Nguy cơ tiềm ẩn từ căng thẳng Mỹ - Iran

Trương Khắc Trà 28/06/2019 02:39

Nếu Mỹ tấn công quân sự vào Iran, sẽ không chỉ gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo ở quốc gia Tây Á này, mà còn tác động sâu sắc đến thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Ngày 20/6 vừa qua, suýt chút nữa lệnh khai hỏa của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào 3 mục tiêu ở Iran được thực thi; súng chưa nổ nhưng ngòi căng thẳng vẫn chưa được tháo gỡ.

p/Giới chuyên gia nhận định, nếu Iran đóng cửa eo biển Hormuz, giá dầu thế giới sẽ tăng vọt, không ngoại trừ mức 100USD/thùng.

Giới chuyên gia nhận định, nếu Iran đóng cửa eo biển Hormuz, giá dầu thế giới sẽ tăng vọt, không ngoại trừ mức 100USD/thùng.

Bóng ma chiến tranh

Quan hệ Mỹ - Iran xấu đi kể từ năm 1979, thoạt đầu từ một sự cố ngoại giao trong Đại sứ quán Mỹ ở Teheran, bùng phát sang lĩnh vực quân sự trong những năm cuối thập kỷ 80.

Ông Obama lên nắm quyền chủ trương dịu ngọt với Teheran, mọi mắc mớ dường như được cởi bỏ. Tuy nhiên, quan hệ Mỹ - Iran căng thẳng trở lại dưới nhiệm kỳ của Trump.

Con bài cũ - cấm vận dầu mỏ, rút khỏi thỏa thuận hạt nhân được Washington sử dụng, xung đột vũ trang dần xuất hiện trên không phận Iran khi quân đội nước này bắn hạ máy bay do thám không người lái của Mỹ.

Trong nhiều năm qua, Mỹ vừa có hành động cứng rắn, vừa tiến hành đàm phán với Iran. Tuy nhiên, việc Trump vừa áp lệnh trừng phạt lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, cùng 8 chỉ huy quân đội cấp cao của nước này đồng nghĩa với việc con đường ngoại giao giữa 2 nước đã khép lại. Điều này tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh nếu 2 quốc gia này đẩy căng thẳng vượt tầm kiểm soát.

Lo ngại thị trường dầu mỏ

Iran hiện nắm giữ trữ lượng dầu mỏ lớn thứ 4 thế giới - chiếm khoảng 10% tổng sản lượng dầu mỏ toàn cầu. Teheran cũng là một trong những “đại thành viên” của OPEC.

Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng thế giới (IEA), chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, Iran sẽ là một trong những nước đóng góp lớn vào mức tăng trưởng nguồn cung dầu trên toàn cầu vào năm 2023, sản lượng đạt được vượt xa Mỹ.

Trong khi đó, eo biển Hormuz cũng là quân bài đáng sợ của Iran, có 13 triệu thùng dầu trung chuyển qua eo biển này mỗi ngày. Iran có quyền phong tỏa eo biển này nếu như bị cấm sử dụng để vận chuyển dầu.

Nếu xảy ra chiến tranh Mỹ - Iran, khả năng khủng hoảng thiếu dầu là nhãn tiền - do hoạt động xuất khẩu dầu của Teheran bị tê liệt, và con đường vận chuyển dầu từ vùng Vịnh đi châu Âu, châu Á cũng bị chặn lại.

Bản chất của mọi biến cố trên thị trường dầu mỏ thế giới hiện nay là kết quả của mâu thuẫn giữa các nước lớn. Trung Quốc rất cần dầu, Mỹ lại muốn bá chủ thị trường này và củng cố vị thế của “petro-dollars”.

Viễn cảnh giá dầu đạt mốc 100 USD/thùng hoàn toàn khả dĩ như hồi năm 2014. Khi đó, chỉ một vài nước sẽ được hưởng lợi nhưng nhiều nước sẽ chịu thiệt hại, nhất là các quốc gia châu Âu đang nhập khẩu ròng dầu mỏ.

Trương Khắc Trà