[Longform] Đế chế Alibaba hậu Jack Ma
Trong chuyến đi kéo dài hai tháng tới châu Phi, Jack Ma nhận ra đã đến lúc ông nên rời bỏ vị trí lãnh đạo Alibaba - đứa con tinh thần mà ông đã thành lập trong căn hộ của mình gần hai thập kỷ trước.
Trong chuyến thăm Châu Phi, Jack Ma đã gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia ở Châu Phi và quyết định thành lập một quỹ 10 triệu USD nhằm khuyến khích các doanh nhân tại lục địa đen. Và cũng trong khoảng thời gian ông vắng mặt tại công ty, đế chế thương mại điện tử hàng đầu thế giới Alibaba vẫn hoạt động tốt. "Trong hơn 60 ngày vắng mặt ở văn phòng, tôi không nhận được bất kỳ cuộc gọi nào từ công ty", Ma nhớ lại trong cuộc họp với các nhà đầu tư vào mua thu năm ngoái. "Tôi biết họ đã sẵn sàng", Ma nói.
Thế nhưng, cho dù các nhà đầu tư đã sẵn sàng hay chưa, cựu giáo viên tiếng Anh - người đã xây dựng Tập đoàn Alibaba Group trở thành một đế chế công nghệ trị giá 453 tỷ USD, và ông đã sẵn sàng để “thoái vị” chức chủ tịch công ty vào tháng 9 năm nay. Và trong khi quyết định này của Jack Ma đã được thông báo rõ ràng, vẫn còn những lo ngại về tương lai của đế chế Alibaba thời kỳ hậu Jack Ma.
Quyết định của Jack Ma
Kể từ khi Ma từ chức Giám đốc điều hành của Alibaba vào năm 2013, ông đồng thời cũng đã rút dần khỏi các hoạt động hàng ngày của Alibaba. Trên thực tế, việc Jack Ma rút dần khỏi quyền điều hành Alibaba đã không hề gây ra sự ảnh hưởng nào tới sự phát triển của công ty. Alibaba đã trở thành một tập đoàn đa lĩnh vực, bao trùm các lĩnh vực từ bán lẻ, dịch vụ tài chính, truyền thông và điện toán đám mây. Công ty thậm chí đã mở rộng sự hiện diện của mình ra lĩnh vực vũ trụ khi Alibaba đưa thành công một vệ tinh và trạm vũ trụ mini vào quỹ đạo vào năm 2018. Trong năm năm qua, doanh thu của công ty đã tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 49%.
Phần lớn các dự định mở rộng gần đây được lên kế hoạch bởi Giám đốc điều hành Daniel Zhang Yong - chiến binh 12 năm của Alibaba, vốn được biết đến với sự điều hành thành công ngày hội bán hàng nhân lễ ra mắt Ngày độc thân - sự kiện bán lẻ lớn nhất thế giới với doanh thu vượt xa cả Lễ tạ ơn.
Daniel Zhang Yong sẽ chính thức bước vào ghế chủ tịch của Alibaba khi Ma rời khỏi vị trí này vào tháng 9. Yong vốn được biết đến là một người “chăm chỉ và nghiêm túc”. Theo giới quan sát, chính thời điểm Zhang chính thức nhận chức chủ tịch, lại là thời điểm khó khăn cho Alibaba khi thị trường lớn nhất của công ty - Trung Quốc đại lục đang trải qua sự suy giảm kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi được thành lập tới nay.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh đang siết chặt hơn các công ty tư nhân, đặc biệt là các công ty công nghệ. Và Alibaba đang tìm kiếm sự tăng trưởng trong tương lai tại các thị trường nước ngoài tại thời điểm Washington và Bắc Kinh vướng vào một cuộc chiến tranh, không chỉ trên lĩnh vực thương mại, mà căng thẳng gia tăng trên cả lĩnh vực công nghệ Những vấn đề này đã đặt ra câu hỏi về cách - hoặc liệu - Alibaba sẽ làm thế nào để có thể duy trì tốc độ tăng trưởng như trong thời kỳ Ma. Trong khi Alibaba mở rộng đầu tư vào công nghệ tương lai như trí tuệ nhân tạo, suy giảm kinh tế Trung Quốc đã phản ánh mức độ phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh lâu đời nhất là thương mại điện tử.
Trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm còn 6,6% vào năm 2018, mức tăng thấp nhất kể từ năm 1990, kéo thêm nhiều ngành kinh doanh định hướng tiêu dùng suy giảm theo. Với việc người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng thắt lưng buộc bụng, áp lực càng đè nặng lên Alibaba để tìm kiếm tăng trưởng bên cạnh bán lẻ.
