Thấy gì khi Trung Quốc phá giá tiền tệ? (Bài 2)
Để ý xem, đôi lúc chúng ta rất thiếu thông tin về các cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu. Liệu có một bí mật khủng khiếp nào đang che dấu?
Theo như dự báo, khoảng từ 2018 - 2020 kinh tế thế giới sẽ rơi vào khủng hoảng, nhưng hiện tại chưa thấy gì. Có vẻ như dự báo về khủng hoảng kinh tế thế giới theo chu kỳ 10 năm lần này không đúng? Phải chăng, có ai đó đã tác động và vô tình “phá vỡ” chu kỳ này?
Đầu những năm 80, kinh tế Đông Nam Á tăng trưởng nhanh chóng, đánh dấu bằng sự trỗi dậy của Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Singapore, đến đầu những năm 90 tạo ra sức ép tăng giá đồng nội tệ. Các ngân hàng Trung ương ở khu vực đã thực hiện chính sách “tiền tệ nới lỏng”.
Hệ quả đầu tiên là nguồn cung tiền tăng lên gây ra lạm phát. Thái Lan cố gắng neo đồng Baht vào USD vừa cho phép tự do lưu chuyển vốn tạo “cơ hội” cho những nhà đầu cơ rút vốn ồ ạt khỏi châu Á. Thế là khủng hoảng vào năm 1997.
Lần này, đồng Nhân dân tệ (CNY) phá giá (không phải tự nhiên) tạo ra lo lắng thật sự với các nền kinh tế và đồng tiền phụ thuộc.
Có câu phát biểu rất quen tai, rằng: “Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn vì chính trị ổn định” điều này chỉ là một phần đúng trong rất nhiều phần quyết định để nhà đầu tư xuống tiền.
Vì, lạm phát thấp và ổn định cộng với tỷ giá hối đoái vững vàng mới là hai yếu tố quan trọng với nhà đầu tư. Vì bản chất của các khoản đầu tư xét ở góc độ tài chính tiền tệ đó là sự giao thoa, quy đổi giữa các đồng tiền để sinh lãi.
Không ai dám quy đổi đồng tiền chuẩn (USD, EUR…) thành đồng nội tệ khi đồng tiền ấy thiếu ổn định và nguy cơ lạm phát rình rập có thể biến tất cả thành con số 0!
Lý thuyết tiền tệ và tài chính luôn luôn nói đến khả năng có lợi khi phá giá đồng tiền, nhưng thực tế hiếm khi thấy quốc gia nào liên tục phá giá tiền mà kinh tế sáng sủa.
Đó là trường hợp của đồng Rup hồi năm 2015 rớt giá kéo theo kinh tế Nga rơi vào ảm đạm, đồng Real của Brazil sụt 60% giá khiến nước này rơi vào bạo loạn chính trị, đồng Bolivar của Venezuela mất giá không giới hạn kéo theo thảm kịch đói kém ở đất nước từng rất giàu có…
Nói vậy để thấy rằng, nền kinh tế Việt Nam xưa nay “gắn bó” chặt chẽ với nền kinh tế Trung Quốc, về cả đặc điểm, ngoại thương, đầu tư, các khoản vay…một khi đồng CNY “cảm cúm”, đồng VND lập tức “sổ mũi”.
Cái lợi của Trung Quốc khi hạ giá CNY lập tức phát sinh cái hại đẩy sang Việt Nam, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ tăng giá. Cụ thể như sau:
Trung Quốc sẽ đổi một lượng CNY tương ứng sang VDN để mua hàng Việt Nam, điều này làm “tăng nhu cầu” VND một vài thời điểm, lúc này dưới tác động vô hình của quy luật “cung - cầu” đồng CNY sẽ rẻ hơn VND một chút. Tuy nhiên, nếu đồng VND càng cao so với CNY thì giá bán hàng hóa sẽ tăng theo.
