á- Thái Bình Dương khi mối quan hệ của EU với Mỹ, Trung Quốc không còn mặn nồng.

Vừa qua, Nghị viện châu Âu (EP) đã phê chuẩn FTA EU- Singapore. Sau khi EP đã “bật đèn xanh”, thoả thuận này giờ chỉ còn đợi Hội đồng châu Âu thông qua để 2 tháng sau sẽ có hiệu lực chính thức.

 Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (thứ 2 từ trái sang) ký kết Hiệp định thương mại tự do EU-Singapore với Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (thứ 2 từ trái sang) ký kết Hiệp định thương mại tự do EU-Singapore với Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk

Chọn Singapore làm khuôn mẫu

Hiệp định thương mại tự do EU- Singapore (EUSFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư EU- Singapore (EUSIPA) được hai bên bắt đầu đàm phán hồi tháng 10/2014 và ký kết ngày 24/10/2018. Trong khoảng thời gian đó, có nhiều biến cố trên thế giới nói chung và ở châu Âu nói riêng đã xảy ra, khiến thoả thuận thương mại với

Singapore trở nên quan trọng hơn đối với EU. Trong đó, đáng lưu ý là việc nước Anh ra khỏi EU (Brexit), những cuộc khủng hoảng và thách thức mới đối với EU cũng như mối quan hệ của EU với Mỹ bị xấu đi đáng kể từ khi Trump lên nắm quyền Tổng thống Mỹ.

Có thể bạn quan tâm

  • EVFTA sẽ thay đổi bức tranh đầu tư châu Âu tại Việt Nam

    EVFTA sẽ thay đổi bức tranh đầu tư châu Âu tại Việt Nam

    16:55, 28/02/2019

  • EVFTA và cơ hội cho Việt Nam

    EVFTA và cơ hội cho Việt Nam

    06:16, 13/02/2019

  • Nhiều triển vọng hợp tác khi EVFTA có hiệu lực

    Nhiều triển vọng hợp tác khi EVFTA có hiệu lực

    01:38, 06/11/2018

  • EVFTA và những con số

    EVFTA và những con số

    11:25, 20/10/2018

  • Đón đầu cơ hội từ EVFTA

    Đón đầu cơ hội từ EVFTA

    11:01, 18/10/2018

EU nhấn mạnh 2 điều khoản ở thoả thuận này với Singapore. Thứ nhất, đây là FTA đầu tiên của EU với một quốc gia Đông Nam Á. Điều đó cho thấy, EU không chỉ hướng về khu vực này mà còn thực hiện chủ ý bằng ký kết FTA song phương với các thành viên ASEAN. Thứ hai, EU coi FTA với Singapore làm khuôn mẫu cho thoả thuận mà EU sẽ theo đuổi với các nước ASEAN khác.

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Jean-Claude Jungcker ngợi ca thoả thuận này là một nền tảng vững chắc cho mối quan hệ chặt chẽ giữa châu Âu với một trong những khu vực tăng trưởng năng động nhất của thế giới. “EU đã đặt mục tiêu ký kết những thoả thuận như vậy với tất cả các quốc gia ASEAN”, ông Jean-Claude Jungcker cho biết.

Những đối tác thương mại ở khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á giúp EU vừa đáp ứng nhu cầu về tăng trưởng kinh tế và thương mại, vừa giúp EU có thêm đối trọng trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.

Theo FTA EU- Singapore, trong thời gian 5 năm, EU sẽ huỷ bỏ mọi thuế quan đối với hàng hoá xuất khẩu từ Singapore vào thị trường EU, và Singapore cũng thực hiện như vậy đối với hàng hoá xuất khẩu của EU vào thị trường Singapore. Điều EU đặc biệt coi trọng và đã được phía Singapore nhượng bộ là Singapore chấp nhận những tiêu chuẩn và cả việc kiểm tra an ninh, an toàn của EU.

Không phải ngẫu nhiên mà EU lựa chọn Singapore làm đối tác đầu tiên ở Đông Nam Á. Ở khu vực này, Singapore là đối tác lớn nhất của EU, chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch thương mại giữa EU và ASEAN, cũng như chiếm gần 2/3 tổng mức đầu tư giữa EU và ASEAN. Hiện tại có hơn 10.000 doanh nghiệp EU hoạt động kinh doanh tại Singapore.

Thúc đẩy hợp tác với toàn khu vực

Trước Singapore, EU đã có thoả thuận thương mại tự do với Hàn Quốc và Nhật Bản. Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) hiện đang chờ được EP và Hội đồng châu Âu phê chuẩn. Sở dĩ EU tăng cường tìm kiếm đối tác thương mại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương xa xôi là bởi nhu cầu đã trở nên ngày càng thêm cấp thiết đối với EU. Khuôn khổ Diễn đàn ASEM đã định hình từ lâu, nhưng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu đó của EU. Những đối tác kinh tế và thương mại ở khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á giúp EU vừa đáp ứng nhu cầu về tăng trưởng kinh tế và thương mại, vừa giúp EU có thêm đối trọng trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Cả Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác kinh tế và thương mại rất quan trọng của EU nhưng mối quan hệ hợp tác của EU với cả hai đối tác này ngày càng trắc trở. Xung đột thương mại và thậm chí cả nguy cơ về chiến tranh thương mại luôn tiềm ẩn trong cả hai cặp quan hệ này của EU. Giống như Mỹ, EU cũng phải cạnh tranh chiến lược không khoan nhượng với Trung Quốc.

Không chỉ đối với Singapore hay Việt Nam mà còn đối với tất cả các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, định hướng chiến lược nói trên của EU sẽ thúc đẩy mạnh mẽ, nhanh chóng và thực chất các mối quan hệ hợp tác song phương mà các nước này rất nên tận dụng. Các nước này nên khích lệ và thôi thúc EU tiếp tục tiến bước trên con đường ấy, kiên định định hướng đã đề ra, nhanh chóng kết thúc thành công quá trình đàm phán về hiệp ước thương mại tự do song phương, khẩn trương hoàn thành những thủ tục phê chuẩn cần thiết để các thoả thuận sớm có hiệu lực chính thức.

ASEAN cũng nên thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác chung với EU, vừa hỗ trợ cho các thoả thuận riêng của EU với các thành viên ASEAN, vừa tìm cách tạo nên hiệu ứng cộng hưởng từ mối quan hệ giữa ASEAN với EU, và mối quan hệ giữa EU với các thành viên của ASEAN. Thúc đẩy quan hệ hợp tác với EU thông qua hình thành khu vực mậu dịch tự do với EU sẽ rất hữu ích cho các nước ASEAN trong cả xử lý quan hệ hợp tác của họ với các đối tác khác ở ngoài khu vực, đặc biệt với Mỹ và Trung Quốc hiện tại cũng như trong tương lai.

Thuỵ Vân