Tencent, Alibaba và trận chiến "Điện toán đám mây"

An Chi 15/07/2019 06:00

Trận chiến này có thể quyết định tương lai của những người khổng lồ công nghệ của Trung Quốc...

Tại Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ngành công nghệ thông tin, được tổ chức vào năm 2010 tại Thâm Quyến, khi được hỏi về quan điểm đối với việc phát triển lĩnh vực điện toán đám mây còn rất non trẻ khi đó, Jack Ma và Pony Ma đã đưa ra những câu trả lời hoàn toàn khác nhau.

Jack Ma - người đã xây dựng Tập đoàn Alibaba Group, gọi điện toán đám mây là “cứu cánh cho tương lai” cho tập đoàn thương mại điện tử của mình. "Nếu chúng ta không làm điều này, chúng ta sẽ chết", ông nói.  

Trong khi đó Pony Ma - giám đốc của công ty giải trí trực tuyến khổng lồ Tencent Holdings, thừa nhận rằng một ngày nào đó các doanh nghiệp có thể muốn điều hành hoạt động của mình trên các máy chủ của bên thứ ba nhưng ông lập luận rằng "sẽ mất hàng thế kỷ, nếu không phải là một ngàn năm ... để điều này trở thành hiện thực".

Gần một thập kỷ sau, Pony đã thay đổi quan điểm của mình và Tencent đã đầu hàng trước Alibaba - công ty đi đầu trong lĩnh vực này. Một giám đốc điều hành của Tencent đã nói: "Việc đuổi theo Alibaba giờ đây là mục tiêu của công ty chúng tôi. ... Pony nói rõ rằng ông sẵn sàng đầu tư 10 năm để khẳng định vị trí của Tencent trên thị trường điện toán đám mây".

Tencent quyết tâm bắt kịp xu hướng của khách hàng trên nền tảng đám mây bằng cách rót hàng triệu USD vào doanh nghiệp của họ, với hy vọng rằng họ phát triển tốt dịch vụ điện toán đám mây, và khách hàng sẽ sử dụng dịch vụ của họ, cũng như các dịch vụ khác của công ty. Tuy nhiên, Alibaba sẽ không để Tencent tiến lên dễ dàng như vậy

Tencent đang xây dựng trung tâm dữ liệu này - lớn nhất từ trước đến nay - ở vùng núi của tỉnh Quý Châu của Trung Quốc. (ảnh: Getty Images)

Tencent đang xây dựng trung tâm dữ liệu lớn nhất từ trước đến nay tại vùng núi của tỉnh Quý Châu của Trung Quốc. (ảnh: Getty Images)

Điện toán đám mây được hiểu là việc sử dụng một mạng lưới các máy chủ từ xa để lưu trữ, quản lý và xử lý dữ liệu, thay vì máy chủ cục bộ hoặc máy tính để bàn - đã trở thành một xu hướng bùng nổ trong ngành công nghệ thông tin trên toàn thế giới.

Truy cập theo yêu cầu vào phép toán thông qua dịch vụ đám mây cho phép, một công ty phát trực tuyến như Netflix có thể phục vụ lượng người xem tăng vọt, hay dịch vụ này cũng cho phép cung cấp các dịch vụ dựa trên web như Dropbox và Google Docs.

Công ty phân tích thị trường IDC dự đoán, người tiêu dùng trên toàn thế giới sẽ dành ra tới 210 tỷ USD cho việc chi tiêu đối với các dịch vụ và cơ sở hạ tầng đám mây công cộng. Con số này đã tăng mạnh so với mức dưới 170 tỷ đô la trong năm 2018.

Trung Quốc là thị trường đám mây công cộng lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, với chi tiêu ước tính đạt 10,5 tỷ USD trong năm nay. Do các hạn chế về bảo mật của Bắc Kinh gây khó khăn cho các công ty công nghệ phương Tây như Amazon và Microsoft trong việc xử lý dữ liệu, các nhà phân tích cho rằng chiến trường trị giá hàng tỷ đô la này chủ yếu dành cho các đối thủ cạnh tranh trong nước, mà đi đầu là Alibaba.

Việc Alibaba là công ty đi đầu trong lĩnh vực điện toán đám mây là trong không thể tranh cãi, nhưng dữ liệu IDC cho thấy Tencent đang dần khẳng định chỗ đứng vững chắc của mình. Trong phân khúc được gọi là "cơ sở hạ tầng như một dịch vụ" - một trong những hình thức dịch vụ đám mây phổ biến nhất ở Trung Quốc -

Tencent đã đạt được thị phần 11,5% vào năm ngoái. Con số này đã thua xa so với 43% cổ phần của Alibaba Cloud, được gọi là AliCloud, nhưng đó là một sự cải thiện so với mức 7,4% trong năm 2016.

