Mỹ-Trung "thêm dầu vào lửa": Thuế quan mới chính thức có hiệu lực!

Cẩm Anh 02/09/2019 12:00

Kể từ ngày 1/9, các mức thuế mới nhất mà Mỹ và Trung Quốc áp đặt lẫn nhau đã chính thức có hiệu lực, đánh dấu nấc thang mới trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Sau cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo tại Osaka, cuộc chiến thương mại tiếp tục leo thang căng thẳng

Sau cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo tại Osaka, cuộc chiến thương mại tiếp tục leo thang căng thẳng

Theo đó, mức thuế bổ sung đối với 112 tỉ USD hàng xuất khẩu Trung Quốc và 75 tỉ USD hàng xuất khẩu Mỹ đã chính thức được áp dụng.

Theo TechCrunch, hàng loạt mặt hàng gia dụng khác từ TV, loa, camera kỹ thuật số, pin lithium… cũng đều bị áp thuế nhập khẩu trong đợt này. Về phía Trung Quốc, các mức thuế bổ sung 5% và 10% đều bắt đầu có hiệu lực với hơn 1.717 mặt hàng của Mỹ.

Có thể bạn quan tâm

  • "Trái phiếu cổ" - đòn mới của Mỹ trong thương chiến Mỹ - Trung

    05:00, 01/09/2019

  • Giá vàng tuần từ 2- 6/9: Cẩn trọng số liệu việc làm của Mỹ

    05:04, 01/09/2019

  • Campuchia trong cán cân Mỹ - Trung

    08:00, 30/08/2019

  • Bất chấp Mỹ gây khó dễ, ZTE vẫn tăng trưởng

    04:48, 29/08/2019

Mặt hàng dầu thô của Mỹ cũng bị áp 5%. Đây là lần đầu tiên mặt hàng dầu của Mỹ trở thành mục tiêu bị áp thuế, kể từ khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu cuộc tranh cãi thương mại hơn một năm trước đây.

Thực tế đến nay, thuế quan thực sự đã gây áp lực lên giá cả, đặc biệt hàng công nghệ. Theo Hiệp hội Công nghệ người tiêu dùng Mỹ (CTA), kể từ tháng 7/2018, thuế quan áp lên Trung Quốc đã khiến ngành tiêu dùng công nghệ chịu chi phí hơn 10 tỉ USD, bao gồm 1 tỉ USD lên các sản phẩm 5G. Tổng thể, người nộp thuế tại Mỹ đã trả thêm 27 tỉ USD thuế nhập khẩu từ khi cái gọi là cuộc chiến tranh thương mại nổ ra từ tháng 6 năm ngoái.

Theo các chuyên gia, biện pháp đánh thuế mới nhất được thực hiện ngay trước vòng đàm phán giữa hai bên vào tháng này, có thể là "chất xúc tác" để hai cường quốc ngồi xuống đối thoại với thiện chí cần phải thỏa hiệp lẫn nhau. Tuy nhiên, giới đầu tư và chuyên gia kinh tế không mấy lạc quan vào triển vọng hai nước sẽ đạt được thỏa thuận đình chiến sớm.

Mười bốn tháng "nằm" trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, doanh nghiệp, công nhân, người tiêu dùng, chủ nhà máy và các chuyên gia đều nhất trí cho rằng, thế giới sắp phải đối mặt với thử thách lớn nhất, đó là một cuộc chiến chưa thấy hồi kết.

Với diễn biến hiện nay, hai bên đã chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại có thể kéo dài qua cuộc bầu cử vào năm tới của Mỹ, bất kể hậu quả. Chuyên gia kinh tế Trung Quốc Yi Xiong thuộc ngân hàng Deutsche Bank cho rằngTrung Quốc hiện tại vừa không muốn nhanh chóng đạt một thỏa thuận thương mại với Mỹ, vừa không muốn đáp trả Mỹ mạnh tới mức mà họ có thể.

"Tổng thống Trump tin rằng nền kinh tế Mỹ mạnh hơn Trung Quốc, và vì vậy Bắc Kinh sẽ phải nhượng bộ. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang đặt cược rằng nền kinh tế đất nước họ vẫn đủ sức khỏe để kéo dài cuộc chiến", chuyên gia này nhận định. 

Trung Quốc sẽ nỗ lực giảm lệ thuộc vào Mỹ và không có nhiều khả năng về việc Trung Quốc nhượng bộ trước Mỹ. Có thể thấy điều này khi Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác với các nước như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và khu vực Nam Mỹ đã cho thấy rõ ý đồ muốn đa nguyên hóa chuỗi cung ứng.

Đồng thời, quốc gia này đã thực hiện nhiều chính sách để giảm bớt tác động của cuộc chiến thương mại đối với người tiêu dùng và các doanh nghiệp. Đồng thời, nhiều tín hiệu cho thấy chính quyền Trung Quốc có thể tiếp tục sử dụng giá trị của đồng nhân dân tệ (CNY) của mình làm vũ khí.

Cả hai bên đang xem xét các cách để giúp doanh nghiệp chịu đựng cuộc chiến. Tổng thống Trump đã tăng cường viện trợ cho nông dân và dự tính cắt giảm thuế. Nhưng nhờ chính phủ Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ nền kinh tế, Bắc Kinh có nhiều lựa chọn hơn, bao gồm các bước ấn tượng như tăng cường chi tiêu của chính phủ hoặc các biện pháp hỗ trợ tiêu dùng. 

Mặc dù vậy, thực tế cho thấy, một cuộc xung đột thuế quan kéo dài cũng có thể buộc các công ty Mỹ phải tìm kiếm những nơi khác để thành lập nhà máy của họ. Nhưng đây là một quá trình phức tạp và tốn kém làm giảm năng suất của các doanh nghiệp trong nhiều năm tới.

"Có rất nhiều nguyên nhân cản trở việc ổn định sản xuất tại quốc gia mới như rào cản ngôn ngữ, hoặc tốn thời gian để tìm đủ công nhân và có kinh nghiệm. Mặt khác, sở thích của những người dân ở các nước là khác nhau, sẽ mất một khoảng thời gian và một khoản tiền không nhỏ để việc làm ăn trở về quỹ đạo ban đầu", Mr. Xu, 50 tuổi, Tổng giám đốc của Yong Du Shoes, một doanh nghiệp chuyên sản xuất giày cho biết. 

Trước mắt, thế giới sẽ mất đi động lực tăng trưởng kinh tế lớn nhất trong những năm gần đây. Cạnh tranh thương mại có thể làm giảm mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tiềm tàng của Mỹ gần 1% trong ngắn hạn, còn Trung Quốc là 5%.

Cẩm Anh