Đây là bài toán rất khó giải quyết: Làm sao để cạnh tranh với hàng Trung Quốc - hoặc hàng của các đối thủ cùng nhập vào thị trường này? Doanh nghiệp Việt Nam có chấp nhận cắt giảm lợi nhuận - thậm chí lỗ?
Chỉ còn một cách là Ngân hàng nhà nước cũng điều chỉnh tỉ giá hối đoái đồng VND/CNY để tương ứng với sức mua tại thị trường Trung Quốc. Lúc đó sẽ cứu được xuất khẩu, song tác động trong nước và trong buôn bán với Mỹ, Eu sẽ giải quyết như thế nào? Làm sao để tránh bị Mỹ liệt vào nhóm “thao túng tiền tệ”?
Năm 2015, Việt Nam ít nhất 2 lần điều chỉnh tỉ giá hối đoái, có nguồn tin khả tín cho hay thời điểm đó VND mất giá 1,5% so với USD. Sau đó số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết: “Kim ngạch thương mại trong 4 tháng đầu năm 2015 của Việt Nam tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 2010, ước tính xuất khẩu đạt 50,1 tỷ USD, nhập khẩu đạt 53,1 tỷ USD. Như vậy, nhập siêu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm lên tới 3 tỷ USD”.
Có thể bạn quan tâm
Thật ra, việc biến động tỉ giá hối đoái (đôi khi) không phụ thuộc hoàn toàn vào “mức độ tài tình” của các ngân hàng Trung ương, nếu có - điều đó chỉ xuất hiện khi thị trường tài chính đó là phần khu biệt với phần còn lại với thế giới.
Nói một cách lý thuyết, tỉ giá đồng tiền biến động, khủng hoảng tài chính, kinh tế trong thời đại này là cái “họa vô đơn chí”, nhiều khi “trung tâm chứng chịu” lại ở rất xa nơi phát sinh vấn đề.
Nói dễ hiểu hơn đó là mặt trái của hội nhập, toàn cầu hóa, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 Việt Nam không mấy ảnh hưởng vì lúc đó tính chất và cường độ hội nhập không sâu sắc như bây giờ. Vậy rút cuộc nguyên nhân do đâu?
Trong cuốn “Chiến tranh tiền tệ” tác giả Song Hong Bing đặt câu hỏi: Những cuộc khủng hoảng đó (khủng hoảng tài chính -pv) là do tình cờ của lịch sử hay là do một bàn tay nào đang “đạo diễn” từ sau bức màn sân khấu? Và nếu có như vậy thì bàn tay ấy là của ai?
Câu trả lời là: “Các ông chủ ngân hàng - tài chính quốc tế tạo thành một siêu nhóm lợi ích riêng biệt. Họ không thuộc về một quốc gia nào, một chính phủ nào. Ngược lại, họ tìm cách kiểm soát và lèo lái quốc gia và chính quyền”.
Còn đây là ví dụ mà tác giả dẫn ra: “Suốt một thời gian dài, họ đã lợi dụng sức mạnh của đồng đôla và sức mạnh của nước Mỹ. Nhưng khi thấy đã sẵn sàng, họ bèn nắm lấy chính đồng đôla với dã tâm tạo ra một cuộc khủng hoảng có qui mô tương đương với cuộc khủng hoảng năm 1929 hòng chiếm đoạt nhiều quyền lực hơn nữa trên thế giới...”.
Lâu nay, có rất nhiều đồn đoán về vài gia tộc giàu có nhất hành tinh đang nắm quyền kiểm soát nguồn tài chính thế giới, điều này tuy được hé lộ một phần trong cuốn sách gây chấn động của Song Hong Bing, nhưng thực tế không dễ kiểm chứng.
Có điều, những cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế đều được giải thích đại khái, kể cả từ điển mở Wikipedia cũng không viết dài hơn một biến cố lịch sử nào đó - dù có quy mô nhỏ hơn rất nhiều.