Nga "hất cẳng" Mỹ tại Triều Tiên?
Cuộc gặp lịch sử sắp diễn ra giữa Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ đánh dấu một diễn biến tích cực đối với tình hình bán đảo Triều Tiên.
Trước thềm cuộc gặp, cả hai nhà lãnh đạo cho biết họ đều có hy vọng cao về cuộc gặp trực tiếp đầu tiên. Tuy nhiên, Nga có nhiều "thẻ bài" để chơi hơn trong cuộc đàm phán lần này.
Trên thực tế, thông tin về cuộc gặp ít được truyền thông quan tâm so với lần Mỹ - Triều tổ chức hội nghị. Báo chí Nga đang bị phân tâm vào thời điểm này bởi các diễn biến đầy kịch tính của cuộc bầu cử Ukraine, và hầu như rất ít thông tin về cuộc gặp Nga - Triều được truyền thông Nga đưa tin.
Có thể bạn quan tâm
Chờ đợi gì từ Thượng đỉnh Nga - Triều Tiên?
05:29, 19/04/2019
Triều Tiên thử nghiệm vũ khí mới có lôi kéo Mỹ trở lại đàm phán?
14:30, 18/04/2019
Trump sẽ đi “nước cờ” nào với Triều Tiên?
06:00, 12/03/2019
Liệu có căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Triều Tiên?
15:04, 09/03/2019
Tuy nhiên, việc hạn chế về mặt thông tin cũng có thể phản ánh nỗ lực nhằm làm giảm bớt những kỳ vọng, hoặc thậm chí tránh được sự chú ý của các cường quốc về cuộc gặp của ông Putin với nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Một điều chắc chắn rằng, kết quả cuộc gặp lần này giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Triều Tiên sẽ tốt đẹp hơn so với Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai vừa qua. Các chuyên gia đã đề cập đến những cơ hội thú vị mà Hội nghị thượng đỉnh Kim-Putin đề ra để giảm căng thẳng thực sự ở Đông Bắc Á.
Qua cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên, ông Putin sẽ có cơ hội nâng tầm Moscow trong khu vực và có thêm đòn bẩy với Washington. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, Nga đang cạnh tranh với Trung Quốc trong việc tăng tầm ảnh hưởng trên Bán đảo Triều Tiên.
Lợi ích của Moscow trên Bán đảo Triều Tiên là không phải bàn cãi. Do đó, Nga muốn thấy căng thẳng trên bán đảo này sẽ được giảm dần để thúc đẩy phát triển các dự án đầu tư của Nga tại nơi này.
Ví dụ, các dự án đang được thảo luận về việc hợp tác phát triển Cảng Rajin ở Triều Tiên, và tham vọng về việc kết nối cơ bản hệ thống giao thông đường sắt của Nga và Hàn Quốc, thậm chí là của Triều Tiên. Moscow đã liên kết tương đối chặt chẽ với Seoul về việc thực hiện tham vọng trên.
Bên cạnh đó, thông qua sự can thiệp sâu hơn vào việc làm dịu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Moscow cũng tranh thủ tăng cường mối quan hệ với Mỹ hay Nhật Bản, bởi vì Nga hiểu rằng Hàn Quốc là mối quan tâm an ninh chính đối với cả hai, và Tổng thống Putin không muốn rơi vào thế đối đầu với Tổng thống Trump.
Trong bối cảnh mối quan hệ Nga - Mỹ xấu đi nhiều hơn liên quan tới vấn đề Crimea, chiến sự ở Syria, Lybia và nghi vấn Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, vấn đề Triều Tiên được xem là cơ hội hiếm hoi nơi Moscow và Washington có thể tìm được sự quan tâm chung và tham gia đối thoại, giải quyết các bất đồng.
"Có những vấn đề mà Washington cùng Moscow có thể hợp tác và Triều Tiên là một trong những vấn đề như vậy" - ông Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, bình luận.
Ông nhấn mạnh rằng, thông qua cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Triều, ông Putin muốn gửi thông điệp tới Washington cũng như Bắc Kinh và Seoul rằng Nga là một bên quan trọng cần có trong các cuộc thảo luận để giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Moscow có thể làm nhiều hơn trong câu chuyện phi hạt nhân hóa của Triều Tiên. Tại sao? Đầu tiên, Nga rõ ràng không chỉ có chuyên môn kỹ thuật để hỗ trợ xác minh việc Triều Tiên đang thực sự tiến hành phi hạt nhân hóa mà còn có kinh nghiệm rộng lớn với các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí.
Thứ hai, có quan hệ tốt với cả Trung Quốc và Hàn Quốc, nhưng quan trọng Nga có thể được tin tưởng hơn ở Bình Nhưỡng vì lý do đơn giản là đất nước này không thực sự gây ra mối đe dọa hiện hữu cho Bình Nhưỡng theo cách mà Seoul hoặc Bắc Kinh, Washington có thể.
Cuối cùng và quan trọng nhất, sức mạnh quân sự của Nga tại khu vực cũng đã mang lại sự tín nhiệm nhất định. Sự sẵn sàng của Kremlin đối với các đồng minh phương Tây, dù ở Syria hay Lybia chắc chắn đã gây ra sự chú ý của Triều Tiên. Vì tất cả những lý do này, Nga có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tác động đến cuộc đàm phán hạt nhân đang đi vào giai đoạn bế tắc.
Trong khi Moscow khó có thể mạo hiểm quyền lực của mình tại Liên Hợp Quốc bằng cách vi phạm các biện pháp trừng phạt công khai, ông Putin có khả năng sẽ hứa không ủng hộ bất kỳ biện pháp trừng phạt bổ sung nào và tiếp tục những hành động viện trợ lương thực trong thời gian qua.
Cả ông Kim và Putin và đều muốn đạt được một điều gì đó tại cuộc gặp lần này. Nếu kết quả tiến triển tốt đẹp, đây sẽ là bước tiến có lợi nhiều hơn cho Nga trong việc khẳng định sức mạnh của "gấu Nga" trên trường quốc tế.