"Đó là vấn đề lớn nhất. Alibaba chưa tìm thấy bất kỳ ngành kinh doanh nào tốt hơn bán lẻ trực tuyến", Ming Lu, nhà phân tích tại Thượng Hải với mạng lưới tài chính Smartkarma cho biết. Mặc dù công ty đã đưa ra nhiều sáng kiến mới, ngành kinh doanh thương mại vẫn chiếm tới 88% tổng doanh thu vào quý IV năm ngoái.
Vào ngày mà Ma chính thức tuyên bố về quyết định rời vị trí chủ tịch của mình - ngày 10 tháng 9 năm ngoái, cổ phiếu của Alibaba đã sụt giảm gần 4% . Mặc dù giá cổ phiếu của Alibaba đã hồi phục, nhưng những lo ngại về tương lai của Alibaba vẫn còn đâu đó.
Một trong những mối lo ngại của các nhà đầu tư là sự không chắc chắn trong các quy định pháp lý ở Trung Quốc. Vào tháng 11 năm ngoái, chuyên gia tài chính Zhou Xuedong - Giám đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBoC, nói rằng một số công ty tư nhân vốn nắm giữ tài chính của Trung Quốc đã phát triển quá nóng, do đó cần phải có những quy định siết về pháp lý khẩn cấp.
Kể từ đó, giới chức quản lý Trung Quốc đã đưa Ant Financial - một công ty công nghệ tài chính đang phát triển với tốc độ nhanh chóng của Alibaba, cùng với bốn công ty khác đã được đưa vào một chương trình giám sát thử nghiệm của Chính phủ. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý vẫn chưa phê duyệt kế hoạch của Alibaba về việc chuyển đổi Ant Financial thành công ty cổ phần.
Theo Giáo sư Joseph Fan đến từ Đại học Hồng Kông nhận định: "Chắc chắn với sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc như vậy, Alibaba sẽ còn phát triển thành một đế chế vững mạnh hơn nữa” và vị giáo sư này nhấn mạnh: "Tương lai của Alibaba chắc chắn không phụ thuộc vào Jack Ma hay những người kế nhiệm ông”.
Mặc dù Jack Ma cho biết ông quyết định từ chức vì muốn dành thời gian cho giáo dục và từ thiện, nhưng một số nhà quan sát cho rằng hành động của ông có liên quan đến áp lực ngày càng tăng từ Bắc Kinh. Ông Richard Dasher - Giám đốc Trung tâm quản lý công nghệ Mỹ và Châu Á tại Đại học Stanford, nói với Nikkei Asian Review rằng một trong những yếu tố tác động tới quyết định nghỉ hưu của Ma là ông "nhận ra rằng mình đang trở thành một người đủ mạnh mẽ, nhưng trên thực tế lại không phải thế”, với hàm ý rằng Jack Ma không còn có thể quyết định được tương lai của chính đứa con tinh thần của mình.
Theo kế hoạch, Jack Ma sẽ rời bỏ ghế trong hội đồng quản trị của Alibaba vào năm 2020, mặc dù ông sẽ tiếp tục làm thành viên trọn đời của Hiệp hội các đối tác Alibaba - là một nhóm gồm 36 giám đốc điều hành cấp cao, vốn có những ảnh hưởng không nhỏ đối với hội đồng quản trị của công ty. Nhiều người tin rằng ngay cả sau khi nghỉ hưu, Ma vẫn là người có tiếng nói quan trọng đối với các quyết định lớn tại Alibaba, vì ông kiểm soát ít nhất 6,4% cổ phiếu của công ty.
Nhưng các nhà phân tích cũng tin rằng Ma sẽ không duy trì được vị thế quốc tế như ông đã từng có. "Khi một nhà lãnh đạo nước ngoài đến Trung Quốc và người đầu tiên anh ta muốn gặp là Jack Ma chứ không phải là chủ tịch Tập Cận Bình, bạn biết rằng công ty sẽ gặp rắc rối". Một nhà đầu tư mạo hiểm có quan hệ mật thiết với Alibaba đã cho biết khi ông đã đề cập đến quyết định của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đến gặp Ma vào năm 2018 trước khi tới Bắc Kinh để gặp gỡ với chủ tịch Trung Quốc. Trong buổi gặp đó, Mahathir và người đồng cấp Indonesia Joko Widodo đã có lời mời Ma làm cố vấn cho chính phủ của họ khi ông rời khỏi Alibaba.
Chân dung nhà lãnh đạo mới của Alibaba
Không giống như Jack Ma, chủ tịch tương lai của Alibaba cho thấy ông không mấy quan tâm đến việc xây dựng hình ảnh một người lãnh đạo nổi tiếng của Alibaba. Mặc dù Zhang đã đảm nhận vị trí CEO của công ty từ bốn năm trước, nhưng nhà lãnh đạo gốc Thượng Hải này vẫn là một gương mặt không mấy quen thuộc với người dân Trung Quốc, thậm chí nhiều nhà đầu tư cũng chưa quen mặt ông, mặc dù Zhang đã xuất hiện và phát biểu tại nhiều cuộc họp cổ đông.
