Châu Âu hỗn mang trong mối quan hệ với Trung Quốc

Cẩm Anh 29/03/2019 15:35

Liên minh châu Âu (EU) đang bối rối trong quan hệ với Trung Quốc, mẫu thuẫn lại chồng chất mâu thuẫn.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker (phải), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (thứ 2, phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel (thứ 2, trái) trong cuộc hội đàm ở Paris, Pháp, ngày 26/3/2019

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc hội đàm ở Paris, Pháp, ngày 26/3/2019

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc chuyến công du kéo dài gần một tuần thăm ba nước châu Âu bằng chặng dừng chân cuối cùng tại Pháp. Chuyến công du lần này của Chủ tịch Tập cho thấy hai thái cực tại châu Âu trong việc thiết lập mối quan hệ với Trung Quốc.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tỏ rõ sự thận trọng với Trung Quốc khi mời Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tới Paris để cùng tham dự cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Có thể bạn quan tâm

  • Trung Quốc “cởi trói” FDI

    17:15, 27/03/2019

  • Đón cơ hội dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc

    18:12, 22/03/2019

  • Trung Quốc chuyển hướng “Vành đai và Con đường”

    11:00, 18/03/2019

  • Thách thức nào đón đợi ông Tập Cận Bình?

    11:00, 08/01/2019

Cuộc họp tuần này tại Paris đã cho thấy ba nhà lãnh đạo quyền lực nhất của EU hối thúc Chủ tịch Tập Cận Bình mở cửa thị trường của Trung Quốc và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nước này trở thành đối tác quan trọng của EU, nhưng đồng thời cũng là đối thủ cạnh tranh chiến lược.

Mặt khác, một số quốc gia EU dường như tỏ rõ sự ủng hộ Trung Quốc. Bắt đầu từ việc Chính phủ Italy đầu tháng 3 tuyên bố tham gia dự án “Vành đai, Con đường,” bất chấp sự quan ngại của nhiều nước châu Âu và Mỹ. Trước đó, công quốc Monaco đã tuyên bố tiếp nhận mạng 5G của Huawei, trở thành lãnh thổ nước ngoài đầu tiên triển khai công nghệ này của Trung Quốc.

Những diễn biến này cho thấy một sự chia rẽ trong cách ứng xử về mối quan hệ với Trung Quốc giữa các thành viên trong EU. Thay vì đưa ra một con đường chung thống nhất của khối, các nhà lãnh đạo đã lựa chọn những lối đi riêng.

Chưa bao giờ EU phải đối mặt với việc phải xử lý một mối quan hệ ngoại giao với một quốc gia mà quan hệ kinh tế là thiết yếu nhưng hành vi của họ đang làm suy yếu trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc mà EU coi là trụ cột. Dưới thời Chủ tịch Tập, Trung Quốc đã trở nên mạnh mẽ hơn. Và điều này đã làm các quốc gia EU lo sợ (!?).

Các nhà lãnh đạo chính trị và các công ty châu Âu đều bày tỏ sự không hài lòng về việc hạn chế tiếp cận thị trường Trung Quốc và theo quan điểm của họ, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc ở thị trường nội địa và nước ngoài đều có những hành vi hung hăng và không công bằng.

Nhưng, như chuyên gia EU, Bruno Macaes, một cựu bộ trưởng của Bồ Đào Nha cho rằng, EU không có cơ chế hiệu quả để quản lý xung đột nghiêm trọng giữa các quốc gia thành viên, khiến các nước này dựa vào nhân tố bên ngoài để thay đổi hiện trạng vì lợi ích của họ.

Cùng với đó, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế cùng nhu cầu lớn về vốn để giải quyết các vấn đề đang tồn tại bên trong một số quốc gia đã giúp Trung Quốc tiến lại gần hơn với EU. Nguồn vốn mới đổ vào có thể giúp chính phủ Ý hồi phục nền kinh tế và cải thiện cơ sở hạ tầng. Trong khi nguồn vốn của Trung Quốc hy vọng giúp Hy Lạp và Hungrary thoát khỏi khó khăn tài chính.

Do đó, trong khi các thành viên EU dường như nhận thức được sự cần thiết phải sát cánh cùng nhau thì họ đang cố gắng đạt được thỏa thuận song phương tốt nhất với Trung Quốc. Sức mạnh của EU trong thương mại quốc tế và quan hệ đối ngoại nằm ở sự đồng thuận. Nhưng một khi kéo các nước thành viên tách được ra để thúc đẩy quan hệ với riêng họ thì đúng là một chiến lược quyền lực. Trung Quốc đã thành công với điều đó!

Mặc dù vậy một số vấn đề giữa Trung Quốc và EU không thể được giải quyết hoàn toàn trong một đêm, và các vấn đề như tiếp cận thị trường, chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ vẫn cần thời gian. Giới quan sát đã nhận định, các nhà lãnh đạo EU đã nhận ra Trung Quốc đang dần đi vào thế đối lập trong các quan về pháp quyền, tự do ngôn luận, đa nguyên chính trị, minh bạch và cạnh tranh công bằng.

Mặt khác, các quốc gia thành viên có thể nhận ra chi phí mà họ phải trả khi tách rời EU sẽ thúc đẩy các nhà lãnh đạo quay lại với mục tiêu ban đầu của khối và trở nên đoàn kết hơn. Câu chuyện "ly hôn" của Anh khỏi EU chính là một bài học nhãn tiền để các quốc gia EU học tập khi Anh giờ đây đang rơi vào tình trạng hỗn loạn và dễ tổn thương hơn bao giờ hết.

EU phải thể hiện sự đoàn kết hơn. Sức mạnh thương mại là thế mạnh lớn của khu vực này nhưng Trung Quốc hiện đại hóa nhanh chóng và ảnh hưởng toàn cầu đang làm xói mòn điều đó. Nếu EU muốn trở thành một nhà lãnh đạo thế giới, họ phải suy nghĩ với tư duy chiến lược hơn và không để chia rẽ nội bộ bởi các cường quốc lớn hơn như Trung Quốc.

Cẩm Anh