Tân Thủ tướng Anh: Ghét EU và thích chủ nghĩa bảo thủ hiện đại!
Vượt qua đối thủ là đương kim Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt, ông Boris Johnson đã chính thức trở thành tân Thủ tướng Anh.
Trước đó, trong cuộc bỏ phiếu vừa diễn ra, ông Boris Johnson giành được 66,4% phiếu bầu, tiếp theo là ông Jeremy Hunt với 33,6% số phiếu. Là cựu thị trưởng London và cựu ngoại trưởng Anh, ông Boris Johnson là gương mặt sáng giá nhất ngay từ thời điểm bà Theresa May tuyên bố sẽ từ chức sau khi không đạt được thoả thuận về việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit).
Phát biểu trước các thành viên đảng Bảo thủ, Tân Thủ tướng Boris Johnson cho biết ông sẽ đoàn kết nước Anh. "Giống như một số người khổng lồ đang ngủ gật, chúng ta sẽ trỗi dậy và loại bỏ những kẻ tự nghi ngờ và tiêu cực bằng một nền giáo dục tốt hơn, cơ sở hạ tầng tốt hơn, nhiều cảnh sát hơn, và băng thông rộng sẽ được hiện diện trong mỗi hộ gia đình. Chúng tôi sẽ đoàn kết đất nước và đưa Vương quốc Anh về phía trước", ông Boris nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng Anh từ chức: Kết cục của sự chia rẽ
07:16, 27/05/2019
Thủ tướng Anh và sức ép vô hình cận Brexit
12:15, 15/01/2019
EU tiếp tục gia hạn thời gian Brexit
07:10, 12/04/2019
Loạt "ông lớn" bất mãn vì Brexit
13:00, 08/04/2019
Ông Johnson khẳng định, ông sẽ đưa nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, vào ngày 31-10 theo kế hoạch đề ra và vượt qua lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn. Dự kiến, ông Johnson sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng thứ 77 của nước Anh vào ngày 24-7, sau khi bà May tới Điện Buckingham gặp Nữ hoàng Elizabeth II.
Thủ tướng không thích EU
Ông Alexander Boris de Pfeffel Johnson, sinh ngày 19/6/1964 là một chính trị gia, cựu Thị trưởng của London. Sau đó ông giữ chức Ngoại trưởng Anh nhưng đã từ chức vào tháng 7/2018 để phản đối cách tiếp cận của bà May với Brexit
Sau quãng thời gian học tập tại trường tư thục Eton College danh tiếng và sau đó là Đại học Oxford, ông Boris đã trở thành một nhà báo trước khi tham gia chính trường. Tuy nhiên, sự nghiệp báo chí của ông đã gây ra khá nhiều tranh cãi. Nhiều người tới bây giờ vẫn còn nhớ biệt danh của nhà báo bị gọi là "gã hề".
Sau một năm thực tập, ông đã bị tờ Times sa thải khi bị bắt gặp "chế" lời của chính cha đỡ đầu mình, một giáo sư tại Oxford về một sự kiện lịch sử. Nhưng ngay sau đó, ông nhanh chóng được tờ Daily Telegraph thuê và trở thành trưởng văn phòng đại diện tại Brussels của tờ báo vào năm 1989.
Mặc dù có cha là công chức làm việc cho các cơ quan châu Âu và thậm chí từng là nghị sĩ châu Âu (1979 - 1984) nhưng ông Boris lại không ưa sự hội nhập vào châu Âu. Những người biết ông trong giai đoạn ông làm đặc phái viên (1989 - 1994) đều chỉ nhớ ông là người giỏi tạo ra kiểu báo chí gọi là "Euromyths" mà giờ đây người ta quen gọi là "tin giả" về châu Âu.
Từ năm 1999 tới năm 2005, ông trở thành Tổng Biên tập tờ Spectator. Đồng thời, đây cũng là lúc sự nghiệp chính trường của ông trở nên phát triển khi cùng thời gian này, ông tham gia tranh cử nghị sĩ. Bắt đầu từ đây, chính những chiến thắng trong cuộc đua vào chức nghị sĩ tỉnh Henley, rồi cuộc đua vào ghế Thị trưởng London và giờ đây, dẫn đầu trong cuộc đua vào cương vị Thủ tướng Anh.
Và mặc cho những biến cố và cả bê bối trong nghề báo, chẳng ai có thể phủ nhận tài năng chính trị của ông. Tân Thủ tướng Boris Johnson đã chiếm được tình cảm của các chính trị gia khác và mọi tầng lớp người dân với phong cách sống động của mình. Tuy hài hước nhưng ông Johnson lại đứng đắn trong vấn đề quan trọng và không làm mất lòng mọi người khi kêu gọi họ theo chính sách của mình.
Thách thức đón chờ
Giới quan sát nhận định, ông Johnson sẽ phải đối mặt và giải quyết nhanh chóng cục diện "rối như tơ vò" mà cựu Thủ tướng Anh Theresa May để lại. Cụ thể, một số bộ trưởng đã nói rằng họ sẽ từ chức nếu ông Johnson trở thành Thủ tướng, bao gồm cả Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond. Tuy nhiên, điều này sẽ không làm khó vị Tân Thủ tướng khi ông Johnson có khả năng sẽ thay thế nhóm bộ trưởng hàng đầu hiện nay.
Ông Boris từng cho biết, nhiều năm chứng kiến sự sa sút, 3 năm mất phương hướng và do dự, không chỉ đem lại những hiểu biết về chính phủ mà còn cả một bức tranh rất rõ ràng về cách giải quyết và sự quyết tâm thực hiện vấn đề nóng nhất hiện nay - Brexit.
Ông Boris xác định ngày nước Anh rời khỏi EU là 31/10 dù có chuyện gì xảy ra chăng nữa. Với quan điểm bài trừ hội nhập vào EU, ông Boris tuyên bố không thỏa hiệp với Brussels và nước Anh sẽ chuẩn bị sẵn sàng nếu có một Brexit không thỏa thuận.
"Và đừng quên rằng về lý thuyết, chúng ta cũng sẽ có 39 tỉ bảng để giải quyết ổn thỏa bất kỳ vấn đề nào còn tồn đọng. Đó là một số tiền đáng kể", ông nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, khi Brexit hoàn tất, ông Boris cho biết, bản thân ông sẽ tìm cách đoàn kết đảng và đất nước với tầm nhìn về chủ nghĩa bảo thủ mang hơi hướng tự do, Đồng thời đoàn kết nước Anh bằng một chương trình chủ nghĩa bảo thủ hiện đại dựa trên ý tưởng một nền kinh tế thị trường tự do năng động là không thể thiếu được để đem lại các dịch vụ công tuyệt vời.
John Penrose, nghị sĩ đến từ Weston-super-Mare cho biết, Thủ tướng mới sẽ phải chữa lành vết thương chia cắt đảng Bảo thủ, chính quyền Anh và cả đất nước Anh. Những vết thương từ ba năm trước vẫn còn đó. Và giờ đây, nước Anh đang trông chờ vào sự lãnh đạo mới mẻ của ông Boris Johnson để vượt qua nó và lấy lại hào quang ngày nào của một cường quốc tại châu Âu.