Ngành thời trang thế giới trước "cơn bão" thương chiến
Căng thẳng thương mại ngày một gia tăng giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn khác đã tạo gánh nặng về chi phí cho một số doanh nghiệp trong ngành thời trang.
Kết quả cuộc khảo sát mới đây về lĩnh vực thời trang do Hiệp hội Thời trang Mỹ thực hiện cho thấy, trong năm thứ hai liên tiếp, các chính sách bảo hộ thương mại Mỹ tiếp tục được giới chuyên gia đánh giá là thách thức lớn nhất đối với lĩnh vực thời trang và may mặc.
Bên cạnh đó, cuộc khảo sát do hãng tư vấn hàng đầu thế giới McKinsey thực hiện với 63 giám đốc phụ trách mảng mua sắm quốc tế của các doanh nghiệp cho thấy, 62% số người được hỏi nói rằng các công ty của họ dự kiến sẽ giảm tỷ trọng nguyên liệu nguồn từ Trung Quốc trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Có thể bạn quan tâm
Thương hiệu online đang hủy diệt các đại gia ngành bán lẻ thời trang như thế nào?
06:35, 21/06/2019
Thương chiến Mỹ-Trung leo thang, kỳ vọng dòng vốn FDI đến từ đâu?
00:00, 17/06/2019
Việt Nam có hoàn toàn hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung?
06:47, 13/06/2019
Hệ thống ngân hàng châu Á "lao đao" vì thương chiến
06:00, 13/06/2019
Tuyên bố chung G20 "né" thương chiến Mỹ - Trung
07:00, 10/06/2019
Cụ thể, hàng loạt hãng lớn như Samsonite và Gap, có hoạt động sản xuất lớn ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã tính đến phương án tăng giá tiêu dùng để bù lỗ. Wolverine World Wide, Puma và Steve Madden nằm trong số những công ty tuyên bố sẽ chuyển các dây chuyền sản xuất ra khỏi thị trường Trung Quốc.
Tại Mỹ, vấn đề thuế quan rất quan trọng đối với ngành công nghiệp thời trang bởi ngành này dù chỉ chiếm 6% tổng kim ngạch nhập khẩu nhưng lại chi trả đến 51% các hóa đơn thuế quan. Do đó, các mức thuế của Washington nhắm vào hàng hóa Trung Quốc bao gồm cả quần áo da, vải dệt và sợi len khiến người tiêu dùng Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề.
Trong khi các mặt hàng may mặc cơ bản như áo phông và đồ lót có thể dễ dàng được chuyển sang các trung tâm sản xuất chi phí thấp hơn như Việt Nam, Campuchia hoặc Bangladesh, Trung Quốc đã trở thành quốc gia chuyên sản xuất các mặt hàng có giá trị cao hơn như phụ kiện và áo khoác.
Điều này đã làm các thương hiệu thời trang cao cấp của Mỹ đã trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc trong sản xuất và khiến các doanh nghiệp dễ bị tổn thương hơn khi Mỹ quyết định tăng thuế.
Lý giải điều này, nhiều chuyên gia cho biết, hầu như các quốc gia khác vẫn chưa thể cạnh tranh về chất lượng với Trung Quốc trong các phân khúc mặt hàng thời trang cao cấp với số lượng lớn hoặc có cùng chất lượng với Trung Quốc do những hạn chế về công nghệ.
Theo ông Harry Moser, người sáng lập Reshoring Initiative cho biết, các thương hiệu thời trang xa xỉ của Mỹ cũng có khả năng mất lợi thế về giá so với các đối thủ châu Âu tại thị trường Trung Quốc do cuộc chiến thương mại. Việc tăng thuế vừa qua đã làm các thương hiệu Mỹ phải đối mặt với áp lực tăng giá bán lẻ, mặc dù đó là biện pháp cuối cùng để bù đắp tác động đến lợi nhuận.
Giám đốc điều hành toàn cầu của thương hiệu Ralph Lauren, Patrice Louvet đã không loại trừ khả năng tăng giá trong 6 tháng cuối năm 2019 trong khi các thương hiệu xa xỉ khác đến từ châu Âu đang đi theo hướng ngược lại.
Mặt khác, Trung Quốc vẫn được coi là thị trường tiêu thụ thời trang cao cấp hàng đầu thế giới do sở hữu số dân lớn với sức mua tốt, đồng thời tầng lớp trung lưu và người giàu có tại quốc gia này đang phát triển mạnh mẽ đã trở thành "mảnh đất" vàng cho các nhãn hiện thời trang cao cấp.
Do đó, các chủ doanh nghiệp thời trang cao cấp đang có những lo ngại nghiêm trọng về việc họ sẽ bị ảnh hưởng xấu như thế nào bởi sự sụt giảm nhu cầu mua hàng hiệu của các khách hàng Trung Quốc do các tranh chấp hiện nay.
Mặc dù không có dấu hiệu cụ thể nào cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc đang tẩy chay bất kỳ một nhãn hàng Mỹ nào. Tuy nhiên, kinh nghiệm của Hàn Quốc và Nhật Bản khi tranh chấp với Trung Quốc trong quá khứ đã cho thấy, người tiêu dùng Trung Quốc sẵn sàng tự nguyện tẩy chay các sản phẩm của Hàn Quốc một cách nghiêm túc từ xe hơi, làm đẹp, thời trang đến du lịch.
Có thể thấy, cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế sẽ làm giảm thêm khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc, nhưng về cơ bản, điều này sẽ không thay đổi khả năng cạnh tranh của Trung Quốc trong vai trò nguồn cung ứng nguyên liệu, đặc biệt là trong ngắn hạn.
Với những tính chất đặc trưng như vòng đời sản phẩm ngắn, nhu cầu tiêu dùng thất thường, cùng chuỗi cung ứng phức tạp và trải dài trên nhiều quốc gia, thời trang luôn là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các nền tảng chính sách và chính trị.
Theo giới phân tích, ngành công nghiệp thời trang sẽ được vận hành với động lực chính là định hướng lại các nguồn cung ứng, có thể theo hướng có lợi cho những nước tham gia các FTA mới. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp thời trang lớn vẫn buộc phải đưa ra những quyết định khó khăn khi đối mặt với rào cản thuế quan trong các thị trường tiêu dùng quan trọng.