Điều đáng sợ khi Mỹ rút khỏi WTO!
Hàng hóa bị đánh thuế vô tội vạ, xung đột thương mại tràn lan...đó là viễn cảnh khi Mỹ không còn là thành viên của WTO.
Theo đó, ông Trump lặp lại lý lẽ rằng Mỹ nhiều năm qua bị thua thiệt, đồng thời thể hiện quyết tâm không để tình trạng này tái diễn. "Chúng ta sẽ rút nếu buộc phải làm vậy", Tổng thống Trump nói với đám đông công nhân ủng hộ ông tại một nhà máy hóa chất ở bang Pennsylvania.
Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Mỹ đe dọa sẽ rút khỏi tổ chức này. Ông cho rằng Mỹ bị đối xử bất công và Washington không phải tuân theo các quy định của WTO. Thậm chí, trong thời gian còn là ứng cử viên Tổng thống, ông Trump cũng đã từng lên tiếng chỉ trích WTO là “thảm họa”.
Có thể bạn quan tâm
Nông dân Mỹ: "Tổng thống Trump đang hủy hoại thị trường nông sản"
06:00, 13/08/2019
WTO sẽ giải quyết "cấm vận" giữa Nhật Bản và Hàn Quốc như thế nào?
06:00, 16/07/2019
Sức ép cải tổ WTO
11:01, 07/04/2019
Mỹ bỏ qua WTO để đối đầu Trung Quốc
04:30, 22/07/2018
Ông Trump còn than phiền rằng WTO thường đưa ra quyết định bất lợi cho Mỹ, đặc biệt trong vấn đề liên quan đến chính sách chống bán phá giá của nước này. Đồng thời, bên cạnh kêu gọi WTO cải tổ nguyên tắc cũng như các quy định, Washington cũng nhiều lần làm giới hạn hoạt động của tổ chức này khi ngăn chặn việc bổ nhiệm thành viên mới cho bộ phận phúc thẩm của Cơ quan giải quyết tranh chấp, đơn vị làm trọng tài trong các vụ kiện về thương mại tại WTO.
Theo giới quan sát, với tư cách nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ đóng vai trò then chốt đối với sự tồn tại của WTO và việc nước này rút khỏi tổ chức sẽ tạo ra những hệ lụy rất lớn, có thể dẫn đến khủng hoảng pháp lý kinh doanh toàn cầu.
Mỹ chiếm khoảng 11% thương mại toàn cầu. Vì vậy, việc rời khỏi tổ chức sẽ là một đòn giáng mạnh vào WTO. Cụ thể, động thái này sẽ khiến các doanh nghiệp Mỹ dễ bị phân biệt đối xử thương mại. Đây là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra đối với một nền kinh tế có mối liên hệ toàn cầu.
Gary Clyde Hufbauer, cựu quan chức thương mại Mỹ hiện là chuyên gia nghiên cứu tại Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế cho rằng, chỉ riêng việc đe dọa như vậy cũng đủ sức tạo nên một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nếu cắt bỏ các ràng buộc với WTO, Mỹ có thể nâng thuế "vô tội vạ" và buộc những quốc gia khác phải có những biện pháp phản ứng lại.
Cụ thể, các nước thành viên WTO khác có thể tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ, áp đặt những yêu cầu phiền toái, khiến các doanh nghiệp sẽ khó cạnh tranh trên thị trường. Ngược lại, Mỹ cũng sẽ không còn khả năng xử lý các hành vi thương mại bất bình đẳng dựa trên hệ thống xử lý tranh chấp của WTO và sẽ bị cô lập trong nền kinh tế thế giới.
Điều này chắc chắn sẽ làm tăng giá và giảm sự lựa chọn với người tiêu dùng Mỹ, làm giảm khả năng cạnh tranh và lợi nhuận của các doanh nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu, dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm. Sự sụp đổ của WTO cũng sẽ làm tăng tỷ lệ xung đột bạo lực giữa các quốc gia.
Mặt khác, nhiều ý kiến nhận định, đây là bước đi tiếp theo của Tổng thống Mỹ để tranh thủ sự ủng hộ và hành động của WTO trong việc gây áp lực lên Trung Quốc sau khi nước này gia hạn thêm thời gian áp thuế. Song cho đến nay, phản ứng của tổ chức thương mại này chỉ dừng ở mức kêu gọi các bên ngừng các hành động trả đũa.
Điều này cũng khá phù hợp khi một số thành viên khác tại WTO đã chia sẻ những lo ngại của Washington về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Trong số đó, những thiếu sót trong các quy tắc giao dịch toàn cầu liên quan đến trợ cấp công nghiệp, trộm cắp tài sản trí tuệ và các hạn chế tiếp cận thị trường cũng được nhiều quốc gia kiến nghị nhiều lên WTO.
Tuy nhiên, việc Mỹ rời khỏi WTO không phải là điều dễ dàng bởi quyết định này phải được Quốc hội Mỹ thông qua. Tổng thống Mỹ khó có thể thuyết phục các nghị sĩ chấp nhận điều này do những lợi ích mà WTO mang lại và hầu như Washington đều thắng kiện trong các vụ kiện được trình lên WTO!