Phát triển công nghệ robot làm tăng nỗi sợ tự động hóa
Việc chạy đua trong lĩnh vực phát triển công nghệ robot đang làm các quốc gia đối mặt với tình trạng công nhân phản đối tự động hóa.
Công nghệ robot đã phát triển nhanh hơn dự kiến. Trung Quốc đang đẩy mạnh đưa robot vào các nhà máy, với mục tiêu tăng tỷ lệ robot công nghiệp trên 10.000 công nhân từ 97 lên 150 vào năm 2020. Dự kiến, nước này sẽ có thêm 750.000 robot công nghiệp vào năm 2021, chiếm 45% tổng số trên toàn cầu.
Các kỹ sư Nga cũng đã phát triển nhiều loại robot tự động với những tính năng hiện đại có thể hỗ trợ con người trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là quân sự. Nga cũng đang phát triển các robot với sứ mệnh hỗ trợ cho các ca phẫu thuật phức tạp. Thậm chí những người phát triển còn cho rằng robot của Nga có thể vượt mặt các robot phẫu thuật Da Vinci do Mỹ sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Ngành Robot Trung Quốc: "Cậu ấm"...lớn mà không mạnh!
07:15, 25/07/2019
20 triệu việc làm vào tay robot vào năm 2030: Lợi hay hại?
04:44, 27/06/2019
Amazon – Đế chế robot trong tương lai
14:50, 16/06/2019
Robot không thể làm việc vì niềm tự hào!
07:03, 01/05/2019
Có thể thấy, tự động hóa không phải là một xu hướng mới trong sản xuất. Đồng thời, hiệu quả kinh tế của việc tăng 30% tốc độ lắp đặt robot sẽ góp phần tăng 5,3% GDP toàn cầu, tương đương với việc thêm 4,9 nghìn tỷ đô la mỗi năm cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030.
Tuy nhiên, việc các nước chạy đua trong lĩnh vực sản xuất robot đã làm cho chi phí sử dụng công nghệ này đang trở nên rẻ hơn so với việc thuê nhiều công nhân. Theo báo cáo của tổ chức như Oxford economics, robot sẽ sớm được thay thế tới 20 triệu việc làm tại các nhà máy trên toàn thế giới vào năm 2030. Điều đó có nghĩa là khoảng 8,5% lực lượng lao động sản xuất toàn cầu có thể bị thay thế bởi robot.
Trung bình, mỗi robot bổ sung được lắp đặt ở những khu vực có tay nghề thấp hơn có thể dẫn đến mất việc làm gần gấp đôi so với ở các khu vực có tay nghề cao hơn tại cùng một quốc gia, làm gia tăng sự bất bình đẳng kinh tế và phân cực chính trị.
Cùng với đó, những tác động tiêu cực của robot hóa ở các khu vực thu nhập thấp so với các khu vực thu nhập cao hơn trong cùng một quốc gia là không giống nhau. Ví dụ, việc làm đã không biến mất đều trên nền kinh tế Mỹ.
Khu vực bắc Mỹ, nơi sở hữu tốc độ phát triển lớn đang chiếm số lượng robot nhiều hơn so với khu vực phía tây; nhưng đồng thời đây cũng là khu vực phải đối mặt với tỷ lệ tội phạm và các vụ tự tử đang gia tăng, tỷ lệ kết hôn đang chững lại khi người dân không có việc làm.
Nhìn chung, sự phát triển nhanh chóng của robot đang đem đến một cái nhìn ảm đạm khi con người lo sợ việc làm sẽ dần mất đi. Tuy nhiên, thái độ và hành động của con người đối với công nghệ có thể đóng một vai trò quan trọng trong cách nó tác động đến cuộc sống của chúng ta. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, thay vì sợ hãi, hãy là một người chơi chủ động hơn để không bị bỏ lại phía sau.
Chuyên gia Carl Benedikt Frey của Oxford Economics cho rằng, các chính phủ phải thực hiện các chính sách để giải quyết các hậu quả và tránh phản ứng dữ dội từ phía người dân. Điều này bao gồm các biện pháp cụ thể để giúp những người dễ bị tổn thương, cũng như thúc đẩy thái độ cởi mở hơn là sợ hãi.
Cụ thể, các công ty có thể cung cấp một số hình thức bảo hiểm tiền lương cho người lao động bị thay thế bởi robot, và chính phủ có thể có những những chính sách làm giảm bất bình đẳng thông qua tín dụng thuế thu nhập. Các thành phố có thể điều chỉnh luật quy hoạch của họ để hỗ trợ nhà ở cho những người lao động ở những khu vực có việc làm mới.
Đồng thời, ông Frey chỉ ra, lịch sử đã chứng minh, công nghệ luôn tạo ra nhiều việc làm hơn là phá hủy. Đặc biệt, nhóm các công việc đòi hỏi trí thông minh xã hội và sáng tạo được coi là ít có khả năng tự động nhất khi không có robot nào sẽ sớm đánh cắp công việc của họ
"Do đó, cần đảm bảo rằng người lao động có các kỹ năng cần thiết để chuyển sang công việc mới. Các trường học và trường đại học sẽ cần phải thay đổi chương trình giảng dạy của họ theo cách chuẩn bị cho sinh viên những kiến thức và khả năng thích ứng để làm việc trong một thế giới tự động hóa", chuyên gia này cho biết.