Đối đầu Mỹ - Trung và câu chuyện tự lực công nghệ

Cẩm Anh 06/07/2019 06:00

Mặc dù đã tuyên bố đình chiến tại G20, nhưng cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung vẫn âm thầm diễn ra khi Trung Quốc đang nỗ lực đẩy mạnh tự lực trong việc sản xuất linh kiện.

Lệnh cấm của Mỹ đã tạo đà cho Trung Quốc phát triển con đường riêng trong lĩnh vực công nghệ

Lệnh cấm của Mỹ đã tạo đà cho Trung Quốc phát triển con đường riêng trong lĩnh vực công nghệ

Khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố đưa Huawei vào danh sách cấm, CEO và nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi cho biết, Huawei sẽ thiệt hại khoảng 30 tỷ USD trong vài năm tới. Đồng thời, chỉ 4 tuần nằm trong danh sách đen thương mại của Mỹ đã khiến Huawei hứng chịu các thiệt hại nặng nề, cùng với đó là tham vọng thống trị trong nền tảng mạng di động 5G của hãng này hiện đang bị lung lay nghiêm trọng.

Ngay sau đó, chính quyền Mỹ cũng bổ sung thêm 5 thực thể công nghệ Trung Quốc vào "danh sách đen", đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp này bị cấm mua linh kiện và công nghệ Mỹ nhằm mục đích kìm hãm nỗ lực của Trung Quốc về phát triển siêu máy tính.

Có thể bạn quan tâm

  • Mỹ - Trung khởi động đàm phán thương mại qua điện thoại

    00:23, 03/07/2019

  • Mỹ - Trung tái khởi động đối thoại, ngưng áp thuế

    13:01, 29/06/2019

  • Chờ đợi gì từ cuộc gặp Mỹ - Trung tại G20?

    17:15, 26/06/2019

  • ASEAN giữa hai "làn đạn" Mỹ - Trung

    07:00, 24/06/2019

Khi Trung Quốc tìm cách tiến lên phía trước, Mỹ đã nhận ra, họ đang phải đối mặt với sự cần thiết để duy trì "ngôi vương" trong lĩnh vực này. Từ đó, chính quyền Tổng thống Mỹ đã tiến hành nhiều biện pháp kiềm chế tham vọng công nghệ của Trung Quốc và đẩy nhanh việc phát triển các công nghệ tiên tiến để đảm bảo lợi thế của Mỹ trong tương lai.

Có thể thấy, quyết tâm của Mỹ đã đẩy Bắc Kinh tiến hành kích hoạt "kỷ nguyên bảo hộ", trong đó khuyến khích doanh nghiệp hướng nội và tự sản xuất các phần mềm và phần cứng để tách dần khỏi sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ.

Ông Tập Cận Bình thường xuyên đề cập đến ý tưởng này trong những năm gần đây, tuy nhiên, đáng chú ý là trong một bài phát biểu vào tháng 9 năm ngoái, ông đã đề nghị Trung Quốc sẽ buộc phải đi "con đường tự lực" khi nước này cố gắng trở thành một quốc gia tiên tiến. Đây được xem như một lời kêu gọi sự tự chủ về công nghệ trong kỷ nguyên của chủ nghĩa bảo hộ đang lên.

Điều này cũng được thể hiện bằng việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển năng lực sản xuất và đổi mới để Trung Quốc có thể tự chủ hơn trong việc sản xuất các công nghệ mới bằng những chính sách như "Made in China 2025".

Thông qua Kế hoạch đổi mới khoa học và công nghệ quốc gia, Trung Quốc đã đưa ra 15 dự án lớn, ưu tiên một số công nghệ chiến lược nhất định để đạt được những tiến bộ lớn vào năm 2030, bao gồm từ rôbốt và khoa học về trí não đến một trạm không gian và điện toán lượng tử và truyền thông.

Ưu tiên cao dành cho các công nghệ này đã dẫn đến việc đưa hàng tỷ đầu tư vào nghiên cứu và phát triển dài hạn, bao gồm thông qua việc thành lập các phòng thí nghiệm quốc gia mới, như cho khoa học thông tin lượng tử.

