Vì sao "nguyên tắc ESG" quan trọng với các nhà đầu tư Nhật Bản? [Bài 2]

An Chi 19/06/2019 05:30

Kết hợp các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị công ty (ESG) vào chiến lược đầu tư đang là xu hướng lớn của các nhà đầu tư có trách nhiệm.

Bên ngoài châu Á - và đặc biệt là châu Âu - các nhà đầu tư ESG thường có quan điểm rõ ràng hơn. Một số quỹ đầu tư nổi bật, thậm chí sẵn sàng thoái vốn tại các công ty không tuân thủ lập trường xã hội hoặc quan điểm về phát triển bền vững của họ.

KLP - một quỹ hưu trí công cộng ở Na Uy với số vốn lên tới 80 tỷ USD, gần đây đã bán cổ phần của mình tại 46 công ty không đạt tiêu chuẩn, đặc biệt là các doanh nghiệp liên quan đến than chiếm từ 5% doanh thu trở lên.

Trong số đó có sáu công ty Nhật Bản - năm công ty trong lĩnh vực năng lượng và một nhà giao dịch. Sau KLP, một loạt các nhà đầu tư châu Âu khác cũng thoái vốn khỏi các dự án mà họ cho rằng không đáp ứng được theo nguyên tắc ESG.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao

    Vì sao "nguyên tắc ESG" quan trọng với các nhà đầu tư Nhật Bản? [Bài 1]

    05:30, 17/06/2019

Ngoài Nhật Bản, các công ty ở các quốc gia châu Á khác đang bắt đầu tham chiếu bộ tiêu chuẩn ESG cho việc ra quyết định của công ty. Olam International - một công ty thương mại nông nghiệp lớn ở Singapore, là một trường hợp điển hình.

Olam từ lâu đã được biết đến như một doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực nông nghiệp trong khu vực khi họ sở hữu các khu rừng rộng lớn ở Gabon để trồng cao su và các vùng nguyên liệu để sản xuất dầu cọ.

Nhưng vào tháng 1 vừa qua, công ty tuyên bố sẽ thoái vốn khỏi bốn doanh nghiệp - là các doanh nghiệp sản xuất cao su và đường - khi Olam cho rằng việc hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp này có thể gây ra hậu quả tiêu cực cho môi trường xã hội.

Việc thoái vốn của Olam này đã nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ Temasek - Quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore và cổ đông lớn nhất của Olam.

Nhưng trong khi các mối quan tâm của ESG đóng góp một phần quan trọng trong bước ngoặt chiến lược của doanh nghiệp này, các quan chức của Olam lưu ý rằng khả năng kinh tế là một yếu tố thúc đẩy khác, chẳng hạn như sự thay đổi được thúc đẩy bởi các xu hướng như tiêu thụ đường giảm, hay việc doanh nghiệp thiếu lợi thế cạnh tranh trong một số lĩnh vực.

Việc thoái vốn của Olam sẽ hoàn tất trong sáu năm tới và dự kiến số tiền khoảng 1,6 tỷ đô la này sẽ được dành để đầu tư vào các phân khúc khác, bao gồm các loại hạt, ca cao, bông và hay các loại gia vị thực phẩm.

Một đồn điền cao su ở tỉnh Kon Tum, tại Việt Nam © AP

Một đồn điền cao su ở tỉnh Kon Tum, Việt Nam ( Ảnh: AP)

Ông Sunny Verghese - Tổng Giám đốc Olam cho biết: "Rõ ràng ESG là một bộ tiêu chuẩn rất hay trong việc quản trị doanh nghiệp, tuy nhiên không nhiều doanh nghiệp tuân thủ, do các chi phí vốn lớn, rủi ro về vốn cũng cao hơn - có một mối liên hệ giữa tính bền vững và giá trị lâu dài". 

Một tập đoàn châu Á khác là Công ty Swire có trụ sở tại Hồng Kông, cũng đã bắt đầu xây dựng chiến lược phát triển theo ESG. Trên trang web chính thức của mình, công ty này đã chào mời các doanh nghiệp khác cùng "đầu tư xanh" vào các dự án của mình.

