Việt Nam chính thức trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA Liên Hợp Quốc
Sáng 7/6 (theo giờ New York), với 192 phiếu bầu, Việt Nam đã chính thức trở thành một trong 5 Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp Quốc
Sau khi được nhóm các nước Châu Á - Thái Bình Dương tại LHQ nhất trí đề cử, đây là lần thứ hai Việt Nam ứng cử vào HĐBA. Việt Nam từng là thành viên không thường trực của hội đồng này trong nhiệm kỳ 2008 - 2009 và đảm nhận vai trò chủ tịch HĐBA vào tháng 7/2008 và tháng 10/2009.
Việc trúng cử vào vị trí ủy viên không thường trực của HĐBA thường được đánh giá cao về uy tín vì phải trải qua quá trình bỏ phiếu. Đồng thời, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để thúc đẩy vai trò và có cơ hội đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế trong giai đoạn 2020-2021.
Đây cũng là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực của Việt Nam trong đối ngoại đa phương từ tất cả các cấp, ban ngành và lĩnh vực.
Có thể bạn quan tâm
Bầu thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an: Việt Nam chờ tin chiến thắng!
20:20, 07/06/2019
Nhiều nước "quay lưng" với Mỹ tại Liên Hợp Quốc
04:30, 28/09/2018
Mỹ và Iran gia tăng căng thẳng trước kỳ họp Liên Hợp Quốc
04:30, 26/09/2018
Trung Quốc sẽ trở thành nước đóng góp lớn thứ hai cho Liên Hợp Quốc
04:34, 20/08/2018
Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế cũng cho rằng, Việt Nam được cho sẽ gặt hái nhiều thành công hơn về mặt ngoại giao trong quá trình tham gia sâu hơn vào việc định hình các thể chế đa phương. Các lợi ích ngoại giao này cũng có ý nghĩa đặc biệt khi nhiệm kỳ tới sẽ trùng với năm Việt Nam nắm giữ vai trò chủ tịch luân phiên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Trước đó, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, để chuẩn bị cho việc tham gia HĐBA, Việt Nam đã tích cực triển khai các công tác về nội dung, nguồn lực, nhân sự, thông tin tuyên truyền, và xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan; tham vấn, trao đổi kinh nghiệm với các nước, các cơ quan của Liên Hợp Quốc và các tổ chức nghiên cứu quốc tế.
Với tư duy mới về đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, chuyển mạnh từ “tham gia tích cực” sang “chủ động và tích cực đóng góp, xây dựng, định hình các thể chế đa phương”, những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực cùng các quốc gia trong khu vực và quốc tế xây dựng và thực hiện các cơ chế hợp tác.
Đặc biệt, vai trò của Việt Nam đã được ghi nhận và đánh giá cao trong việc tổ chức thành công hàng loạt các sự kiện lớn, có tầm vóc quan trọng trên nhiều lĩnh vực như Hội nghị Thượng đỉnh cấp cao APEC 2017, Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ sáu (GMS 6) và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV 10); Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai...
Do đó, với ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong thời kỳ mới là hội nhập, việc tổ chức các sự kiện quốc tế, tham gia công tác tham vấn, định hình chính sách... một cách chủ động, tích cực trong những năm qua sẽ là nguồn động lực lớn giúp Việt Nam gặt hái thành quả ngoại giao trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng làm suy giảm chủ nghĩa đa phương dẫn đến suy yếu vai trò của Liên Hợp quốc, Việt Nam sẽ cần nhiều nỗ lực để cùng các nước khác đề cao nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp quốc, đề cao trật tự của luật pháp quốc tế và các giá trị lâu nay mà Liên Hợp quốc duy trì.
HĐBA là một trong 6 cơ quan chính của Liên Hợp quốc có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Quyền hạn của cơ quan này bao gồm thiết lập các hoạt động gìn giữ hòa bình, các biện pháp trừng phạt quốc tế và chấp nhận hành động quân sự thông qua các nghị quyết.
Trong khi các cơ quan khác của Liên Hợp quốc chỉ có thể đưa ra các quyết định mang tính khuyến nghị và tạo dư luận thì các quyết định của HĐBA có tính cưỡng chế thực hiện. Tất cả thành viên của Liên Hợp quốc có trách nhiệm tôn trọng và thi hành.
HĐBA gồm 15 thành viên, trong đó 5 thành viên thường trực là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và 10 thành viên không thường trực. 10 ghế không thường trực HĐBA được phân theo khu vực địa lý và do ĐHĐ LHQ bầu với nhiệm kỳ 2 năm. Mỗi thành viên thường trực đều có quyền phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào.
Chỉ cần một phiếu phủ quyết cũng đồng nghĩa với việc nghị quyết không được thông qua. Trong khi đó, thành viên không thường trực không có quyền phủ quyết nhưng được quyền tranh luận và bỏ phiếu cho các nghị quyết.
Hành trình Việt Nam tiến tới “ghế nóng” tại Liên Hợp Quốc - Ngày 20/9/1977: Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên Hợp Quốc - Năm 1996: Ký Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện và tham gia Hội nghị Giải trừ quân bị. - Năm 1998: Thành viên chính thức của Công ước vũ khí hóa học của Liên Hợp Quốc. - Từ 1998-2000: Thành viên của UN ECOSOC. - Từ 2008-2009: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. - Tháng 6/2014: Lần đầu tiên Việt Nam cử sĩ quan tham gia lực lượng gìn gữ hòa bình. - Từ năm 2013-2016: Thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Việt Nam cũng tham gia Hội đồng nhân quyền quốc tế giai đoạn 2014-2016 - Từ 2015-2019: Thành viên Hội đồng chấp hành UNESCO - Từ 2016-2018: Thành viên UN ECOSOC. - Từ 2017-2021: Thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế. Việt Nam đã trúng cử làm thành viên Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2019-2025. - Tháng 5/2018: Việt Nam được nhóm châu Á - Thái Bình Dương đồng thuận thông qua là ứng viên duy nhất của nhóm tranh cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Quyết định chính thức ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 được Việt Nam đưa ra từ tháng 12.2009. - Tại Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009 Việt Nam đã bắt nhịp nhanh, tham gia đóng góp tích cực, chủ động và toàn diện trên tất cả các vấn đề của cơ quan quyền lực nhất Liên Hợp Quốc: Tham gia 1.500 cuộc họp; hai lần làm Chủ tịch của Hội đồng Bảo an vào tháng 7/2008 và tháng 10/2009; xây dựng Báo cáo năm về công việc của Hội đồng Bảo an; Soạn thảo, thương lượng giúp Hội đồng Bảo an thông qua 1 Nghị quyết 1889 về Phụ nữ và hòa bình an ninh. |