"Vết thương mới" trong thương chiến Mỹ - Trung
Các công ty Mỹ đang chuẩn bị cho một bước chuyển đổi về chi phí khi Tổng thống Donald Trump áp dụng mức thuế mới với hàng hóa Trung Quốc.
Các quan chức thương mại Mỹ ngày 7/5 cho biết sẽ thực hiện lời đe dọa được Tổng thống Donald Trump đưa ra vài ngày trước về tăng thuế xuất nhập khẩu đối với 200 tỉ đô-la hàng hóa Trung Quốc. Dự kiến, mức tăng từ 10% lên 25% sẽ được áp dụng bắt đầu từ 10/5.
Danh sách những mặt hàng được áp thuế lần này bao gồm nhiều mặt hàng tiêu dùng có giá trị thấp như bàn chải đánh răng và giấy vệ sinh cho đến các mặt hàng đắt tiền hơn như vỉ nướng, máy hút bụi, tủ đông, tủ lạnh và đồ nội thất.
Có thể bạn quan tâm
D. Trump không còn muốn "đi bộ"?
11:00, 07/05/2019
Nâng thuế với Trung Quốc: Trump chơi dao hai lưỡi!
06:30, 08/05/2019
D. Trump bất ngờ áp mức thuế mới, thương chiến dữ dội hơn?
15:30, 06/05/2019
Tù mù thương chiến Mỹ - Trung
03:50, 08/05/2019
Các quan chức chính quyền của Trump hy vọng các hành động tăng thuế quan sẽ buộc Trung Quốc xem xét lại một số yêu cầu của mình và quay trở lại những điều khoản thỏa thuận hai bên đã đạt được để nhanh chóng tiến hành ký kết.
Hầu hết các nhà sản xuất, nhà cung cấp và các nhóm kinh doanh đều cảnh báo rằng chính các thành viên và khách hàng Mỹ sẽ là những người sẽ gánh vác thuế quan mới lần này. Ngay lập tức, giá hàng hóa cũng bắt đầu lung lay trước khả năng kìm hãm tăng trưởng.
Vừa qua, giá dầu cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 tháng qua... Theo các chuyên gia, các công ty có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Boeing, Apple và Caterpillar.
Có thể thấy, các thị trường đang chuẩn bị tinh thần cho một sự đổ vỡ trong quá trình đàm phán Mỹ - Trung. Về cơ bản, đã tồn tại một suy nghĩ đơn giản rằng, nếu Mỹ đánh thuế 25% đối với các vật dụng nhập khẩu từ Trung Quốc, người tiêu dùng Mỹ sẽ chuyển sang mua các vật dụng rẻ hơn, chưa được đánh thuế từ một số quốc gia khác.
Ví dụ, những nhà bán lẻ Mỹ sẽ chuyển sang nguồn cung cấp từ Mexico, Việt Nam và Malaysia...Điều này sẽ khiến các nhà máy Trung Quốc phải trả nhiều tiền thuế hơn nếu muốn giữ thị phần tại Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng, việc chuyển một ngành công nghiệp trị giá 38 tỉ USD sang một quốc gia khác không hề dễ dàng.
Tại thời điểm hiện tại, các nhà máy sản xuất bàn ghế tại Mexico, Việt Nam và Malaysia khó có thể có đủ khả năng để bù đắp sản lượng mà Trung Quốc sản xuất khi tổng số lượng hàng nội thất nhập khẩu vào Mỹ của 3 quốc gia này cộng lại vẫn kém hơn 1 nửa của Trung Quốc.
Chưa kể đến việc tăng thuế quan vẫn còn phụ thuộc vào vòng đàm phán cuối cùng của Mỹ và Trung Quốc. Nếu những tín hiệu tích cực từ hai bên gia tăng và có thêm một lệnh "đình chiến" mới, hoặc hai bên đạt được thỏa thuận để xóa bỏ thuế quan, các nhà sản xuất thay thế sẽ không thể xoay sở kịp trong việc cạnh tranh với hàng Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích tại Societe Generale, "cú đấm" thuế quan bất ngờ từ Mỹ đã làm giảm 0,1-0,2% tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc kể từ khi nó có hiệu lực vào tháng 9 năm ngoái. Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhìn thấy một bức tranh thậm chí còn xấu hơn khi ước tính rằng nếu tất cả các mức thuế của Mỹ được thực hiện cùng nhau có thể làm giảm 1,6 điểm GDP của Trung Quốc vào năm 2019.
Do đó, Trung Quốc cũng có thể có đòn trả đũa gây tổn hại đến công ty Mỹ với đợt thuế lần này. Bắc Kinh cũng có thể quyết định mua thêm đậu nành từ Brazil thay vì Mỹ để gây áp lực cho người nông dân tại đất nước này.
Đồng thời, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất dự trữ như họ đã làm gần đây cho các ngân hàng vừa và nhỏ. Chính phủ Trung Quốc có thể ban hành các thay đổi để khuyến khích các giao dịch bất động sản. Những điều chỉnh đó có thể thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc và giảm bớt một số tác động thuế quan.