Khoảng cách giữa hai công ty dự kiến sẽ thu hẹp hơn nữa, theo chuyên gia Elinor Leung, người đứng đầu nghiên cứu viễn thông và internet tại công ty môi giới CLSA ở Hồng Kông nhận định. Mặc dù Leung cho rằng Alibaba có khả năng đi đầu nhờ một phần lợi thế đầu tiên của mình, nhưng Tencent đã tăng cường các chuyên gia kỹ thuật, cũng như công ty này có lợi thế trong các lĩnh vực như phát triển game và phát video. "Tôi nghĩ Tencent có thể là đối thủ cạnh tranh của Alibaba trên thị trường", Leung nói.

Tencent và Alibaba, cả hai đều có vốn hóa thị trường đạt gần nửa nghìn tỷ USD, và cả hai đã không còn xa lạ gì với các chiến lược cạnh tranh lẫn nhau. Cả hai công ty này luôn cạnh tranh nhau về mọi thứ, từ quảng cáo trên internet đến thực phẩm.

Ngân hàng đầu tư Bernstein cho biết, Alibaba kiểm soát 36% doanh số quảng cáo trực tuyến của Trung Quốc so với 15% của Tencent. Trong khi đó, Tencent đã đánh bại Alibaba trong việc giao hàng bữa ăn, với 61% khách hàng Trung Quốc đặt hàng thông qua Meituan Dianping của Tencent so với 37% sử dụng Ele.me của Alibaba.

Nhưng trong dịch vụ điện toán đám mây, rõ ràng “ông trùm” Jack Ma đã đi trước nhà lãnh đạo Pony Ma một bước.

Với dân số lên tới 1.4 tỷ người, Trung Quốc là mảnh đất màu mỡ cho dịch vụ điện toán đám mây, theo đó sự cạnh tranh giữa những ông lớn trong ngành công nghệ thông tin như Alibaba hay Tencent sẽ ngày càng khốc liệt.

Những người theo dõi ngành công nghiệp này cho biết các dịch vụ sẽ không chỉ mang lại doanh thu hàng tỷ USD mà còn định hình cảnh quan công nghệ của Trung Quốc, vì các thành phố, ngành công nghiệp và tất cả các loại công nghệ trong tương lai sẽ phụ thuộc vào các dịch vụ đám mây này.

Có thể bạn quan tâm

  • Alibaba: Cuộc chơi vô đối tại Trung Quốc!

    Alibaba: Cuộc chơi vô đối tại Trung Quốc!

    11:10, 08/07/2019

  • [Longform] Đế chế Alibaba hậu Jack Ma

    [Longform] Đế chế Alibaba hậu Jack Ma

    07:20, 21/05/2019

  • Cuộc

    Cuộc "so găng" giữa Alibaba và Tencent

    04:30, 14/09/2018

  • Tencent tham vọng phổ biến WeChat Pay tại Mỹ

    Tencent tham vọng phổ biến WeChat Pay tại Mỹ

    00:55, 20/07/2018

"Điện toán đám mây là tương lai," Ethan Qi, một nhà phân tích của công ty tư vấn toàn cầu Counterpoint Research tại Bắc Kinh cho biết. Khi các doanh nghiệp ngày càng số hóa hoạt động của mình với sự trợ giúp của các nhà cung cấp đám mây, "Tôi tin rằng điện toán đám mây sẽ trở thành động lực chính thúc đẩy sự phát triển trong tương lai của Tencent và Alibaba", ông nói.

Nhìn chung, những người khổng lồ công nghệ này đã ghi nhận mức tăng trưởng thu nhập đáng kinh ngạc trong những năm gần đây. Tencent đã công bố lợi nhuận ròng 78,7 tỷ nhân dân tệ năm ngoái, tăng từ 23,8 tỷ nhân dân tệ năm 2014. Alibaba đã ghi nhận khoản lãi 87,6 tỷ nhân dân tệ cho tài khóa 2018, tăng từ 24,2 tỷ nhân dân tệ bốn năm trước đó.

Nói một cách dễ hiểu, điện toán đám mây như một loại cơ sở hạ tầng công cộng khác - đường cao tốc. Các dịch vụ dựa trên đám mây, sau đó, là các cửa hàng dọc đường. Những khách hàng đã ở trên đường cao tốc của Tencent sẽ có nhiều khả năng mua sắm tại các cửa hàng của họ hơn là đi đường vòng để sử dụng các dịch vụ của Alibaba.