Cùng với đó, chính phủ Trung Quốc cũng tiến hành các chính sách bảo mật dữ liệu người dùng của quốc gia này. Về mặt kinh tế, Trung Quốc tìm cách sử dụng nội địa hóa dữ liệu để tạo lợi thế cho các công ty nội địa so với các công ty phương Tây. Về mặt chiến lược, nội địa hóa dữ liệu giúp đảm bảo rằng dữ liệu của Trung Quốc không thể được truy cập bởi các doanh nghiệp nước ngoài.

Hơn nữa, nội địa hóa dữ liệu có thể giúp bảo đảm lợi thế giúp quốc gia này bắt đầu phát triển AI với tiềm năng gặt hái những lợi thế kinh tế và quân sự lớn. Và điều này có thể cho phép chính phủ Trung Quốc truy cập dữ liệu theo Luật Tình báo Quốc gia và Luật Chống gián điệp để yêu cầu các cá nhân và công ty Trung Quốc tuân thủ các yêu cầu về thông tin liên quan đến tình báo và hoạt động gián điệp.

Các chuyên gia nhận định, sự mất lòng tin giữa hai quốc gia đã khiến nhiều chính trị gia tin rằng, Mỹ và Trung Quốc có thể tách rời nhau và tạo ra hai khu vực kinh tế hoàn toàn riêng biệt. Điều này cũng đã thúc đẩy Huawei bắt tay xây dựng hệ điều hành riêng mang tên Hongmeng từ năm 2012; đồng thời chi ra 15,3 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển trong năm 2018 để đối đầu với các tập đoàn Mỹ như Google, Apple...

"Những kế hoạch và mục tiêu này như một dấu hiệu cho thấy những khát vọng và mong muốn của Trung Quốc. Chỉ bằng cách làm chủ công nghệ cốt lõi của mình, quốc gia đó mới có thể bảo vệ an ninh kinh tế và an ninh quốc gia", Elsa B. Kania, nghiên cứu viên thực tập của Chương trình Công nghệ và An ninh Quốc gia, Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS) cho biết.

Nhằm tự chủ sản xuất chip, Trung Quốc tích cực tuyển dụng nhân tài từ Đài Loan

Nhằm tự chủ sản xuất chip, Trung Quốc tích cực tuyển dụng nhân tài từ Đài Loan

Mặc dù vậy, khái niệm tự lực đã đẩy Trung Quốc vào những lựa chọn tồi tệ, đơn cử như câu chuyện sản xuất chất bán dẫn. Trong những thập kỷ gần đây, các nhà lãnh đạo đã có nhiều nỗ lực để phát triển khả năng sản xuất chip nhưng hầu như tất cả đều mang đến những thất bại cay đắng.

Các công ty Trung Quốc như HiSilicon spinoff của Huawei hiện đang sản xuất chip để sử dụng trong các sản phẩm điện thoại thông minh và máy tính xách tay của họ. Nhưng các nhà sản xuất linh kiện tiên tiến nhất thế giới vẫn ở bên kia đại dương. Hầu hết các nhà phân tích đồng ý rằng Trung Quốc vẫn chậm hơn một thập kỷ so với các đối thủ hàng đầu như TSMC của Đài Loan.

Những con chip hoặc chất bán dẫn được sử dụng trong các thiết bị của Trung Quốc vẫn là những thiết bị cao cấp, phức tạp nhất. Do đó, việc nhập khẩu từ các doanh nghiệp Mỹ vẫn gần như chắc chắn sẽ phải diễn ra.

Về lâu dài, điều này sẽ gây tổn hại cho Trung Quốc, điều đó khiến các công ty Trung Quốc khó tiếp cận với loại công nghệ mà họ cần để cạnh tranh tốt nhất với thế giới. Hầu hết các ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc vẫn phụ thuộc sâu sắc vào các bí quyết nước ngoài.

Tại cuộc gặp G20 diễn ra gần đây, Tổng thống Trump đã đảo ngược lệnh cấm với Huawei. Tuy nhiên, để cố gắng và đạt được một thỏa thuận có thể xoa dịu căng thẳng và phục vụ cho việc phát triển nền công nghệ lâu dài, Trung Quốc vẫn còn rất nhiều điều phải làm, đặc biệt là mở cửa nền kinh tế với đầu tư quốc tế và hạn chế sự can thiệp của nhà nước.

Cẩm Anh