Vì sao "nguyên tắc ESG" quan trọng với các nhà đầu tư Nhật Bản? [Bài 1]
Kết hợp các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị công ty (ESG) vào chiến lược đầu tư đang là xu hướng lớn của các nhà đầu tư có trách nhiệm.
Đối với các hệ thống ngân hàng lớn tại Nhật Bản, việc đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện than tại Đông Nam Á dường như là một cách chắc chắn để thu lợi từ sự tăng trưởng kinh tế bùng nổ của khu vực này.
Cùng với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), các ngân hàng của quốc gia này đã bơm hàng tỷ USD vào các nhà máy điện than trên khắp châu Á trong những năm gần đây, từ Việt Nam đến Indonesia.
Logic đầu tư của họ rất rõ ràng: Than sẽ mang lại cho các quốc gia đang phát triển nguồn năng lượng dồi dào, giá rẻ mà họ cần để phát triển.
Thế nhưng, có những dấu hiệu cho thấy công thức này đang thay đổi. Vào tháng 5, Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ đã trở thành ngân hàng lớn thứ hai của Nhật Bản tuyên bố sẽ không đầu tư vào xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới.
Động thái này theo quyết định của Sumitomo Mitsui Trust Bank, được thực hiện vào tháng 7 năm 2018 với lý do lo ngại về môi trường. "Chúng tôi không thể đứng ngoài xu hướng của toàn thế giới trong việc ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu", Tsukasa Kanai, giám đốc bền vững của Sumitomo, nói vào thời điểm đó.
Có thể bạn quan tâm
Nhật Bản nói không với nhiệt điện than!
06:40, 28/05/2019
Tương lai nào cho nhiệt điện than?
06:15, 30/01/2019
Chưa thể loại bỏ nhiệt điện than
23:34, 20/12/2018
Việt Nam vẫn phải sử dụng nhiệt điện than?
16:14, 15/12/2018
Các ngân hàng lớn tại châu Á khác như DBS Group Holdings, Overseas-Chinese Banking Corp và United Overseas Bank cũng đã đưa ra các cam kết tương tự khi tuyên bố rằng họ sẽ ngừng cho vay đối với các nhà máy sản xuất điện than.
Có vẻ như lý do bảo vệ môi trường là một lý do hoàn toàn mang tính chất thuyết phục. Thế nhưng thực tế, nguyên nhân sâu xa lại đến từ chính các nhà đầu tư của các ngân hàng này.
Sau khi nhận ra rằng mình đã tụt lại phía sau châu Âu và Mỹ, các nhà đầu tư lớn ở châu Á bắt đầu áp dụng các nguyên tắc đầu tư "môi trường, xã hội và quản trị" (ESG) nhằm thay đổi hành vi của công ty về các vấn đề từ biến đổi khí hậu đến thực tiễn lao động.
Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG - ngân hàng và là tổ chức tài chính lớn nhất Nhật Bản) thừa nhận rằng quyết định dừng các chính sách đầu tư vào điện than của mình đã được đưa ra, một phần, do "những thay đổi trong quan điểm của các nhà đầu tư tổ chức".
Đối với nhiều người, ESG có thể dường như là một phong trào xã hội hơn là một chiến lược đầu tư. Nhưng đầu tư ESG đã được chấp nhận bởi các nhà đầu tư lớn, có định hướng trên thế giới như Blackstone Group, Quỹ hưu trí TIAA hay Quỹ đầu tư hưu trí của chính phủ Nhật Bản.
Theo khảo sát của Liên minh đầu tư bền vững toàn cầu, các khoản đầu tư dựa trên các yếu tố ESG đã đạt 30,7 nghìn tỷ USD vào đầu năm 2018 - tăng 34% chỉ sau hai năm.
