Vết nứt mới trong quan hệ Mỹ - Triều

Cẩm Anh 08/03/2019 11:00

Cơ quan Tình báo Hàn Quốc đã cho biết Triều Tiên đang tiến hành khôi phục một phần bãi phóng tên lửa mà nước này từng tuyên bố phá bỏ vào năm ngoái.

một người lính đứng trước tên lửa Unha-3 tại một địa điểm phóng ở Tongchang-ri, Triều Tiên.

Lính Triều Tiên đứng trước tên lửa Unha-3 tại một địa điểm phóng ở Tongchang-ri, Triều Tiên. Ảnh AP/ David Guttenfelder.

Các nhà phân tích cho rằng, việc khôi phục một bãi thử tên lửa tầm xa tại khu phóng vệ tinh Sohae ở Tongchang-ri, phía tây bắc nước này là động thái để Triều Tiên chiếm thế thượng phong trong các cuộc đàm phán hạt nhân trong tương lai.

"Có vẻ như một động thái để tăng áp lực lên chính quyền Trump. Nếu Triều Tiên không đạt được những gì họ muốn tại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa, họ có thể phóng một tên lửa vệ tinh tại địa điểm Tongchang-ri" - ông Kim Kime-young, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc gia Hàn Quốc cho hay.

Có thể bạn quan tâm

  • Một số điều rút ra từ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội

    09:47, 02/03/2019

  • Bàn cờ thế cuộc hậu Thượng đỉnh Mỹ - Triều

    22:16, 06/03/2019

  • Đàm phán Mỹ - Triều: Con đường chông gai phải đi

    11:00, 04/03/2019

  • Hậu thượng đỉnh Mỹ - Triều: Châu Á có bình yên?

    07:00, 01/03/2019

Các cơ sở Tongchang-ri rất quan trọng đối với các chương trình không gian và tên lửa của Triều Tiên. Nước này đã sử dụng các phương tiện ở đó để phóng tên lửa mang theo vệ tinh. Mỹ đã gọi chương trình vệ tinh là cơ sở nền tảng để phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Ông Kim đã đến thăm nơi thử nghiệm động cơ tên lửa vào năm 2017 khi các kỹ sư ở đó đã thử nghiệm thành công một động cơ có lực đẩy vượt trội - được cho là để trang bị tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mà Triều Tiên phóng ra nhiều tháng sau đó.

Các báo cáo được công bố về việc tái thiết Tongchang-ri dựa trên hình ảnh vệ tinh thu được vào hôm thứ Bảy, nhưng các nhà phân tích cho biết những công việc này có thể đã bắt đầu sớm nhất là vào giữa tháng Hai.

Beyond Parallel, trang web được điều hành bởi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington, đã công bố một báo cáo với những đánh giá tương tự. Hình ảnh vệ tinh có được vào ngày 2/3 đã cho thấy Triều Tiên đang theo đuổi việc xây dựng lại vị trí tên lửa tầm xa. Các hoạt động có thể chỉ ra các kế hoạch của Triều Tiên nhằm thể hiện quyết tâm của họ sau hội nghị thượng đỉnh lần hai.

Mặc dù Triều Tiên nói rằng họ không còn cần phải thực hiện các vụ thử hạt nhân hay tên lửa vì họ đã hoàn thành việc phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng hạt nhân và bắt đầu sản xuất hàng loạt chúng. Nhưng một số quan chức và nhà phân tích phương Tây vẫn nghi ngờ rằng nước này đã nắm vững các công nghệ cần thiết để tái xây dựng các chương trình tên lửa bất kì lúc nào

Mặc dù vậy, một số chuyên gia khác cho rằng, bất kỳ hành động nào tại địa điểm này không có nghĩa là một vụ thử tên lửa sắp xảy ra khi những hình ảnh vệ tinh không cho thấy dấu hiệu đó.

"Quyết định xây dựng lại Sohae phần lớn là mang tính biểu tượng. Cơ sở này không được tính là trung tâm của sự phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên" - David Wright, Giám đốc chương trình an ninh toàn cầu tại Ủy ban các nhà Khoa học Quan tâm nhận định. 

Ngay cả khi Sohae đang được xây dựng lại sau hội nghị thượng đỉnh thất bại, ông Kim Jong-un vẫn không vi phạm bất kỳ thỏa thuận nào với Mỹ. Tính đến thời điểm hiện tại, không có gì hạn chế khả năng thử nghiệm tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Tất cả các tên lửa đạn đạo của Triều Tiên ngày nay, có thể có một hoặc hai ngoại lệ đều có thể được phóng từ các bệ phóng di động.

Nhưng sẽ như thế nào nếu Triều Tiên thử một tên lửa mới để đưa vệ tinh vào vũ trụ? Điều đó có thể làm thay đổi đáng kể các cuộc đàm phán với Hàn Quốc và Hoa Kỳ.

Có thể thấy, việc không có một thỏa thuận hay tuyên bố chung nào trong cuộc Hội nghị Thượng đỉnh vừa qua cùng với động thái từ Triều Tiên đã ít nhiều đã tạo một vết nứt mới trong mối quan hệ Mỹ - Triều vốn đang rất tốt đẹp.

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton đã cảnh báo Triều Tiên rằng họ phải sẵn sàng từ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân hoặc có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn. Mối đe dọa này có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng sau điểm nghẽn của hội nghị thượng đỉnh, mà Trump nói đã kết thúc một cách thân thiện. 

Cẩm Anh