Là một người đến sau, Tencent đã có được chỗ đứng bằng cách tập trung vào các lĩnh vực mà họ biết rõ. Chẳng hạn trong lĩnh vực trò chơi - lĩnh vực mà Tencent chiếm vị trí số 1 Trung Quốc, công ty của CEO Pony Ma đã thuyết phục được 75% các công ty sản xuất các trò chơi điện tử sử dụng dịch vụ đám mây của mình.

Bên cạnh đó, ứng dụng nhắn tin tức thời WeChat với 1,1 tỷ người dùng hoạt động, cũng đã tận dụng thế mạnh của mình trong mạng xã hội. Ít nhất 160.000 cửa hàng, nhà hàng và các doanh nghiệp khác sử dụng WeChat để tương tác với khách hàng của họ cũng đã sử dụng dịch vụ đám mây của Tencent.

Nhưng để có thể đánh bật AliCloud khỏi cuộc chơi Tencent biết rằng chẳng dễ dàng gì và họ phải làm tốt hơn thế.

Shanghai Anchnet Network Technology, nhà phát triển phần mềm dựa trên đám mây, là một công ty đã chuyển từ AliCloud sang Tencent Cloud. Việc sử dụng các dịch vụ của Tencent “đã mang lại khoản lợi nhuận 100 triệu nhân dân tệ cho hoạt động kinh doanh của chúng tôi", một giám đốc điều hành giấu tên của Anchnet cho biết.

Mặc dù công nghệ đám mây của Tencent không vượt trội so với Alibaba nhưng theo vị giám đốc điều hành này, "nhưng lợi nhuận mà chúng tôi nhận được là rất lớn". Vì vậy, Anchnet đã quay lưng lại với AliCloud, mang theo hơn 2.000 công ty đang sử dụng phần mềm của mình.

Vào tháng 5, Tencent đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh hệ sinh thái kỹ thuật số toàn cầu đầu tiên tại thành phố Côn Minh phía tây nam Trung Quốc. Ở đó, một kỹ sư vui vẻ chỉ cho du khách một loạt các khóa thông minh, màn hình độ ẩm trong nhà và các thiết bị kết nối internet khác. Tất cả được xây dựng trên nền tảng đám mây của Tencent, mà các nhà phát triển đã không trả một đồng nhân dân tệ nào.

"Chúng tôi muốn cung cấp giải pháp cho tất cả các nhà sản xuất thiết bị internet vạn vật", vị kỹ sư này giải thích. Theo ông, logic là bất cứ ai cũng có thể tận dụng nền tảng miễn phí của Tencent để phát triển phần mềm của riêng họ, nhưng các công ty thường yêu cầu nhiều tiện ích hơn. Khi ấy, đến lượt nó, sẽ cho Tencent cơ hội tính phí cho dịch vụ này.

Thêm vào đó, một khi một số lượng lớn các nhà sản xuất thiết bị sử dụng dịch vụ trên nền tảng này, các nhà phát triển phần mềm phục vụ ngành công nghiệp IoT sẽ làm theo và Tencent sẽ có thể thu được lợi nhuận từ mỗi lần bán phần mềm.

Jack Ma của Alibaba, trái, và Pony Ma của Tencent năm 2009: Hai ông trùm công nghệ có quan điểm rất khác nhau về điện toán đám mây hồi đó. © AP

Jack Ma và Pony Ma tại Hội nghị Thượng đỉnh về Công nghệ thông tin năm 2010: Hai ông trùm công nghệ có quan điểm rất khác nhau về điện toán đám mây hồi đó. (Ảnh: AP)

Để biến tất cả những điều đó thành có thể, kỹ sư này cho biết Tencent đang đầu tư nhanh chóng vào lĩnh vực R&D của mình, đồng thời mở rộng đội ngũ nhân sự khi thực hiện ít nhất 20 đến 30 tuyển dụng mới trong năm tháng đầu năm nay.

Nhưng bất chấp những nỗ lực của Tencent, một nhà phân tích công nghiệp khác cho biết Alibaba vẫn có vị trí tốt hơn để giành chiến thắng trước các nhà sản xuất thiết bị IoT Trung Quốc, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại. Kể từ khi ra mắt hoạt động kinh doanh trên nền tảng đám mây vào năm 2009, Alibaba đã xây dựng lực lượng lao động với hơn 10.000 người trong phân khúc này. Ngược lại, Tencent chỉ có khoảng 4.000 người.

An Chi