Khó hóa giải bất đồng tại G20

Thuỵ Vân 23/06/2019 17:46

Bất đồng sâu sắc giữa một số quốc gia trong nhóm các nền kinh tế lớn có thể sẽ khiến Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức tại Osaka, Nhật Bản vào ngày 28-29/6 tới, khó đạt được kết quả như kỳ vọng.

Những cuộc họp trù bị của G20 đã được tiến hành ở cấp Bộ trưởng. Nhìn vào đó có thể phần nào nhận diện được Hội nghị thượng đỉnh sắp tới của G20 sẽ diễn ra như thế nào và có khả năng đạt được những kết quả gì?.

p/Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra tại Osaka, Nhật Bản vào ngày 28-29/6 sắp tới. Ảnh: Họp cấp bộ trưởng Tài Chính nhóm G20 tại Fukuoka, Nhật Bản 9/06/2019.

Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra tại Osaka, Nhật Bản vào ngày 28-29/6 sắp tới. Ảnh: Họp cấp bộ trưởng Tài Chính nhóm G20 tại Fukuoka, Nhật Bản 9/06/2019.

Khó thành công

Kết quả đáng kể nhất của các cuộc họp trù bị vừa qua của G20 là thoả thuận đánh thuế các tập đoàn công nghệ và khắc phục tình trạng các đại dương bị ô nhiễm nặng nề bởi rác thải nhựa. Tuy nhiên, các thoả thuận này mới chỉ mang tính nguyên tắc và còn phải được cụ thể hoá trong thời gian tới để các thành viên của nhóm dùng làm định hướng cho các biện pháp chính sách cụ thể. Bên cạnh đó, các cuộc họp trù bị vừa qua mới chỉ bàn thảo, chứ chưa đạt được sự thống nhất quan điểm về xoá đói giảm nghèo, bảo vệ khí hậu trái đất, xung đột thương mại hay chống khủng bố... Ngoài ra, quan hệ song phương không được tốt đẹp giữa các nền kinh tế thành viên, như Mỹ - Nga, Mỹ- Trung Quốc, Mỹ- Ấn Độ, cùng tình hình chính trị rất đáng lo ngại ở vùng Vịnh đều sẽ phủ “bóng đen” xuống hội nghị này.

Có thể bạn quan tâm

  • Giá vàng tuần từ 24- 28/6: Rủi ro từ Hội nghị thượng đỉnh G20

    05:01, 23/06/2019

  • Trump -Tập hy vọng gì tại G20 Osaka?

    07:15, 19/06/2019

  • Động lực nào đưa Chủ tịch Trung Quốc đến Triều Tiên trước thềm G20?

    14:50, 18/06/2019

  • G20 thúc đẩy đầu tư phát triển năng lượng sạch

    05:41, 15/06/2019

  • Nhóm G20 thống nhất đưa ra quy tắc chung về AI

    07:12, 11/06/2019

  • Tuyên bố chung G20 "né" thương chiến Mỹ - Trung

    07:00, 10/06/2019

Nếu nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không gặp nhau, thì bất đồng quan điểm và xung đột lợi ích chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ còn dai dẳng. Ngoài xung đột thương mại Mỹ- Trung, còn có bất đồng giữa Mỹ và các thành viên khác của G20 về thực hiện thương mại tự do, tăng cường vai trò của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay vô hiệu hoá WTO, chính trị hoá các mối quan hệ kinh tế đối ngoại phục vụ cho mục tiêu đối nội hay thúc đẩy các mối quan hệ này để góp phần vào việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới.

Bởi vậy, không chỉ Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay, mà cả trong những năm tới sẽ khó thành công ở chủ đề thương mại.

Thỏa thuận tạm thời

Từ cuộc đấu khẩu giữa Mỹ và Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore năm nay và từ những phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Tập Cận Bình dịp ông Tập Cận Bình thăm Nga vừa qua, có thể dự đoán được các bên liên quan này rất khó đạt được thoả thuận cơ bản nào đó với nhau, hoặc nếu có thì cũng chỉ là thoả thuận nhất thời và với phạm vi hẹp.

Rõ ràng, sự bất đồng quan điểm giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc vẫn chưa có hướng và triển vọng được khắc phục. Nếu các nhà lãnh đạo này gặp nhau ở Osaka mà không đạt được sự nhất trí giải quyết vấn đề gì thì cũng sẽ chỉ lợi bất cập hại đối với tất cả các bên liên quan.

  Với những bất đồng sâu sắc  hiện nay giữa một số nền kinh tế lớn trong nhóm G20, thì thật khó kỳ vọng Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới sẽ đem lại tác động tích cực cho kinh tế thế giới.

Bản thân Hội nghị này vẫn được nhìn nhận là sự kiện lớn của thế giới về chính trị, kinh tế, thương mại và tài chính, nhưng tiếp tục sa sút vai trò và ảnh hưởng trên thế giới. Ông Trump tuy tham dự hội nghị nhưng trong thâm tâm và trong hành động cụ thể từ khi lên cầm quyền ở Mỹ dường như không coi trọng G20, thậm chí bất chấp diễn đàn này khi bất lợi cho Mỹ.

Cũng chính vì thế mà những cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị G20 giữa lãnh đạo các bên tham gia lại được chú ý đến nhiều hơn. Ngoài khả năng có cuộc gặp giữa ông Putin và ông Tập Cận Bình với ông Trump, cả thế giới còn chú ý đến cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và ông Putin với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Bởi giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Nga cũng đang tồn tại dai dẳng nhiều khúc mắc tác động tới an ninh và ổn định khu vực Đông Bắc Á và ảnh hưởng trực tiếp đến cả quan hệ của Nhật Bản với Mỹ.

Ở thời điểm hiện tại, thật khó có thể kỳ vọng Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới sẽ đem lại tác động tích cực cho tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới trong thời gian tới.

Thuỵ Vân