"Tôi thích đi bộ trên đường phố và không ai có thể nhận ra tôi", Zhang nói trong một cuộc phỏng vấn với The Information năm ngoái.
Zhang đã tự đặt cho mình một biệt danh "Xiao Yaozi", lấy cảm hứng từ một nhân vật trong tiểu thuyết võ thuật của tác giả Louis Cha từ Hồng Kông. Trong khi nhân vật Xiao Yaozi được biết đến như một con người phóng khoáng tự do và không thích bị làm phiền, Zhang trong mắt các nhân viên của Alibaba xem là một người đàn ông hầu như không rời khỏi văn phòng.
"Anh ấy làm việc cả ngày", một kỹ sư tại trụ sở của Alibaba ở Hàng Châu nói về Zhang. "Anh ấy thậm chí không đi ăn trưa và ăn tối. Thay vào đó, trợ lý của anh ấy mang thức ăn đến văn phòng của anh ấy mỗi ngày."
Sự hết mình với công việc của Zhang, cùng với "tài năng tuyệt vời, sự nhạy bén trong kinh doanh và khả năng lãnh đạo quyết đoán" là những lý do mà Jack Ma đưa ra để giải thích cho việc lựa chọn người kế nghiệp mình. Và không làm Ma thất vọng, ý tưởng của Zhang về ngày hội mua sắm nhân Ngày độc thân 11/11 đã tạo ra doanh thu 213,5 tỷ CNY (tương đương 30,7 tỷ USD vào thời điểm đó) chỉ trong vòng 24h.
"Không dễ để điều hành một công ty như Alibaba, nhưng tôi khá chắc chắn - tôi chắc chắn 100% - Daniel Zhang sẽ làm việc tốt hơn tôi", Ma nói với các nhà đầu tư và nhân viên công ty tại một hội nghị cổ đông vào năm ngoái.
Alibaba đã phát triển thành một tập đoàn đa ngành. Người dân Trung Quốc có thể mua sắm tại nền tảng thương mại điện tử của Alibaba, vay tiêu dùng từ công ty tài chính của Alibaba, thanh toán hàng hóa bằng ví điện tử của Alibaba và nhận giao dịch mua hàng của họ thông qua mạng lưới hậu cần của Alibaba.
Khi họ không còn thích một món hàng nào, họ có thể bán nó trên nền tảng bán hàng cũ của Alibaba. Thậm chí, Alibaba còn có một siêu thị Freshippo và sở hữu một ứng dụng giao đồ ăn. Bên cạnh đó, Alibaba còn lấn sân sang lĩnh vực giải trí khi Công ty Alibaba Pictures bắt tay vào sản xuất phim, thậm chí bộ phim này còn được đề cử cho giải Oscar Phim hay nhất năm nay. Và tất cả các các dịch vụ này đều được cung cấp bởi AliCloud.
Chưa thỏa mãn với những thành quả trên, CEO tương lai của Alibaba - Daniel Zhang - 47 tuổi, vẫn đang tìm kiếm các lĩnh vực tăng trưởng mới. Ông tập trung vào việc số hóa các cửa hàng truyền thống của Trung Quốc và mở rộng đơn vị điện toán đám mây, nơi lưu trữ một lượng lớn dữ liệu cho các công ty khác.
Kể từ khi Alibaba bắt đầu kinh doanh vào năm 2009, dịch vụ đám mây đã trở thành công cụ mang lại doanh thu lớn thứ hai của công ty. Doanh số trong phân khúc này đã tăng 84% trong năm lên 6,6 tỷ nhân dân tệ trong quý 12. Trong khi điều đó chỉ chiếm một phần số doanh thu của Alibaba, Zhang đã nói rằng nó có thể phát triển vượt xa cả thương mại điện tử. "Tôi nghĩ rằng đám mây sẽ là ... hoạt động kinh doanh chính của Alibaba trong tương lai", Zhang được CNBC dẫn lời vào năm ngoái.
Tại châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Trung Quốc đại lục, việc kinh doanh trên nền tảng đám mây của Alibaba đã vượt qua Amazon và Microsoft, trở thành loại dịch vụ đám mây lớn nhất. Và gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cũng đang tìm cách thách thức các công ty công nghệ phương Tây ở châu Âu và Mỹ.
Sự vươn dài cánh tay ra thế giới của Alibaba trong lĩnh vực điện toán đám mây đã xuất hiện và phát triển mạnh mẽ hơn khi Washington đang cáo buộc các công ty công nghệ Trung Quốc làm gián điệp cho Bắc Kinh. Chiến dịch bài trừ các thiết bị công nghệ của Trung Quốc bắt đầu mạnh mẽ khi chính quyền Trump đưa ra các cáo buộc Tập đoàn công nghệ Huawei Technologies, và việc này đã dẫn đến việc cấm các thiết bị viễn thông của Trung Quốc tại các quốc gia khác nhau, từ Nhật Bản đến New Zealand và Úc.
