Đàm phán thương mại Mỹ - Trung tiến dần đến hồi kết?
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết, ông tin rằng Mỹ và Trung Quốc đang gần đến giai đoạn đàm phán cuối cùng và sẽ là thay đổi lớn nhất trong mối quan hệ kinh tế giữa hai nước trong 40 năm.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết, các cuộc đàm phán đang tiến triển, nhưng chưa có thời gian cụ thể về ngày hai bên chính thức kết thúc đàm phán. Các cuộc đàm phán đã được giữ bí mật cao, và không rõ còn bao nhiêu vấn đề còn lại vẫn chưa được giải quyết.
Mỹ và Trung Quốc đã thực hiện các cuộc thảo luận qua điện thoại trong tuần qua. Cùng với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, ông Mnuchin sẽ tổ chức hai cuộc gọi vào tuần tới với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.
Có thể bạn quan tâm
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Biến căng thị trường LNG và đậu nành
06:00, 05/04/2019
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung: Đã tìm ra "thủ phạm" gây ách tắc!
06:15, 31/03/2019
Áp lực đang gia tăng cho đàm phán thương mại Mỹ - Trung
07:33, 03/04/2019
Mỹ - Trung và kỳ vọng trong vòng đám phán thỏa thuận mới
05:15, 25/03/2019
"Trở ngại lớn nhất đối với một thỏa thuận thương mại luôn là làm thế nào để thực thi. Tuy nhiên, vấn đề này gần như đã được giải quyết. Mỹ đã thúc đẩy Trung Quốc đồng ý với một cơ chế cho phép Washington áp đặt thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc nếu Bắc Kinh từ bỏ một số phần của thỏa thuận", ông Mnuchin cho biết.
Ông cũng nói thêm, có những cam kết nhất định mà Mỹ đang thực hiện trong thỏa thuận này và có những cam kết nhất định mà Trung Quốc đang thực hiện. Do đó sẽ có một cơ chế thực thi hoạt động theo cả hai hướng. Hai bên sẽ tôn trọng các cam kết, và nếu Mỹ không thực thi đúng theo điều khoản trong thỏa thuận cũng sẽ chịu những hậu quả nhất định, tương tự như Trung Quốc.
Đây là một thay đổi lớn trong toàn bộ quá trình đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Trước đó, Mỹ đã không ngừng kêu gọi Trung Quốc đồng thuận với việc Mỹ sẽ đơn phương trừng phạt Trung Quốc nếu nước này không thực hiện theo đúng thỏa thuận. Trung Quốc đã phản đối và cho rằng, đây là cơ chế thực thi một chiều, xâm phạm chủ quyền và trao cho Washington quá nhiều quyền lực.
Nhiều chuyên gia Trung Quốc cho rằng Mỹ đang tìm cách kiềm chế Trung Quốc, kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế, hạn chế ảnh hưởng toàn cầu và làm suy yếu hệ thống chính trị của nước này. Nhiều chuyên gia Mỹ coi Trung Quốc là một mối đe dọa quân sự, một đối thủ địa chính trị và một đối thủ cạnh tranh về ý thức hệ. Do đó, hành động chấp nhận đối mặt với vi phạm từ phía Mỹ là kết quả hoàn toàn ngoài mong đợi.
Mặc dù vậy, những người đã theo dõi chặt chẽ các cuộc đàm phán cho rằng, hai bên đang tiếp tục đàm phán về các hình phạt cụ thể do vi phạm thỏa thuận. Vẫn chưa rõ Mỹ sẽ phải chịu sự trừng phạt như thế nào nếu không thực thi theo đúng cam kết.
Đồng thời, khả năng đảm bảo một cam kết chắc chắn từ Trung Quốc sẽ là yếu tố quyết định trong việc liệu thỏa thuận thương mại của Tổng thống Trump có được coi là một chiến thắng thực sự hay không. Và việc ép Trung Quốc cam kết vững chắc là điều không dễ dàng. Chính vì vậy, bất chấp thái độ lạc quan của ông Mnuchin, giới quan sát vẫn giữ thái độ thận trọng xoay quanh vấn đề đàm phán của hai nước.
Myron Brilliant, Phó chủ tịch điều hành và người đứng đầu các vấn đề quốc tế tại Phòng Thương mại Mỹ nhận định, Trung Quốc sẽ không đồng ý ký vào một thỏa thuận cuối cùng mà họ không được lợi gì trong đó.
Các nhà đàm phán cần phải hiểu rằng Trung Quốc có thể từ chối thỏa thuận và xóa bỏ cam kết trong việc mua thêm hàng hóa, tiếp cận thị trường, sở hữu trí tuệ và các lĩnh vực khác nếu nhu họ không nhận được tuyên bố giảm thuế quan từ Tổng thống Trump.
Có thể thấy, kể từ tháng 1, các biện pháp được Washington và Bắc Kinh thực hiện để giải quyết cuộc chiến thương mại kéo dài 9 tháng của họ đã kéo dài hơn dự kiến. Cả hai bên đã tiếp tục thể hiện sự lạc quan thận trọng mà không đưa ra bất kì dự đoán cụ thể nào về kết quả.
Hiện tại, những người có quan điểm cứng rắn ở cả hai phía vẫn đang không ngừng gây sức ép lên các nhà đàm phán để giành phần thắng cho mình, đặc biệt là từ phía Mỹ. Đến nay chưa có bất kỳ một thành viên nào trong chính phủ Mỹ phản đối công khai về các điều khoản của thỏa thuận, nhưng có một số nguồn tin cho rằng, bản thỏa thuận đang khá ưu đãi với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư và các đồng minh của Mỹ đều lo lắng rằng ông Trump và cách tiếp cận mạnh mẽ và đơn phương đối với thương mại đang gây ra sự không chắc chắn về thỏa thuận thương mãi sẽ đóng vai trò là lực cản đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Nếu cả hai bên không đạt được một thỏa thuận, mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ bước vào một kỷ nguyên mới với sự cạnh tranh trực tiếp giữa hai nước. Tuy nhiên, điều này sẽ ngăn chặn sự hợp tác giữa hai nước trong việc đáp ứng các thách thức toàn cầu như suy thoái môi trường, cực đoan khủng bố, bệnh dịch, khan hiếm nước và tài nguyên.