Ông George Iguchi - Giám đốc quản trị doanh nghiệp của Nissay Asset Management cho rằng: "Ba yếu tố (môi trường, xã hội và quản trị) là những chỉ số tốt về tầm nhìn của mỗi công ty đối với hoạt động kinh doanh của họ. Các doanh nghiệp có tầm nhìn tốt có thể tạo ra lợi nhuận tốt, và quan trọng là các doanh nghiệp này sẽ phát triển bền vững."
Nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng tán thành theo quan điểm của ESG. Chẳng hạn, các doanh nghiệp và một số quan chức chính phủ nhiều nước đã cảnh báo rằng những chính sách như vậy sẽ kìm hãm sự phát triển ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Á - nơi đang rất cần các khoản tiền đầu tư từ các nước phát triển.
"Khi chúng tôi xem xét phát triển kinh tế bền vững ở Đông Nam Á, Ấn Độ hay các quốc gia khác, năng lượng than giá thấp vẫn là cần thiết. Đầu tư ESG hiện tại tập trung quá nhiều vào bảo vệ môi trường mà thiếu cân nhắc cho tăng trưởng kinh tế ở châu Á", Giáo sư Ryuzo Yamamoto từ Đại học Tokoha nói.
Đồng quan điểm trên, ông Sacha Sadan - Giám đốc quản trị doanh nghiệp tại Viện Pháp lý & Quản lý đầu tư chung Nhật Bản cho biết đầu tư bền vững không nên đặt nền kinh tế đang phát triển vào thế bất lợi. "Đây không phải là một câu chuyện về các thị trường phát triển so với các thị trường mới nổi, mà là về khả năng đổi mới kỹ thuật số cần thiết cho tăng trưởng kinh tế và thích ứng với biến đổi khí hậu".
Những luồng quan điểm khác nhau như vậy xuất hiện sau quyết định của Quỹ đầu tư GPIF của Nhật Bản năm 2017 nhằm ủng hộ các nguyên tắc ESG, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong việc đầu tư bền vững của châu Á.
Với 150 nghìn tỷ yên (1,38 nghìn tỷ USD) được quản lý, động thái này của GPIF đã giúp Nhật Bản - nơi chính quyền của ông Abe vốn đang tập trung vào cải thiện quản trị doanh nghiệp thành trở thành quốc gia tiên phong trong việc phát triển theo ESG.
Hiromichi Mizuno, giám đốc đầu tư của GPIF chia sẻ: "Là một nhà đầu tư như vậy, chúng tôi nên tập trung vào việc đóng góp cho sự bền vững của toàn thị trường vốn. Chúng tôi tin rằng ESG đại diện cho một chiến lược dài hạn và là một yếu tố có liên quan cho các nhà đầu tư dài hạn".
Sau động thái trên của GPIF, các nhà quản lý tài sản tư nhân của Nhật Bản bắt đầu học theo. Vào tháng 3, Sumitomo Mitsui DS Asset Management đã bắt đầu mở rộng phát triển ESG từ cổ phiếu trong nước sang Quỹ tín thác đầu tư bất động sản tại Nhật Bản cũng như khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Kimiko Hirata, giám đốc quốc tế của Mạng lưới Kiko cho biết: "Nhưng thật đáng thất vọng khi không có ngân hàng Nhật Bản nào tuyên bố sẽ ngừng tài trợ cho các dự án than đang diễn ra, vốn là trọng tâm của các vấn đề của ngày hôm nay."
Bất chấp các chính sách ESG gần đây do các ngân hàng Nhật Bản đặt ra, một nhà điều hành các nhà máy nhiệt điện than của Nhật Bản nói rằng ông nhận thấy không có vấn đề gì trong việc thu hút tài chính doanh nghiệp để tài trợ cho các dự án trong nước.
Tuy nhiên, ông cũng nói rằng ông lo ngại rằng các công ty than có thể gặp khó khăn trong việc kêu gọi vốn đấu tư trong tương lai. Một mối lo ngại đáng kể khác là khả năng các công ty bảo hiểm phương Tây có thể bắt đầu rút khỏi các dự án điện than - gây khó khăn cho việc xây dựng nhà máy mới.