[Cải cách Minh Trị] Bài 1: "Bản sắc Samurai"
"Thần kỳ Nhật Bản" hầu hết bắt đầu từ những điều không phải thần kỳ, cải cách Minh Trị Thiên Hoàng là một ví dụ.
Tương truyền rằng, một lần “Đông Du” sang Nhật Bản công cán, Nguyễn Công Trứ trở về kinh thành mang theo vô vàn chuyện quái lạ, bèn kể lại với nhà vua “thần thấy bên Nhật họ treo ngược cái đèn dầu mà tim vẫn cháy sáng! Câu chuyện gây xôn xao trong giới quan lại trong triều.
Nhà vua lấy làm lạ, sai người “thí nghiệm”, quả nhiên đèn tắt vì tràn chất đốt ra ngoài, nổi giận định xử tội khi quân, may nhờ bá quan can ngăn nên Nguyễn Công Trứ toàn mạng.
Hóa ra sau này mới tỏ, những năm cuối cải cách dưới thời Minh Trị Thiên Hoàng, Nhật Bản đã dùng điện và bóng đèn sợi đốt, trông hao hao giống chiếc đèn đốt dầu ở Việt Nam.
Một mẫu chuyện hài hước nhưng cho thấy óc quan sát học hỏi của danh nhân Nguyễn Công Trứ, đồng thời cung cấp sử liệu quan trọng để cảm nhận mức độ tiến bộ của Nhật Bản đã vượt ra ngoài trí tưởng tượng của những người được xem là thức thời nhất ở nước ta lúc bấy giờ.
Và cũng có thể đó là cái nhìn e dè của triều đình với văn minh phương Tây, mà sau đó không lâu nhà Nguyễn lâm vào thoái trào, mất nước vì không dám mở cửa bang giao.
Cuộc cải cách toàn diện ở Nhật Bản diễn ra dưới thời vua Minh Trị từ 1866 - 1869, sau 200 năm thống trị của chế độ Mạc Phủ Tokugawa.
Lúc này Việt Nam đang được trị vì dưới triều vua Tự Đức, sau mấy mươi năm xã tắc thái bình, đất nước thịnh trị, bắt đầu có dấu hiệu khủng hoảng.
Liên tiếp các năm từ 1864 đến 1881, các quan là Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Đinh Văn Điền, Nguyễn Hiệp, Lê Định dâng sớ xin nhà vua cho cải cách toàn diện đất nước nhưng các định thần lại không thống nhất, nhà vua cũng không đưa ra được quyết sách dứt khoát.
Trên thế giới, khoa học và công nghiệp đã phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh buôn bán ngày càng gay gắt, thế mà đình thần quanh vua chỉ chăm lo việc văn chương, khéo nghề nghiên bút, bàn đến quốc sự thì lấy Nghiêu Thuấn, Hạ, Thương Chu xa xưa làm gương, tự vỗ ngực là văn minh, chê thiên hạ là ngoại dị. Vì thế, Tự Đức cấm buôn bán ngày càng gay gắt hơn.
Lúc này, ở Âu châu và Mỹ đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai, bước ngoặt là khai sinh động cơ đốt trong, tìm ra nguồn điện làm thay đổi toàn bộ hiện trạng kinh tế, xã hội thế giới.
Minh Trị bắt đầu cải cách từ tâm điểm của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai, thực chất đó là quá trình mở cửa tiếp nhận các phát minh công nghiệp từ phương Tây đầu tiên ở châu Á.
Có thể nói rằng, toàn bộ cuộc cách mạng Minh Trị gói gọn trong một xu hướng “hướng Tây”, từ kinh tế, xã hội, giáo dục, quốc phòng. Xem xét dưới góc độ phương thức sản xuất đây là cuộc cách mạng Tư sản không triệt để.
Về chính trị, triều đình thực hiện cuộc “tinh giản biên chế” chưa từng thấy, gọi là “phế phiên lập huyện”, xóa bỏ quyền lực các đại danh, bãi bỏ hệ thống lãnh địa, thực hiện một nước Nhật thống nhất và tuyên bố “thứ dân bình đẳng”.
Về kinh tế, thực hiện tự do buôn bán và đi lại (đối lập với triều Nguyễn), thống nhất hệ thống tiền tệ, xây dựng mạng lưới hạ tầng, phát triển chủ nghĩa tư bản rộng khắp.
Về giáo dục, lấy những phát minh ở Mỹ và châu Âu làm sách giáo khoa giảng dạy bắt buộc, hệ thống giáo dục mô phỏng Hà Lan, Đức, Anh; mời giáo viên nước ngoài đến Nhật và gửi nhân tài đi đào tạo ở các nước văn minh hơn.
