Mỹ mạnh tay chi 16 tỷ USD vì Trung Quốc "nuốt lời"

Cẩm Anh 28/07/2019 07:15

Cuối tháng 8, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ bắt đầu hỗ trợ khoản tiền 14,5 tỷ USD cho các nông dân chịu thiệt hại trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Mỹ sẽ chi thêm 16 tỷ USD bồi thường cho các nông dân vì thương chiến

Mỹ sẽ chi thêm 16 tỷ USD bồi thường cho các nông dân vì thương chiến

Theo đó, đây là đợt viện trợ thứ hai giữa bối cảnh các cuộc đàm phán với Bắc Kinh tiếp tục lâm vào bế tắc. Các nông dân đã nhận được viện trợ 10 tỉ USD trong năm ngoái khi mâu thuẫn thương mại kéo dài hơn dự tính.

Theo CNN, chính quyền Mỹ cũng sẽ mua các sản phẩm dư thừa do ảnh hưởng bởi thương chiến và phân phối các loại thực phẩm này tới các ngân hàng lương thực, trường học và chi trả cho các tổ chức hỗ trợ giao dịch nông sản. Tổng cộng, giá trị của gói hỗ trợ thứ 2 này - bao gồm khoản 14,5 tỉ USD kể trên - trị giá 16 tỉ USD.

Có thể bạn quan tâm

  • Kịch bản nào cho đàm phán thương mại Mỹ - Nhật sắp tới?

    07:00, 26/07/2019

  • Nội bộ Mỹ thống nhất thỏa thuận tăng mức trần nợ công

    15:40, 23/07/2019

  • Xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam tăng cao nhất trong khu vực Châu Á

    11:07, 18/07/2019

  • Pháp ép Google, Mỹ có gì để trả đũa?

    06:48, 15/07/2019

Nông dân ở phía nam dự kiến sẽ được hưởng tỷ lệ bồi thường cao hơn vùng Midwest. Trong gói hỗ trợ mới này, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết sẽ bồi thường cho nông dân theo vị trí địa lý, chứ không theo mặt hàng như gói hỗ trợ năm ngoái. Theo phân tích tỷ lệ chi trả của hãng tin Reuters, nông dân ở các bang trồng bông ở châu thổ sông Mississippi sẽ là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình này. 

Chương trình cũng sẽ chi trả cho các nông dân trồng đậu tương, ngô, lúa mỳ, lúa miến và bông; sản xuất thịt lợn và sữa, cũng như các trang trại trồng 10 loại cây trồng đặc sản, trong đó có hạnh nhân, hồ trăn, óc chó, mạn việt quất và anh đào. Số tiền mỗi hộ nhận được sẽ phụ thuộc vào diện tích mà chủ hộ đã trồng và tỉ lệ sẽ tùy thuộc vào từng địa phương. Mức giá thấp nhất được trả sẽ là 15 USD/1 héc-ta.

Trong thời gian qua, nông dân Mỹ là những nạn nhân chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi đòn trả đũa thuế quan của Trung Quốc đối với các sản phẩm như đậu nành, ngô và lúa mì. Thuế quan đã khiến mặt hàng nông sản của Mỹ đắt vượt mức có thể chi trả đối với các nhà nhập khẩu Trung Quốc. Gần như toàn bộ nhà nhập khẩu đã ngừng mua đậu nành Mỹ và khiến lượng hàng tồn kho ở Mỹ vượt mức kỉ lục vào cuối năm 2018 vừa qua.

Cùng với đó, kể từ những năm 1980, nông dân Mỹ cũng phải đối mặt với thời tiết, dịch cúm châu Phi... Điều này là chưa từng có tiền lệ với nông dân Mỹ, đồng thời dẫn tới việc thu nhập ròng giảm tới một nửa kể từ năm 2013, và rất có thể sẽ mang đến khoảng nợ lên tới khoảng 427 tỷ USD trong năm 2019.

Mặc dù các giao dịch thương mại với Trung Quốc đã được phục hồi sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Bắc Kinh đã đồng ý mua lại các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa mua bất kì nông sản nào.

Mặt khác, nhà kinh tế trưởng của USDA Rob Johansson cho biết, kinh nghiệm từ gói cứu trợ đợt 1 của Mỹ cho thấy, việc bồi thường cho các nông dân Mỹ đang đặt ra nhiều câu hỏi về tính minh bạch và công bằng khi phân tích ban đầu từ EWG về hỗ trợ đầu tiên, chi trả cho tới ngày 31/10/2018, cho thấy các đợt giải ngân lớn được chuyển về những trang trại có diện tích lớn, đủ để thu về khoản trợ giá hàng chục triệu USD trong giai đoạn 1995 – 2017. 

“Các khoản giải ngân lớn nhất lại rơi vào những nông dân giàu nhất. Điều này không bất ngờ bởi phương thức chi trả dựa trên diện tích sản xuất. Do đó, những trang trại lớn nhất sẽ nhận phần lớn nhất, dẫn đến việc những nông dân vừa và nhỏ cần được giúp đỡ nhất lại chỉ nhận được phần nhỏ nhất", ông Rob đánh giá.

Cơ quan Nông nghiệp bang Lllinois cho rằng hỗ trợ tài chính từ chính phủ như vậy không phải là một giải pháp dài hạn. Các tổ chức nông nghiệp vẫn tiếp tục hối thúc chính quyền Trump chấm dứt các cuộc chiến thương mại và đạt được thỏa thuận với các thị trường xuất khẩu hàng đầu khác; đồng thời mang đến cơ hội cho các quốc gia tăng mua hàng hóa từ Mỹ, giảm thâm hụt thương mại.

Cẩm Anh