Từ "tín hiệu" ở Singapore tới nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu
Các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại của châu Á hiện đang phải đối mặt với thời kỳ ảm đạm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 1998.
Bóng ma suy thoái đang bao trùm lên nền kinh tế toàn thế giới. Những biến động của thị trường trái phiếu trong tuần qua thể hiện sự ảnh hưởng của Mỹ đối với ngành sản xuất toàn cầu đã bị thu hẹp.
Tại châu Á, biến động của thị trường chứng khoán Singapore ngày 13/8 cho thấy các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại ở đây hiện đang phải đối mặt với thời kỳ ảm đạm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 1998 - thời điểm mà các chính phủ phải vận lộn và căng mình để đối phó.
Sự tăng trưởng của nền kinh tế Singapore đã đi ngang trong quý II, khiến quốc đảo này cắt giảm tăng trưởng dự báo xuống từ 0 đến 1% trong năm nay, giảm từ 1,5% đến 2,5% trước đó. Vào tháng 7, Phó Thủ tướng Singapore - ông Heng Swee Keat (Vương Thụy Kiệt) cho biết mặc dù quốc đảo sư tử đang phải đối mặt với sự tuột dốc tốc độ tăng trưởng, nhưng chưa có dấu hiệu gì đáng kể khiến họ phải lo lắng về một cuộc đại suy thoái.
Có thể bạn quan tâm
Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu?
04:07, 18/08/2019
Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu
07:00, 08/06/2019
Thế nhưng liệu Singapore có quá lạc quan khi những tín hiệu toàn cầu cho thấy tốc độ tăng trưởng của những ông lớn như Đức hay Trung Quốc đều đang chậm lại ở mức thấp nhất trong gần hai thập kỷ qua. Và dù muốn hay không, thì Singapore cũng không thể đứng ngoài vòng xoáy suy thoái đó.
Vấn đề mấu chốt ở chỗ, nền kinh tế của Singapore phụ thuộc hoàn toàn vào thương mại, và khi các nền kinh tế lớn trong khu vực cũng như trên thế giới bị ảnh hưởng, thì thường những dấu hiệu cảnh báo đầu tiên sẽ xuất hiện tại quốc đảo này.
Và những tín hiệu từ nền kinh tế Singapore đang được xem là tín hiệu cảnh báo sớm cho nền kinh tế thế giới. Theo giới quan sát, sau những tín hiệu từ Singapore thì triển vọng tăng trưởng sẽ xấu đi một cách nhanh chóng ở những nơi khác trong khu vực, kết hợp bởi ba yếu tố có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Đầu tiên và rõ ràng nhất là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Sau sự sụp đổ của vòng đàm phán gần đây nhất, khả năng hai bên đạt được một thỏa thuận mang tính chất đột phá trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 dường như là không thể.
Vào ngày 13/8, Tổng thống Donald Trump đã tạm thời trì hoãn việc áp đặt một phần trong đợt tăng thuế mới nhất của ông đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Nhưng rõ ràng, chiến lược đàm phán qua lại thất thường của ông chỉ đơn thuần là làm nghiêm trọng thêm, khoét sâu hơn vào niềm tin vốn đã yếu ớt và khiến các nhà sản xuất cắt giảm đơn hàng và trì hoãn các khoản đầu tư mới.
Trước đó vào đầu tháng 8, nhà kinh tế Chetan Ayah của Morgan Stanley đã cho rằng bất kỳ sự leo thang chiến tranh thương mại nào nữa sẽ thúc đẩy "suy thoái" toàn cầu trong nửa đầu năm 2020, mà theo số liệu của Morgan Stanley thì tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã giảm xuống dưới 2,5%, từ mức hiện tại là khoảng 3%.
Thậm chí ngay cả khi các nhà lãnh đạo có thể điều hướng để tránh được việc này, thì về lâu dài cũng khó mà tránh được giai đoạn xung đột thương mại đang diễn ra, và chắc chắn điều này sẽ tạo ra người chiến thắng cũng như kẻ thua cuộc, đặc biệt là ở khu vực châu Á.
Yếu tố thứ hai được xét đến, trong khi nhiều nhà phân tích đổ lỗi cho triển vọng toàn cầu xấu đi này thuộc về Tổng thống Trump, thì các yếu tố cấu trúc sâu hơn cũng đang diễn biến theo chiều hướng tiêu cực.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc đang chững lại, đặc biệt chạm mức thấp nhất trong gần ba thập kỷ vào tháng Bảy vừa qua. Hầu hết các nhà phân tích đều dự kiến tốc độ tăng trưởng này sẽ tiếp tục giảm trong năm tới.
Tăng trưởng của các nền kinh tế lớn khác trong khu vực trông cũng không khả dĩ hơn. Thế nhưng những cảnh báo từ việc cắt giảm triển vọng tăng trưởng của Singapore sẽ được cảm nhận sâu sắc nhất ở các quốc gia phụ thuộc vào thương mại như Malaysia, Thái Lan và Hàn Quốc - là tất cả các quốc gia sẽ bị ảnh hưởng khi hàng nhập khẩu của Trung Quốc tiếp tục cạn kiệt trong các lĩnh vực như điện tử và hàng công nghiệp.
Tất cả những điều này sẽ dẫn đến một vấn đề thứ ba, cụ thể là rủi ro "địa chính trị" sẽ gia tăng, từ khả năng can thiệp quân sự của Trung Quốc vào Hồng Kông đến xung đột tiềm tàng giữa Ấn Độ và Pakistan về Kashmir hay tranh chấp thương mại đang diễn ra giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.
Phải chăng châu Á không còn là một châu lục hấp dẫn - chủ nhân của thế kỷ 21, mà trái lại đang tràn ngập những nguy cơ khiến các nhà đầu tư sợ hãi.
Mặc dù những yếu tố này không đồng nghĩa với việc các nền kinh tế trên khắp châu Á đều sẽ đi theo vết xe mang tên suy thoái, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng thấp là một kết quả khó mà tránh được.
Chẳng hạn như ở Thái Lan. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã cắt giảm triển vọng cho nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này xuống còn 3,5% vào tháng Bảy vừa qua. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng trung ương Thái Lan đã cắt giảm lãi suất mạnh hơn so với các nhà đầu tư dự kiến vào đầu tháng 8.
Thông thường, chính sách tài chính tiền tệ có thể sẽ có nhiều tác động nhằm chống lại sự suy thoái toàn cầu kéo dài, tuy nhiên, nhiền ngân hàng có xu hướng tung ra các biện pháp kích thích tiền tệ khác thường hơn.
Kích thích tài khóa cũng là một lựa chọn trong bối cảnh cần thiết. Trước đó, Chính phủ của ông Lý Hiển Long cho biết họ đã sẵn sàng để tung ra các gói kích thích tài khóa, như họ đã làm khi nền kinh tế Singapore rơi vào vòng xoáy suy thoái năm 2009.
Nhưng vấn đề thực sự là hầu như các nền kinh tế Đông Nam Á nói chung và Singapore nói riêng sẽ không có sự giúp đỡ từ bên ngoài khi mà Fed có rất ít khả năng để cắt giảm lãi suất, trong khi khả năng này tại Ngân hàng Trung ương châu Âu hầu như không có.
Khi các đám mây kinh tế toàn cầu tối dần, các nhà xuất khẩu ở những nơi khác ở châu Á sẽ phải tự mình đối phó với những ảnh hưởng của sự sụt giảm sản xuất mới nhất này. Họ nên chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.