Nền công nghệ Trung Quốc sẽ ra sao nếu “ly khai” khỏi Mỹ?
Rất nhiều các công ty sản xuất chip bán dẫn của Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh không thể đạt được thành công trong lĩnh vực công nghệ nếu không có Mỹ.
Một trong những vấn đề tranh cãi chủ yếu giữa Mỹ và Trung Quốc trong chiến tranh thương mại là việc Washington cáo buộc Bắc Kinh ép các doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ. Cụ thể, các công ty nước ngoài muốn kinh doanh tại Trung Quốc sẽ phải chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm. Việc này có thể đạt được một cách đơn giản thông qua yêu cầu liên doanh với doanh nghiệp trong nước, hoặc qua các biện pháp phức tạp hơn.
Chính phủ Trung Quốc vẫn luôn phủ nhận cáo buộc trên, khẳng định điều này không có cơ sở. Chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng sự hợp tác giữa các công ty là tự nguyện và dựa trên nguyên tắc thị trường.
Chưa có kết luận cuối cùng về việc các công ty giữa hai quốc gia hợp tác tự nguyện hay do những ràng buộc khác, nhưng không thể phủ nhận rằng các công ty lớn của Trung Quốc từ Baidu, Alibaba, Tencent, Xiaomi, Didi Chuxing cho đến Ngân hàng Trung Quốc (PBoC), Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), các công ty viễn thông China Mobile, China Telecom, tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc Petro China, hãng ô tô nhà nước SAIC..., trên phương diện nào đó, đều dựa vào công nghệ, linh kiện, phần mềm hoặc tài sản sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ như Apple, Google, Intel, Qualcomm, Cisco, Micron, Microsoft...
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu kết thúc, thì mới đây, các nhà thiết kế chip Trung Quốc – vốn được định hướng kinh doanh theo chiến lược của Bắc Kinh về ngành công nghiệp bán dẫn đã đưa ra những cảnh báo về việc nền công nghệ của quốc gia này sẽ khó lòng đạt được các mục tiêu quốc gia, nếu không tiếp cận với công nghệ của Mỹ.
Một giám đốc điều hành từ một trong những nhà sản xuất chip trí tuệ nhân tạo hàng đầu của Trung Quốc cho biết: "Công ty của ông phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ trong việc thiết kế chip.Nếu chúng tôi mất quyền truy cập vào phần mềm của Mỹ hoặc không thể nhận được các bản cập nhật nữa, quá trình phát triển chip của chúng tôi sẽ đi vào ngõ cụt."
Đồng quan điểm trên, Giám đốc điều hành cấp cao của NextVPU - nhà sản xuất chip AI được thành lập bởi cựu kỹ sư Advanced Micro Devices, có trụ sở tại Thượng Hải thừa nhận: "Nếu không có cập nhật từ các nhà cung cấp phần mềm Mỹ, việc Trung Quốc thúc đẩy phát triển chip của riêng mình khó mà có thể thành công được".
Ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc đã đặt mục tiêu tới năm 2025, 70% chip sử dụng tại quốc gia này sẽ được nội địa hóa. Và mục tiêu này được hỗ trợ hết sức bởi chính sách của chính phủ và sự vào cuộc hỗ trợ của các chuyên gia.
Nhưng câu chuyện lại không hề đơn giản như Bắc Kinh suy nghĩ, một người quản lý từ Công ty sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc cho biết: "Chúng tôi vẫn cần thiết bị, vật liệu, IP và phần mềm thiết kế chip từ Mỹ. Chúng tôi thực sự không thể tự phát triển độc lập, không thể loại bỏ các nhà cung cấp Mỹ khỏi quy trình sản xuất của chúng tôi”.
Rõ ràng, các doanh nghiệp công nghệ của Trung Quốc sẽ không dễ dàng gì để tiếp tục phát triển trong bối cảnh họ vướng vào những quy định ngặt nghèo trong việc hạn chế chuyển giao công nghệ của Mỹ.
Vào tháng 5, Mỹ đã thêm “gã khổng lồ” công nghệ của Trung Quốc vào "danh sách đen" về thương mại, cấm bán các hàng hóa có chứa 25% công nghệ Mỹ cho Huawei. Vào cuối tuần này, Mỹ tiếp tục thêm 5 công ty công nghệ vào danh sách ấy – bao gồm cả nhà sản xuất siêu máy tính Sugon và hai công ty liên doanh Trung Quốc với AMD – vốn là một công ty của Mỹ.
Động thái này được đưa ra khi Bắc Kinh cố gắng thúc đẩy các công ty công nghiệp Trung Quốc mua chất bán dẫn trong nước nhằm đáp ứng mục tiêu tìm nguồn cung 40% trong năm 2020 và 70% vào năm 2025. Tuy nhiên, lãnh đạo các công ty hoạt động trong lĩnh vực chất bán dẫn cho biết mục tiêu này khó khả thi khi mà nhiều người Trung Quốc đang tỏ ra lưỡng lự khi mua các sản phẩm được lắp ráp bằng chất bán dẫn do các công ty nội địa sản xuất.
"Thành thật mà nói, chip Trung Quốc vẫn kém hiệu quả hơn Intel", Giám đốc bán hàng cao cấp của Inspur, nhà sản xuất máy chủ lớn thứ ba thế giới và là số 1 ở Trung Quốc cho biết. Các công ty hoạt động trong một số lính vực đặc thù, chẳng hạn như giao dịch tài chính, cũng không tin tưởng vào ngành công nghiệp chip non trẻ của Trung Quốc.
Sản xuất chip tại Trung Quốc - bao gồm các công ty nước ngoài - chỉ chiếm 15% thị trường, tương đương 155 tỷ USD, theo một nghiên cứu của IC Insights – họ dự báo sản lượng sản xuất chất bán dẫn trong nước chỉ đạt 20,5% vào năm 2023.
Anh Arisa Liu, một nhà phân tích chip kỳ cựu tại Viện nghiên cứu kinh tế Đài Loan cho biết: "Việc thúc đẩy sự tự lực của Trung Quốc không mang lại kết quả nhanh như mong đợi, ngược lại nó còn bị ảnh hưởng tiêu cực khá nhiều bởi những lần áp thuế liên tiếp của Mỹ".
Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng làm gương cho các nhà sản xuất khác. Vào tháng 6/2018, lần đầu tiên Trung tâm Mua sắm Chính phủ Trung ương Trung Quốc (CGPC) đã đưa chip do Trung Quốc sản xuất vào danh sách mua hàng. Inspur đã bắt đầu sử dụng chip “nhà làm” cho các dự án của Chính phủ và quân đội. Giám đốc thị trường của Inspur nhận định: "Hành động sử dụng chip Trung Quốc ngày càng nhiều của Chính phủ là một minh chứng tích cực để hỗ trợ các nỗ lực trong nước".
Tương tự như vậy, ông Michael Guo, một giám đốc bán hàng tại Zhejiang Shijing Sensor Technology – chuyên sản xuất chip cho các nhà sản xuất xe hơi, cũng cậy nhờ vào Bắc Kinh. "Nếu Chính phủ khuyến khích sử dụng chip sản xuất tại Trung Quốc trong mua sắm công thì các công ty sẽ mua nhiều hơn", ông nói.
Nhưng ngay cả với sự hỗ trợ rất được mong đợi từ các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Guo vẫn thận trọng về việc liệu Bắc Kinh có đáp ứng các mục tiêu năm 2025 đầy tham vọng của mình hay không. "Ngành công nghiệp chip của Trung Quốc đang trên đà phát triển, nhưng nó vẫn thua xa các công ty cùng ngành phương Tây", ông nói.