Ứng phó với rủi ro từ kinh tế Trung Quốc
Kinh tế Trung Quốc đã và đang phát đi nhiều tín hiệu bất ổn, khiến các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia Châu Á, phải lên kịch bản ứng phó.
Thời kỳ tăng trưởng mạnh của Trung Quốc đã qua rồi khi mô hình tăng trưởng cũ đã lỗi thời, trong khi mô hình và cấu trúc kinh tế mới lại chưa thiết lập được.
Mô hình tăng trưởng cũ hết thời
Kể từ khi phát triển theo kinh tế thị trường, sự tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc cho đến nay vẫn dựa chủ yếu vào mô hình tăng trưởng dựa vào vốn, lao động rẻ, tài nguyên và hướng vào xuất khẩu. Bên cạnh đó, quốc gia này còn sử dụng những chính sách, như sử dụng chính sách tỷ giá thấp, trợ cấp doanh nghiệp nhà nước, đánh cắp công nghệ từ phương Tây…
Tuy nhiên, đến nay những ưu việt của mô hình tăng trưởng cũ không còn nữa. Lao động không còn rẻ, tài nguyên cũng cạn và đang vấp phải nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng, giá đồng CNY đã tăng, định hướng xuất khẩu đang gặp nhiều thách thức, những trở lực do cấu trúc kinh tế lạc hậu ngày càng lớn dần…
Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc những năm gần đây chậm lại rõ rệt. GDP năm 2018 là 6,6%, thấp nhất trong vòng 28 năm qua. Tuy nhiên, số liệu tăng trưởng mà Chính phủ công bố bị nghi ngờ rất nhiều. Theo một số tính toán của các chuyên gia nước ngoài tại Trung Quốc, GDP năm 2018 của Trung Quốc chỉ ở mức 5%, thậm chí chỉ 1,5%.
Nhiều nguy cơ bất ổn vĩ mô
Bong bóng bất động sản (BĐS) tồn tại từ lâu trong nền kinh tế Trung Quốc. Nhiều thành phố bị bỏ hoang trong khi điều kiện nhà ở của đa số dân chúng vẫn khó khăn. Tuy nhiên, việc kiểm soát giá BĐS leo thang của Chính phủ gặp nhiều khó khăn.
Tình trạng dư thừa công suất, sản xuất thừa vẫn chưa có dấu hiệu giảm vì Trung Quốc luôn đưa ra các gói kích thích nhằm duy trì tăng trưởng, thay vì tập trung cải cách và cấu trúc lại.
Những tình trạng trên dẫn đến khối nợ quốc gia lớn gần gấp 3 lần GDP (260% GDP). Tình trạng này là nguyên nhân cơ bản của những vụ vỡ nợ mà Chính phủ Trung Quốc có nhiều nỗ lực mới ngăn được chúng gây ra bất ổn cho thị trường tài chính trong 2 năm gần đây.
Tác động đến kinh tế thế giới
Sự giảm tốc, hay thời kỳ khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc sẽ có những tác động không nhỏ đối với khu vực và thế giới, đặc biệt là đối với Việt Nam. Về thương mại, thị trường xuất khẩu hàng nông sản, khoáng sản của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi ở chiều nhập khẩu, dòng hàng hóa dư thừa sẽ xâm nhập mạnh lên.
Mặt khác, các đơn hàng từ các nền kinh tế lớn sẽ tìm đến Việt Nam nhằm thay thế cho Trung Quốc. Đây là một lợi thế lớn để Việt Nam có thể mở rộng và xâm nhập sâu hơn vào các thị trường lớn.
Khi Trung Quốc rất cần sự ổn định để có thể giải quyết những rủi ro tiềm ẩn thì lại bị lôi kéo vào cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, khiến kinh tế nước này ngày càng suy giảm mạnh.
Về đầu tư, dòng FDI không phải của Trung Quốc sẽ tìm đến các nước khác, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, phải kể đến dòng FDI của Trung Quốc cũng sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội mới. Tuy nhiên, dòng vốn này kéo theo sự di cư từ Trung Quốc, không sử dụng hoặc sử dụng ít dịch vụ tại chỗ, công nghệ máy móc thường lạc hậu và gây nhiều vấn đề môi trường.
Việt Nam cần làm gì?
Việt Nam phải hứng chịu những tác động tiêu cực từ những thay đổi ở Trung Quốc cả về chính sách và thực tế.
Về tài chính tiền tệ, Việt Nam cần tăng tỷ trọng CNY trong rổ tỷ giá để có những phản ứng kịp thời về điều hành tỷ giá nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam đối với hàng hóa Trung Quốc.
Về thương mại, Việt Nam có nhiều khả năng bị biến thành nơi mà các nhà sản xuất Trung Quốc dùng để né thuế của Mỹ. Nếu bị quy vào điều này, Việt Nam có thể sẽ bị “vạ lây”. Đặc biệt, Việt Nam vẫn chưa được coi là nền kinh tế thị trường, nghĩa là việc áp đặt trừng phạt đối với Việt Nam là dễ dàng với Mỹ. Do đó, Việt Nam cần thận trọng tiếp nhận đầu tư từ Trung Quốc để xuất sang Mỹ.
Về đầu tư, cần có những chính sách khuyến khích hay đòi hỏi sự lan tỏa từ dòng FDI sang các khu lĩnh khác, thay vì chỉ mời gọi. Bởi nếu chỉ mời gọi, thì Viêt Nam sẽ trở thành nơi cho FDI đến nhưng không đem lại lợi ích lâu dài cho nền kinh tế như nâng cao công nghệ, kỹ năng lao động và năng suất lao động.
Đặc biệt, Việt Nam cần có những cải cách mạnh mẽ sao cho nông nghiệp có thể phát triển nhanh hơn với năng suất cao hơn, quy mô lớn hơn thì mới có thể cạnh tranh được với nền nông nghiệp Trung Quốc. Chẳng hạn, cần chấp nhận sở hữu tư nhân đối với đất đai (trong nông nghiệp), tư nhân hóa và thị trường hóa các hoạt động nghiên cứu, dịch vụ đối với nông nghiệp…