Dấu ấn đậm nét nhất trong cải cách ở Nhật chính là giáo dục, với tác phẩm “Khuyến học” của Fukuzawa Yukichi. Bằng tuyên ngôn “trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người”.
Fukuzawa Yukichi đã gây kinh ngạc và bàng hoàng - như “không tin vào tai mình” - cho đa số người Nhật Bản vốn bị trói buộc bởi đẳng cấp, thân phận, quen phục tùng phó mặc và e sợ quan quyền suốt hàng trăm năm dưới chính thể phong kiến Mạc Phủ.
Fukuzawa Yukichi phê phán lối học “tầm chương trích cú, ôn cố tri tân” và nhấn mạnh Nhật Bản phải xây dựng nền học vấn dựa trên “thực tế”. Nền học vấn thực học phải gắn liền với cuộc sống hằng ngày, phải dựa trên tinh thần khoa học, tinh thần độc lập, tính thực dụng.
Tư tưởng giáo dục của Yukichi đã trở thành triết lý, khai sáng người Nhật và mang tính phổ quát được thừa nhận rộng rãi và thực chất nó đả phá một phần lớn quan điểm giáo dục Nho giáo- mà Nhật Bản là một trong những nơi chịu ảnh hưởng sâu sắc như Việt Nam.
Từ cải cách, Nhật Bản trở nên hùng cường, tránh được làn sóng xâm chiếm thuộc địa từ phương Tây, thậm chí họ còn hiên ngang tham gia bàn bạc cục diện địa cầu với các anh hào đến từ Tây phương.
Lịch sử không tồn tại trạng thái “nếu - thì”, nhưng công bằng mà nói người Việt - ít ra dưới triều Nguyễn đã bỏ qua một cuộc cải cách như Nhật Bản, biến cố mất nước vào tay thực dân Pháp, kéo dài hơn 1 thế kỷ rưỡi chìm trong chiến tranh, vô số cơ hội vươn lên cũng trôi qua vì hoàn cảnh lịch sử ấy.
Nhưng Việt Nam đã thống nhất tròn 44 năm - khoảng thời gian đủ dài để làm điều gì đó tương tự Nhật Bản, Hàn Quốc. Cách đây hơn 30 năm, Việt Nam đã tiến hành “ĐỔI MỚI”, với ta được xem là thành quả lớn, nhưng đối sánh với nhiều quốc gia khác chưa thể gọi là sánh kịp.
Mắc mớ ở chiều sâu nhất với chúng ta bây giờ là giáo dục, nền giáo dục Việt Nam đang rất cần những giá trị mà Yukichi đã nói cách đây hơn 100 năm.
Cải cách Minh Trị có một vài điều đặc biệt, nhưng cũng có những điều “bình thường”, song kết quả mang lại là thần kỳ.
Nói vài điều đặc biệt là ở chổ, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại ghi nhận trường hợp chính quyền phong kiến tiến bộ đến mức “dung dưỡng” cho giai cấp tư sản phát triển ngay trong lòng mình, mà không sợ đến lúc nào đó bị phản bội như ở Hà Lan, Pháp, Anh, Đức,...
Sau này, người Nhật đã xử lý vô cùng hợp lý bằng cách tạo ra chế độ chính trị “quân chủ lập hiến”. Nhật hoàng có vị trí vô cùng quan trọng với nhân dân và đất nước, mang dáng dấp phong kiến, nhưng không bao giờ cản trở quá trình phát triển.
Thêm nữa, trong thời gian rất ngắn, giới chính trị tối cao Nhật Bản “tẩy não” nhân dân rất khó tin, chuyển trạng thái ý thức phong kiến bảo thủ sang tâm thế sẵn sàng cởi mở tiếp nhận cái mới là việc không hề dễ dàng!...
Nói “bình thường” là ở chổ, người Nhật hầu hết “coppy” và “hiệu đính” các tiến bộ của phương Tây, đó là cách làm không thể nào tốt hơn nếu muốn “đi tắt đón đầu”.
Đương nhiên, sao chép và áp dụng có rất nhiều nơi từng làm, kể cả mang tính chất địa phương lẫn tầm quốc tế. Nhưng chỉ có “bản sắc Samurai” mới làm nên điều thần kỳ rất khó nhìn thấy hình mẫu thứ 2 trong thế kỷ này.
Bài 2: Tìm lại quá khứ vàng son