Dấu hiệu suy thoái kinh tế dần hiện rõ
Theo các chuyên gia, nhiều dấu hiệu của một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu vào năm 2020 đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Các thị trường toàn cầu tuần trước đã chứng kiến sự bán tháo đáng kể cổ phiếu. Trong khi đó thị trường trái phiếu khiến các nhà đầu tư lo lắng khi lần đầu tiên kể từ năm 2007, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm xuống dưới lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm.
Đường cong lợi suất đảo ngược thường là chỉ báo cho một cuộc suy thoái. Việc này đã khiến chứng khoán Mỹ có phiên giao dịch tệ nhất năm. Bên cạnh đó, nhiều dữ liệu cho thấy một loạt các nền kinh tế lớn khác có dấu hiệu suy thoái như Anh, Đức, Ý... đã làm dấy lên lo ngại kinh tế toàn cầu sắp bước vào cuộc khủng hoảng mới vào năm 2020.
Có thể bạn quan tâm
Từ "tín hiệu" ở Singapore tới nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu
11:03, 19/08/2019
Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu?
04:07, 18/08/2019
Dự báo kinh tế toàn cầu (Kỳ I): Khả năng suy thoái toàn cầu vào năm 2020
11:12, 06/07/2019
Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu
07:00, 08/06/2019
Ngoài ra, Singapore và Hong Kong, 2 nền kinh tế nhỏ đóng vai trò là trung tâm quan trọng cho tài chính và thương mại đang chịu những ảnh hưởng tiêu cực.
Một rủi ro lớn khác là các ngân hàng trung ương không hành động, gây ra phản ứng tiêu cực trong thị trường tài chính nuôi sống nền kinh tế thực. FED đã cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm và Ngân hàng Trung ương châu Âu đã ám chỉ rằng họ sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Áp lực cắt giảm lãi suất đang tiếp tục gia tăng với các ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới.
Theo Tara Sinclair, một nhà kinh tế học tại Đại học George, Washington nhận định, sự suy giảm niềm tin kinh doanh, có thể sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng. Sự nhiễu loạn của thị trường toàn cầu cùng với các báo cáo tin tức kèm theo khiến người tiêu dùng hạn chế việc mua hàng.
Cùng với đó, việc chi tiêu đầu tư của các doanh nghiệp đang giảm dần do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung diễn biến theo chiều hướng khó đoán định. Điều này cũng có thể dẫn đến các động thái làm giảm thu nhập của người tiêu dùng, bao gồm cắt giảm việc làm và thời gian làm thêm.
Chiến lược của Mỹ đã thành công trong việc leo thang căng thẳng thương mại hơn là giải quyết những vấn đề bất đồng, vì vậy các công ty không biết liệu thuế quan sẽ sớm được xóa bỏ hay sẽ là chi phí kinh doanh sẽ tiếp tục leo thang.
"Suy thoái kinh tế không chỉ xuất phát từ một dấu hiệu xấu trong nền kinh tế. Những điều tồi tệ luôn xảy ra tại nhiều thời điểm. Nhưng sự suy thoái xảy ra khi những cú sốc ban đầu được nhân rộng lên mà không có sự kiểm soát", chuyên gia này phân tích.
Cụ thể, trong quá khứ, hiện tượng bong bóng dotcom đã mở đầu cho thời kỳ suy thoái kinh tế đầu thập niên 2000 ở Mỹ một phần do vụ khủng bố 11/9 và thiếu kiểm soát các vụ bê bối kế toán trong các năm 2001 và 2002. Vụ phá sản nhà ở năm 2007 tại Mỹ đã trở thành một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong năm 2008 chỉ vì các ngân hàng trên toàn thế giới chịu tổn thất lớn về nợ thế chấp.
Hiện nay, các cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế toàn cầu đang đồng loạt diễn ra tại các châu lục mà không có sự kiểm soát. Các nền kinh tế châu Á trở nên dễ tổn thương hơn, một phần do tác động của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Nền kinh tế châu Âu, vốn đã bị rối loạn trong nhiều năm với tốc độ tăng trưởng thấp, có thể rơi vào suy thoái; nếu Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu mà không có thỏa thuận vào ngày 31/10, châu Âu vẫn có thể đối mặt với những thách thức sâu sắc hơn.
Vào mùa thu năm 2008, các bộ trưởng tài chính và ngân hàng trung ương của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã cùng nhau đưa ra một tuyên bố chung cam kết hợp tác để chấm dứt khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc hợp tác giữa các nền kinh tế lớn đã trở nên khó khăn hơn do những xung đột địa chính trị căng thẳng.