Trở ngại với đồng tiền chung Châu Á
Mặc dù ý tưởng phát hành đồng tiền chung Châu Á (ACU) đã hình thành từ năm 2006, nhưng việc biến ý tưởng này thành hiện thức gặp không ít thách thức.
Nếu được ra đời, ACU sẽ chính thức đại diện cho giá trị trung bình tiền tệ của 10 quốc gia ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Giảm rủi ro khủng hoảng tài chính
Quá trình xây dựng ACU có tính toán đến một loạt yếu tố, trước tiên là GDP của từng nước, tổng sản lượng ngoại thương, mức độ tham gia của tiền tệ nước đó vào các giao dịch quốc tế.
Từ nhiều năm nay, thị trường tài chính Châu Á phụ thuộc vào phương Tây, đặc biệt là Mỹ và EU. Thực tế cho thấy, khi các nhà đầu tư từ các quốc gia này đồng loạt rút vốn khỏi Châu Á, ngay lập tức khủng hoảng tài chính ngấp nghé, năm 1997 là một ví dụ.
Với đồng ACU, Châu Á sẽ không chỉ có cơ hội giảm đáng kể mức độ phụ thuộc vào đồng USD hay EUR, mà còn là tiền đề cho những triển vọng lớn hơn nữa trên bình diện tài chính, kinh tế toàn cầu.
Vừa qua, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cũng đã đề xuất khu vực Đông Á nên cân nhắc sử dụng một đồng tiền chung có đảm bảo bằng vàng trong giao dịch thương mại khu vực, qua đó thúc đẩy thương mại và giúp khu vực không phải phụ thuộc vào USD.
Nhiều chuyên gia cho rằng, ACU có thể giúp Châu Á trở thành trung tâm tài chính thứ ba (sau Mỹ và châu Âu) với tư cách là khối tiền tệ có uy lực chứ không đơn thuần là trung tâm chỉ gắn với khu vực địa lý. Trung tâm này có chức năng liên kết các nền kinh tế trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, mà chất kết dính nó chính là ACU.
Có thể bạn quan tâm
Khu vực đồng tiền chung châu Âu hướng tới "kỷ nguyên vàng"
12:35, 15/11/2017
Vay tiêu dùng: Tiềm tàng nguy cơ với kinh tế châu Á
07:00, 31/07/2019
Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của các quốc gia Châu Á tăng vọt kể từ khủng hoảng tài chính năm 1997. Đến nay, riêng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc hơn 3,1 nghìn tỷ USD; của Nhật Bản hơn 1,3 nghìn tỷ USD; của Ấn Độ hơn 430 tỷ USD; của Saudi Arabia gần 2 nghìn tỷ USD… đó là tiền đề quan trọng để ACU ra đời.
Quá nhiều chướng ngại vật
Sở dĩ đến nay ACU vẫn chưa ra đời là do một số quốc gia khởi xướng, như Nhật Bản, Trung Quốc... có vẻ như không mặn mà với việc này.
Từ 2010 đến nay, kinh tế Nhật Bản rơi vào tình trạng khó khăn, khiến quốc gia này không còn mặn mà quyên góp kinh phí thành lập Qũy Tiền tệ châu Á (AMF). Trong khi đó, Trung Quốc rơi vào hoàn cảnh tương tự, mặc dù mới đây ông Tập đề xuất thành lập “Liên minh châu Á”.
Trong khi đó, nội bộ châu Á thiếu gắn kết, nhất là sự e ngại đối với Trung Quốc ngày một tăng, ý tưởng “Liên minh châu Á” không nhận được thiện cảm của nhiều quốc gia. Vậy nên một liên minh tiền tệ là điều xa vời.
Trung Quốc hiện đang chi phối hầu hết lĩnh vực tài chính, xuất nhập khẩu ở Châu Á, không loại trừ khả năng ACU sẽ là công cụ giúp Bắc Kinh thao túng sâu hơn. Trong giai đoạn này, kinh tế Trung Quốc đang bất ổn, nên quốc gia này không còn đủ lực để xúc tiến cho ra đời ACU.
Việc thành lập AMF hay Ngân hàng Trung ương châu Á - với tư cách là “bà đỡ” cho đồng tiền chung là không đơn giản, nhất là khi sự chênh lệch sức mạnh quốc gia ở Châu Á quá lớn so với Châu Âu.
Một vấn đề khác được đặt ra là liệu các cam kết có được tuân thủ, và an ninh cho đồng tiền chung có được bảo vệ? Bên cạnh đó, người ta cũng không thể bỏ qua những tác động chính trị. Bởi lợi ích của nhiều quốc gia khu vực gắn bó mật thiết với Mỹ nói chung và USD nói riêng.
Sự biến động của đồng CNY và nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay cũng là nguyên nhân khiến ACU chưa thể ra đời.
Trong một số năm gần đây, tiền kỹ thuật số bắt đầu bùng nổ, sẽ trở thành xu thế tất yếu trong tương lai. Nếu AMF ra đời, cũng chỉ có khoảng 20% giao dịch được thực hiện qua quỹ này, còn lại phải qua tay IMF và bây giờ thêm đối thủ là tiền kỹ thuật số.
Trong khi đó, sau hơn 10 năm ra đời, đồng tiền chung Châu Âu (EUR) bắt đầu bộc lộ những hạn chế, minh chứng rõ nhất là vỡ nợ công ở Hy Lạp, bất đồng nội bộ… Nếu ACU ra đời sẽ sao chép mô hình Eurozone hay xu hướng đồng tiền kỹ thuật số đang là vấn đề chưa có lời giải.