Bên cạnh đó, Swire cũng tuyên bố sẽ phát huy vai trò của phụ nữ tại nơi làm việc. "Sự bền vững không chỉ là về môi trường", Olivia Wong, người đứng đầu sự phát triển đa dạng và hòa nhập của Swire, phát biểu tại Hội thảo ESG hồi tháng Năm vừa qua.

Trong một động thái quan trọng khác, Sàn giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) đã kêu gọi các công ty niêm yết nộp báo cáo phát triển bền vững trong năm 2017. Giám đốc điều hành Loh Boon Chye của SGX cho biết, động thái này của SGX là một nỗ lực "để đáp ứng sự quan tâm ngày càng tăng đối với sự phát triển bền vững từ các cổ đông và nhà đầu tư tiềm năng trên toàn thế giới .

Tiếp theo SGX, Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông đã có những động thái tương tự vào tháng trước với việc yêu cầu các công ty niêm yết công bố các thông tin liên quan đến chiến lược phát triển bền vững. Theo đó, hội đồng quản trị của các công ty sẽ được yêu cầu chia sẻ các chính sách ESG của họ, bao gồm cả việc bảo vệ môi trường, gia tăng số lượng lao động nữ trong lực lượng lao động và cải thiện điều kiện lao động.

Trong khi đó, đối với giới đầu tư, câu hỏi quan trọng nhất là liệu nguyên tắc ESG có ý nghĩa như một chiến lược đầu tư dài hạn hay không?

Thực tế trên thế giới, các chính sách và hoạt động ESG là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên giá trị lâu dài của doanh nghiệp. Lồng ghép ESG vào hoạt động kinh doanh không chỉ giúp doanh nghiệp củng cố, tăng cường mối quan hệ hợp tác với các bên liên quan, mà còn giúp cải thiện quản lý rủi ro kinh doanh, nâng cao khả năng thích nghi và cạnh trạnh hiệu quả.

Mới đây, khái niệm đầu tư ESG tương thích với việc kiếm tiền đã được Laurence Fink, chủ tịch và CEO của BlackRock - nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới với khoảng 6 nghìn tỷ USD đưa ra.

Trong bức thư hàng năm gửi cho các CEO, Fink cho biết thế hệ ngàn năm đang nổi lên như một lực lượng đầu tư - và điều này sẽ mang lại động lực đầu tư cho ESG. Ông lưu ý mục đích chính trong triết lý kinh doanh theo nguyên tắc ESG là "cải thiện xã hội" chứ không đơn thuần là "tạo ra lợi nhuận".

Đầu tư có trách nhiệm đòi hỏi các nhà đầu tư và các doanh nghiệp phải có một tầm nhìn rộng hơn, có hiểu biết đầy đủ về các cơ hội cũng như những mối nguy cơ khi đối mặt với chúng, nhằm sắp xếp nguồn lực theo cách thức mang lại cả lợi ích ngắn hạn cũng như dài hạn cho khách hàng và những người hưởng lợi khác.

Các nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm (Principles of Responsible Investment - PRI) đang được nhiều quỹ đầu tư, với tổng tài sản quản lý lên đến hàng chục nghìn tỷ USD, cam kết áp dụng. Chính vì vậy, nếu doanh nghiệp nỗ lực giảm thiểu tác động đến môi trường, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đồng thời tăng cường quản trị công ty, sẽ “ghi điểm” và có cơ hội tiếp cận được dòng vốn bền vững khổng lồ này.

Nguyên tắc EGS có y nghĩa lớn trong thực trạng môi trường ô nhiễm trầm trọng như hiện nay (Hình minh họa)

Nguyên tắc ESG có ý nghĩa lớn trong thực trạng môi trường ô nhiễm trầm trọng như hiện nay (Hình minh họa)

Tại Việt Nam, nhiều tổ chức đầu tư như các quỹ, các doanh nghiệp theo "mô hình holding" (sở hữu tài sản thông qua mua lại phần vốn góp hoặc cổ phần chi phối tại các công ty mục tiêu) cũng đã áp dụng tiêu chí đầu tư có trách nhiệm trong các quyết định đầu tư.

Ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Phát triển kinh doanh, Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital cho biết, khi xem xét đầu tư, những tài sản của doanh nghiệp chỉ là bề nổi, rủi ro tiềm ẩn liên quan đến ESG có khi là rất lớn, nếu đánh giá không đầy đủ sẽ phải trả giá không ít.

Trong 25 năm đầu tư tại Việt Nam, Dragon Capital đã có những lần phải trả giá, có những khoản đầu tư thua lỗ liên quan đến vấn đề quản trị, trách nhiệm môi trường, xã hội, chứ không phải hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Vinh chia sẻ. 

Chính vì vậy, Dragon Capital chính thức thực hiện nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm từ năm 2002. Từ đó cho đến nay, Công ty thường xuyên cải thiện bộ tiêu chí và hệ thống quản lý ESG. Có những doanh nghiệp mục tiêu có khả năng mang lại lợi nhuận lớn, nhưng Dragon Capital phải nói “không”, vì không đảm bảo tiêu chí ESG.

Danh mục đầu tư của các quỹ do Dragon Capital quản lý có 80 - 90% là doanh nghiệp niêm yết. Thông tin về môi trường, xã hội của các doanh nghiệp trước đây chưa nhiều, nhưng vài năm gần đây có sự cải thiện mạnh.

Tương tự, Quỹ đầu tư Viet Nam Holding đã đưa các tiêu chí ESG vào quá trình phê duyệt và rà soát đầu tư. Trường hợp doanh nghiệp vi phạm các nguyên tắc về ESG, Quỹ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao nhận thức cũng như quản lý các vấn đề liên quan.

Trong quá trình đầu tư, Viet Nam Holding đề cập đến thông lệ quốc tế tốt nhất và khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các giải pháp quản lý có thể được thực hiện trong bối cảnh Việt Nam. Việc này sẽ giúp Quỹ giảm thiểu rủi ro, đồng thời củng cố mức sinh lời ở các khoản đầu tư trong danh mục.

Ông Đỗ Quốc Thịnh, phụ trách phát triển bền vững cao cấp, Công ty cổ phần Tập đoàn PAN cho biết, PAN có hoạt động chính là mua bán - sáp nhập (M&A), ESG là tiêu chí xem xét đầu tư hàng đầu của Tập đoàn.

PAN không trực tiếp sở hữu nhà máy sản xuất nào, mà sở hữu công ty sản xuất, có thương hiệu, có hội đồng quản trị riêng. Chính vì vậy, trong quá trình M&A, ngoài thực hiện đánh giá các chỉ số tài chính thì Tập đoàn đánh giá các tiêu chí ESG để xác định có đầu tư hay không.

PAN đã xây dựng bộ tiêu chuẩn của Tập đoàn với tên gọi “Bộ nguyên tắc thực hành”, trong đó nêu các yêu cầu đối với cơ sở hạ tầng, hệ thống quản lý, đến sản phẩm liên quan để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Tập đoàn cũng yêu cầu các công ty thành viên thực hiện nguyên tắc này theo lộ trình.

Theo ông Thịnh, trên thế giới, nhiều tập đoàn đã thiết kế các bộ tiêu chuẩn chung và riêng. Chẳng hạn, Coca Cola có hệ thống quản lý riêng, hay hãng bán lẻ Walmart áp dụng tiêu chuẩn mua hàng có trách nhiệm, theo đó các nhà cung cấp cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội nhất định, bên cạnh tiêu chuẩn về sản phẩm. Canon thì có bộ tiêu chuẩn “mua hàng xanh” - các nhà cung cấp linh kiện điện tử đều phải tuân thủ tiêu chuẩn này.

Còn tiếp...

An Chi