Alibaba từ chối bình luận về việc liệu các phản ứng dữ dội chống lại Huawei có lan ra và làm tổn thương doanh nghiệp điện toán đám mây quốc tế của họ hay không. Nhưng một số nhà phân tích nói rằng một số tác động là không thể tránh khỏi.
"Jack Ma chắc chắn là đại sứ tốt nhất của Alibaba trong nhiều năm qua và ông ấy chắc chắn có thể giúp đỡ Alibaba với các hoạt động ngoại giao ra thế giới. Nhưng cuối cùng, Ma hay thậm chí cả người kế nhiệm Daniel Zhang đều sẽ không thể thay đổi tất cả các yếu tố chính trị phức tạp giữa Mỹ và Trung Quốc “ - Liu Ningrong, Giám đốc Học viện Kinh doanh Trung Quốc tại Đại học Hồng Kông, nhận định. "Alibaba chắc chắn sẽ phải đối mặt với những cơn gió ngược khi mở rộng sang Mỹ và Châu Âu. Ngay cả Jack Ma cũng không thể thay đổi điều đó".
Nhưng những người lạc quan, những khách hàng cho các dịch vụ đám mây - các doanh nghiệp lớn sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi ở phía trên. "Ma là một đại sứ rất tốt để giải quyết các vấn đề ngoại giao với các chính phủ nước ngoài, nhưng từ góc độ kinh doanh, tôi tin Daniel Zhang sẽ điều hành doanh nghiệp hợp lý hơn" - Giáo sư Jeffrey Towson tại Đại học Bắc Kinh đưa ra những nhận định khá lạc quan về sự điều hành của tân CEO mới của Alibaba.
Alibaba và một tương lai không có Jack Ma
Vai trò quan trọng nhất của Jack Ma, theo Towson, là tạo ra một nền văn hóa tại Alibaba đủ mạnh để phát triển mà không cần sự hiện diện của ông - một nhiệm vụ mà không nhiều người sáng lập các công ty công nghệ khác làm được.
Các công ty công nghệ Mỹ đôi khi gặp khó khăn sau sự ra đi của những người sáng lập, bao gồm cả Microsoft trong những năm sau khi Bill Gates nghỉ hưu và Apple sau khi người sáng lập Steve Jobs bị buộc thôi việc năm 1985.
"Tôi đã suy nghĩ rất nhiều và chuẩn bị cho kế hoạch chuyển giao này từ 10 năm trước", Ma nói trong một lá thư gửi các cổ đông được công bố trên trang web của công ty. Ma từng nói rằng ông đã xây dựng đế chế Alibaba để tồn tại hơn ba thế kỷ và trong quá trình xây dựng công ty, ông đã đến thăm các nhà thờ, quân đội và các tổ chức khác để tìm hiểu cách thức làm thế nào để xây dựng một tổ chức và điều hành làm sao để tổ chức đó tồn tại và phát triển lâu dài.
Những sự chuẩn bị kỹ lưỡng đó của Ma đã được đền đáp, Towson nói. "Anh ấy đã xây dựng một nền văn hóa, và điều quan trọng là anh ấy đã tìm ra cách để nền văn hóa ấy vẫn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ mà không cần có anh ấy".
Trong một khảo sát của Nikkei, hàng chục nghìn nhân viên cùng các đối tác kinh doanh và quan sát viên của Alibaba đều cho rằng họ không nhận thấy bất kỳ sự xáo trộn nào trong công ty nào sau thông báo rút lui của Ma. Và tại Hàng Châu, sức hấp dẫn của Alibaba vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Thật vậy, mặc dù có sự tăng trưởng chậm chạp gần đây, Alibaba vẫn ghi nhận doanh thu Quý III/2018 đã đạt ngưỡng khoảng 17 tỷ USD - tương đương với nền kinh tế của Lào trong năm 2017. Theo một khảo sát của Refinitiv, các nhà phân tích dự đoán doanh số quý 1 năm nay của Alibaba có thể tăng tăng 47% và đạt ngưỡng 91 tỷ CNY.
David Dai, một nhà phân tích tại Bernstein Research dự đoán Alibaba vẫn sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Ông đặc biệt lưu ý đến hệ sinh thái mạnh mẽ của công ty này ở Trung Quốc và cũng như triển vọng đầy tươi sáng trong lĩnh vực kinh doanh điện toán đám mây của Alibaba. "Tôi tin rằng Alibaba có thể phát triển mạnh ngay cả sau khi Ma nghỉ hưu".