Dầu thô: Vũ khí mới của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh thương mại?
Vừa qua, Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu dầu thô Iran với số lượng lớn. Động thái này được cho là đòn đáp trả tiếp theo của chính quyền Trung Quốc nhằm vào Mỹ.
Theo số kiệu thống kê, khoảng 4,4 tới 11 triệu thùng dầu thô Iran đã được chuyển tới Trung Quốc trong tháng 7, tương đương 142.000 tới 360.000 thùng một ngày. Ước tính, 50-70% lượng dầu xuất khẩu của Iran đổ sang Trung Quốc và chuyển tới kho dự trữ dầu chiến lược của đất nước này.
Cùng với đó, các chuyên gia năng lượng cảnh báo, trong những tuần tới, Trung Quốc có thể sẽ cắt giảm mạnh lượng dầu thô nhập khẩu từ Mỹ sau khi căng thẳng chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới tiếp tục có dấu hiệu leo thang trong thời gian vừa qua.
Có thể bạn quan tâm
“Vòng xoáy” nông sản từ cuộc chiến Mỹ- Trung
05:11, 10/08/2019
Mỹ đánh thuế 4,4 tỷ USD với tủ nhập khẩu từ Trung Quốc
14:03, 09/08/2019
Mỹ chính thức cấm các hợp đồng của chính phủ đối với Huawei, ZTE
06:45, 09/08/2019
Có thể nói, đây là thông điệp mạnh mẽ của Iran và Trung Quốc dành cho Washington. Việc Iran thúc giục Trung Quốc và nhiều nước khác mua thêm dầu cho thấy các lệnh trừng phạt của Mỹ không thể làm kinh tế Iran sụp đổ. Đối với Trung Quốc, dầu thô có thể là vũ khí mới để đất nước này đối phó với Mỹ.
Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và là điểm tới của hầu hết các tàu dầu Mỹ. Nhiều nhà nhập khẩu dầu Trung Quốc đã tăng cường mua dầu thô của Mỹ trong thời gian gần đây. Theo số liệu từ Cơ quan Quản lí năng lượng Mỹ (EIA), lượng nhập khẩu dầu thô Mỹ đã đạt mức cao nhất trong 9 tháng trở lại đây, với 247.000 thùng mỗi ngày vào tháng 5/2019.
Tuy nhiên, lượng nhập khẩu dầu thô Mỹ tại Trung Quốc đã sụt giảm gần như ngay lập tức sau khi các cuộc đàm phán đi vào bế tắc. Lượng dầu thô được giao dịch nhanh chóng sụt giảm, đặc biệt là đầu năm 2019 khi tình hình ngày càng xấu đi.
Đồng thời, các doanh nghiệp và các nhà máy lọc dầu Trung Quốc vẫn lảng tránh dầu thô Mỹ và họ không muốn ký các thỏa thuận cung cấp dài hạn với các nhà sản xuất Mỹ, một phần vì dầu thô hiện nay không là một mặt hàng kinh doanh thiết yếu giữa hai quốc gia.
Theo giới quan sát, Trung Quốc có thể lợi dụng đòn trừng phạt của Mỹ đối với lĩnh vực dầu mỏ của Iran để mặc cả trong cuộc đàm phán thương mại. Quan hệ thương mại Mỹ-Trung đang rơi vào vòng xoáy nguy hiểm, tương tự với Mỹ và Iran.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Mỹ không thể cùng lúc trừng phạt kinh tế cả hai đối thủ của mình. Do vậy, để ngăn chặn động thái này của Trung Quốc, Mỹ có khả năng xóa bỏmột phần thuế quan để tập trung cô lập Iran.
Mặc dù vậy, ông Matthew Smith, giám đốc nghiên cứu về hàng hóa tại ClipperData, cho biết, Mỹ không phải nước có trữ lượng dầu lớn trên thế giới. Do đó, đây không phải mặt hàng sẽ tác động quá nhiều đến nền kinh tế Mỹ.
Mặt khác, Mỹ hoàn toàn có thể "ăn miếng trả miếng", sẵn sàng nhằm vào các công ty dầu khí lớn của Trung Quốc khi phối hợp với một số nước như Saudi Arabia khống chế giá dầu mỏ mức cao hợp lý. Như vậy, các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ sẽ không còn phải lo giá bán thấp hơn giá thành.
"Mỹ đang trở thành nước xuất khẩu năng lượng. Giá dầu cao sẽ có lợi cho sự phát triển ngành dầu mỏ cũng như lợi ích quốc gia của Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc đang dần lệ thuộc vào việc nhập khẩu dầu thô. Do vậy, đây sẽ là con dao hai lưỡi nếu chính quyền Trung Quốc sử dụng để đối phó với Mỹ", ông Matthew nhận định.