"Trái phiếu cổ" - đòn mới của Mỹ trong thương chiến Mỹ - Trung

Cẩm Anh 01/09/2019 05:00

Chính quyền Mỹ đang nghiên cứu một công cụ mới trong cuộc thương chiến, đó là đòi nợ "trái phiếu cổ" từ thời Nhà Thanh.

Mỹ đang sở hữu quân bài mới trong thương chiến với Trung Quốc

Mỹ đang sở hữu quân bài mới trong thương chiến với Trung Quốc

Theo Bloomberg, chính quyền Mỹ đang nghiên cứu một công cụ mới trong cuộc thương chiến, đó là sử dụng những trái phiếu được Trung Quốc bán ra và tuyên bố vỡ nợ từ trước ngày nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập.

Các trái phiếu có tuổi đời hơn 100 năm được cất giữ trong các căn gác xép, tầng hầm của hàng nghìn người dân Mỹ, và thậm chí được bán trên chợ điện tử EBay cho mục đích sưu tầm với giá vài trăm USD. Trái phiếu mà phía Mỹ đang nắm giữ là trái phiếu đường sắt Hồ Bắc, được bán vào năm 1911 để hỗ trợ hoạt động xây dựng tuyến đường tàu từ Hán Khẩu tới Tứ Xuyên.

Có thể bạn quan tâm

  • Campuchia trong cán cân Mỹ - Trung

    08:00, 30/08/2019

  • ASEAN giữa "tâm bão" chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

    06:55, 29/08/2019

  • Bất chấp Mỹ gây khó dễ, ZTE vẫn tăng trưởng

    04:48, 29/08/2019

  • Mỹ hối thúc doanh nghiệp rời Trung Quốc

    11:00, 27/08/2019

Mỹ từng đề cập tới khoản tiền đầu tư vào Trung Quốc vào đầu thế kỉ 20 và gọi đây là "đồng tiền ngoại giao" - một cách xây dựng mối quan hệ với quốc gia khác bằng cách giúp nước này công nghiệp hóa. Trong khi đó, người Trung Quốc lại gọi đây là "Thế kỉ ô nhục", khi đất nước này buộc phải chấp nhận các khoản đầu tư và bị nước ngoài kiểm soát một cách bất công.

Sau khi hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc buộc phải thoái vị vào năm 1911, chính quyền bắt đầu tìm tới các nguồn đầu tư từ thị trường tài chính quốc tế. Đây là những khoản trái phiếu mà phía Mỹ tin rằng có thể sử dụng làm đòn bẩy chính trị trong thương chiến giữa Mỹ - Trung thời hiện tại.

Tuy nhiên, sau khi được thành lập, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa từng thừa nhận món nợ này từ thời Trung Hoa Dân Quốc, mặc dù điều đó không thể ngăn chặn được những nỗ lực thu thập tiền thanh toán trái phiếu của các quốc gia từng đầu tư vào chúng.

Trái phiếu Đường sắt Hukuang năm 1911. Ảnh: GEORGE H. LABARRE.

Trái phiếu Đường sắt Hukuang năm 1911. Ảnh: Labarre/Bloomberg

Tổng thống Trump, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross đã gặp những người nắm giữ các trái phiếu và đại diện của họ. Theo các chuyên gia, nếu tính cả lãi và các khoản tiền phạt, Trung Quốc đang nợ Mỹ tới 1.000 tỷ USD. 

Mitu Gulati, giáo sư luật tại Đại học Duke và là chuyên gia về tái cơ cấu nợ quốc gia nhận đinh, về mặt pháp lý, đây là những khoản nợ hoàn toàn còn hiệu lực. Vì vậy, Mỹ có thể thực sự chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, cần phải có những luật sư tài năng mới có thể khiến Trung Quốc thừa nhận.

Hiện tại, chưa có quy định nào buộc một chính phủ đương nhiệm phải tiếp nhận các khoản nợ của các chính phủ tiền nhiệm sau những biến động chính trị lớn hay không, đặc biệt là khi gần một thế kỷ trôi qua kể từ khi phát sinh những khoản nợ đó. Trong quá khứ, vào năm 1979, Chính phủ Trung Quốc đã từng thành công trong việc trong việc tự bảo vệ mình trước các khiếu nại của các bên nắm giữ trái phiếu. 

Theo giới quan sát, Mỹ nên cân nhắc sử dụng công cụ mới này để tránh buộc Trung Quốc vào đường cùng. Sau các đòn tấn công liên tiếp của chính quyền Tổng thống Trump, đang có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc "lùi một bước" khi Bộ thương mại nước này đã công khai thừa nhận sẽ tạm không có bất kỳ thêm hành động nào để trả đũa thuế quan của Mỹ và kêu gọi đàm phán.

Do đó, nếu Mỹ tiếp tục gia tăng thêm sức ép kêu gọi Trung Quốc thanh toán các khoản trái phiếu "cổ", không ngoại trừ khả năng chính quyền Trung Quốc sẽ có những bước đi táo bạo hủy diệt nền kinh tế Mỹ. Trong khi cuộc chiến thương mại không suôn sẻ cho chính quyền Trump vào lúc này, với việc Mỹ dường như đã sẵn sàng trước bờ vực suy thoái, mọi thứ luôn có thể trở nên tồi tệ hơn.

Cẩm Anh