G20 tìm đường đánh thuế những gã khổng lồ công nghệ

Cẩm Anh 09/06/2019 14:00

Các Bộ trưởng Tài chính thuộc nhóm G20 đã đồng thuận soạn thảo Luật thuế chung nhắm đến các công ty công nghệ.

Cuộc họp Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng nhóm G20 tại Fukuoka, Nhật Bản

Cuộc họp Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng nhóm G20 tại Fukuoka, Nhật Bản

Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), các Bộ trưởng đã thống nhất xúc tiến nghiên cứu xây dựng Luật thuế chung nhằm đánh thuế vào các hãng công nghệ khổng lồ như Google, Facebook... 

Theo đó, Tổng Thư ký OECD Angel Gurria đã trình lên Hội nghị G20 một lộ trình siết thuế đã được 129 nước ký kết nhằm thay đổi hệ thống thuế toàn cầu, vốn đang tạo điều kiện cho các hãng công nghệ lớn hưởng lợi từ mức thuế thấp tại một số quốc gia, thậm chí không phải trả thuế tại những quốc gia mà các tập đoàn này thu nhiều lợi nhuận. 

Có thể bạn quan tâm

  • Nếu Facebook, Google phải trả phí, người tiêu dùng sẵn sàng chi bao nhiêu?

    00:00, 06/06/2019

  • Sự kiện khởi nghiệp công nghệ lớn của Google sắp diễn ra tại miền Trung

    06:21, 30/05/2019

  • "Năm hạn" của Huawei: Mỹ cấm, Google ngưng hợp tác

    17:00, 20/05/2019

  • G20 thống nhất hành động giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu

    05:50, 14/04/2019

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin cho rằng, cách tiếp đánh thuế nói trên là không phải là biện pháp phù hợp với tất cả các nước. "Chúng ta cần nhìn nhận sự cân bằng giữa vấn đề trong lĩnh vực kỹ thuật số và việc môi trường mới sẽ tác động thế nào đến các công ty không hoạt động trong lĩnh vực này. Các nước cần cân nhắc một chính sách thuế mới dựa trên khối lượng hoạt động kinh doanh của công ty tại một quốc gia, chứ không phải nơi đặt trụ sở", ông cho biết.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia cho thấy, các công ty công nghệ lớn trên thế giới như Amazon, Facebook, Uber, eBay và Google đang làm tất cả những gì có thể để tránh thuế. Họ sử dụng hàng ngàn nhân viên để kiểm tra mọi kẽ hở với mục đích duy nhất là giảm số thuế phải trả ở bất cứ nơi nào mà các tập đoàn này hoạt động.

Nhiều cuộc điều tra trước đó cho thấy, Mỹ và EU đã thất thu một khoản lớn tiền thuế từ các công ty công nghệ. Theo điều tra, trong hơn một thập kỷ qua, nhờ thông qua các công ty bình phong, Alphabet - công ty mẹ của Google, đã được hưởng mức thuế ưu đãi rất lớn với những khoản lợi nhuận bên ngoài nước Mỹ.

Bằng cách chuyển thu nhập từ nguồn doanh thu bên ngoài nước Mỹ tới một chi nhánh khác của Google tại Bermuda, nơi các công ty không phải đóng thuế thu nhập, Google nói riêng và Alphabet đã né hợp pháp khoản thuế thu nhập khổng lồ từ nguồn thu tại thị trường Mỹ và châu Âu.

Pascal Saint-Amans, Giám đốc chính sách thuế của OECD cho biết, các doanh nghiệp công nghệ được nhiều quốc gia coi là phá hoại cấu trúc của hệ thống thuế. Nền kinh tế số cho phép một tập đoàn công nghệ không cần phải có trụ sở ở quốc gia khác nhưng vẫn có thể mở dịch vụ và thu tiền tại khắp nơi trên thế giới. Do đó, các công ty lớn như Amazon, Google.. chỉ phải đóng rất ít tiền thuế ở châu Âu bằng cách chuyển doanh thu qua các nước như Ireland và Luxembourg vốn là những nơi có cơ chế thuế lỏng lẻo.

"Cho đến thời điểm hiện tại, không có hệ thống đánh thuế công bằng cho mô hình kinh tế mới này.Chính vì thế, nhiều nước đã phải soạn thảo một luật thuế mới, tác biệt so với thuế doanh nghiệp để dành riêng cho những tập đoàn công nghệ để siết cửa ngõ thất thoát thuế này", chuyên gia này cho biết.

Trước đó, theo kế hoạch của EC, các công ty công nghệ có doanh thu lớn ở châu Âu sẽ phải đóng thuế 3% doanh thu từ các dịch vụ trực tuyến ở Liên minh châu Âu (EU). Tổng số tiền thuế thu được ước tính lên đến 5 tỷ euro (6,1 tỷ USD). 

Trong khi đó, chính phủ Pháp công bố kế hoạch đánh thuế 3% doanh thu tại Pháp của các tập đoàn công nghệ như Google, Amazon và Facebook. Mặc dù mức thuế này của Pháp chỉ nhằm tới một phần nhỏ doanh thu của các đại gia công nghệ Mỹ. Nhưng điều này có thể mở đường cho các quan chức của EU nghiên cứu các bước tiếp theo để đưa ra mức thuế kỹ thuật số trên toàn EU.

Cẩm Anh