Bầu cử nghị viện châu Âu 2019: Cuộc đua của các "ông lớn"
Chỉ còn 1 ngày bầu cử cuối cùng, giới quan sát nhận định, hai nhóm đảng bảo thủ là PPE (đảng Nhân dân châu Âu) và S&D (đảng Dân chủ - Xã hội) không còn nắm đa số tại Nghị viện châu Âu.
Cử tri hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu và cũng là hai thành viên chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU) Đức và Pháp đã bắt đầu đi bỏ phiếu bầu cử nghị viện châu Âu (EP). Là quốc gia lớn nhất châu Âu cả về dân số và quy mô nền kinh tế, Đức được phân bổ nhiều ghế nhất tại EP. Năm nay, có tổng cộng 41 đảng tại Đức tham gia chạy đua giành 96 ghế.
Tuy nhiên, cử tri Đức cũng không mấy hào hứng với cuộc bầu cử khu vực này. Tại Pháp, 34 đảng sẽ tham gia tranh cử, và các cuộc thăm dò đang cho thấy đảng có xu hướng hoài nghi EU của bà Marine Le Pen có thể giành được nhiều sự ủng hộ hơn đảng cầm quyền của Tổng thống Emmanuel Macron.
Có thể bạn quan tâm
Bầu cử Nghị viện châu Âu: Những điều cần biết
07:15, 24/05/2019
Doanh nghiệp đơn lẻ khó thâm nhập thị trường Châu Âu
05:00, 20/05/2019
Thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế và xã hội tại châu Á và châu Âu
12:06, 16/05/2019
Italy, BRI và con đường tiến vào châu Âu của Trung Quốc
06:00, 30/03/2019
Bên cạnh đó, nằm trong các nước bầu cử cuối cùng, cử tri Italy sẽ bầu ra 73 ghế nghị sĩ châu Âu chính thức và 3 ghế dự bị trong trường hợp nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU). Kết quả thăm dò mới nhất trước cuộc bầu cử cho thấy đảng Liên đoàn của ông Matteo Salvini tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với 32,1%.
Thứ hai là đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) với 22,7%. Đảng Dân chủ (PD) trung tả đứng thứ 3 với 21,54% và tiếp đó là đảng Tiến lên Italy (FI) của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, với 9,25%. Cũng theo kết quả thăm dò, các đảng dân túy, cực hữu đang chiếm lợi thế trước các đảng truyền thống trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm nay.
Theo giới quan sát chính trị châu Âu, các đảng bảo thủ thuộc nhóm PPE sẽ dẫn đầu tại 10 quốc gia thành viên EU trong đó có Đức, Hy Lạp và Hungary. Các đảng cánh hữu có nhiều khả năng dẫn đầu tại cuộc bầu cử châu Âu 2019, tại Đức với số phiếu 29%, Croatia (30%), Hy Lạp (35%), Ireland (35%). Tuy nhiên, trước đó, tại Hà Lan và Ireland, kết quả bầu cử đều gây bất ngờ khi các đảng thân châu Âu giành chiến thắng.
Cuộc bầu chọn năm nay cũng chứng kiến sự gia tăng của các đảng cực hữu hoài nghi châu Âu, thậm chí bài châu Âu. Dự đoán, các đảng này có thể có được gần 30% số ghế tại Nghị viện châu Âu. Đồng thời, liên minh giữa hai đảng truyền thống PPE và S&D đã dẫn dắt châu Âu trong vài thập kỷ qua dự kiến sẽ chấm dứt.
Nghị viện châu Âu, cùng với hội đồng bộ trưởng có thể sửa đổi hoặc chặn luật pháp EU, cũng như có tầm quan trọng trong việc phê chuẩn và giám sát ủy ban châu Âu. Do đó, việc đảng nào chiếm đa số trong Nghị viện đang được theo dõi chặt chẽ khi điều này sẽ quyết định đường lối và các chính sách của EU trong nhiệm kì tới đây.
Mặc dù vậy, giới quan sát coi cuộc bầu cử là một lộ trình để kiểm soát chương trình nghị sự của EU. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết cuộc bỏ phiếu diễn ra tại thời điểm nguy hiểm nhất đối với châu Âu kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Về mặt chính trị, mọi thứ đều rất khó hiểu, không có đảng nào có tầm nhìn rõ ràng mà mới chỉ có rất nhiều tuyên bố mơ hồ.
Có thế thấy, khi EU phải đối mặt với nhiều thách thức bao gồm vấn đề di cư, biến đổi khí hậu, tăng trưởng kinh tế, sự trỗi dậy của Trung Quốc, một tổng thống Mỹ thù địch và khó lường, Brexit và các vấn đề nội khối khác của chính mình, vai trò của Nghị viện châu Âu đang được đề cao hơn bao giờ hết trong việc định hình lại khối trong vòng 5 năm tới.
Và dù đảng nào sẽ trở thành lãnh đạo liên minh châu Âu trong nhiệm kỳ tới, Nghị viện châu Âu vẫn sẽ phải đối mặt và giải quyết nhanh chóng ba vấn đề cấp thiết hiện nay: tăng trưởng kinh tế chậm, vai trò EU trong các vấn đề toàn cầu đang suy yếu và sự mất đoàn kết nội bộ khối.
Đồng thời, cuộc bầu cử cũng tác động lớn đến chính sách ngoại giao của châu Âu khi chứng kiến một sự chia rẽ giữa Ý và một số quốc gia khác của châu Âu tham gia vào sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc. Trong khi đó, các thành viên chủ chốt của châu Âu như Đức, Pháp, Anh... vẫn là thành viên đồng minh của Mỹ.
Hiện tại, cuộc bỏ phiếu lần này đang tạo ra kỳ vọng sẽ tạo ra một cơ quan châu Âu thực sự năng động và dân chủ hơn, gần gũi hơn với các nước thành viên. Nhưng một số ý kiến cũng cho rằng, hầu hết các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ không đủ động lực để đưa ra các quyết định có thể xây dựng một EU hòa bình và tiến bộ.
Kết quả cuối cùng là một Nghị viện châu Âu phe phái với các tranh chấp rõ ràng hơn. Tuy nhiên, đồng thời sẽ là một Nghị viện năng động, chính trị và châu Âu dân chủ hơn, phản ánh chặt chẽ hơn các ưu tiên của cử tri quốc gia và do đó có thể làm tăng niềm tin vào EU. Tất cả đang nằm trong tầm tay các cử tri. Hơn ai hết, người dân EU đang lựa chọn lối đi của chính mình trong tương lai.