Cuộc chiến chống khủng bố: Ký ức buồn 18 năm sau ngày 11/9
18 năm kể từ khi chiếc máy bay Boeing đầu tiên đâm vào tòa tháp Bắc của Trung tâm thương mại thế giới, nước Mỹ đã cho thấy, họ là một quốc gia rất dễ bị tổn thương bởi khủng bố.
8 giờ 30 phút ngày 11/9, chiếc máy bay Boeing 767 thực hiện chuyến bay 11 của hãng American Airlines đâm vào toà tháp phía Bắc của Trung tâm Thương mại thế giới. Trong vòng chưa đầy một tiếng, chiếc máy bay thứ hai (chiếc Boeing 767, chuyến bay 175 của United Airliness) đã đâm vào toà tháp thứ hai của Trung tâm và chiếc Boeing 757 - chuyến bay 77 của American Airlines cắt ngang sông Potomac rồi đâm vào Lầu Năm Góc.
Vụ tấn công ngày 11-9 đã cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người, làm rúng động cả thế giới. Đồng thời, mở ra một cuộc chiến chống khủng bố cướp đi cuộc sống của nhiều người dân tại Afganistan và một số khu vực Trung Đông cho đến ngày hôm nay.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều nhà thờ ở Sri Lanka trúng bom do khủng bố?
15:17, 21/04/2019
Chủ nghĩa khủng bố: Nỗi đau không riêng đất nước nào!
06:15, 30/12/2018
Sau cuộc họp với Hội đồng An ninh quốc gia, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Geogre W. Bush đã tuyên bố phát động cuộc chiến tranh tổng thể, huy động mọi tiềm lực quốc gia chứ không chỉ sức mạnh quân sự và thành lập một liên minh chống khủng bố.
Mục tiêu của cuộc chiến nhằm bắt Osama bin Laden, tiêu diệt Al-Qaeda và loại bỏ các thành phần Taliban chống lưng cho Al-Qaeda. Tuy nhiên, sau khi thủ lĩnh Al-Qaeda bin Laden bị tiêu diệt, cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan tới nay vẫn chưa kết thúc dù đã kéo dài 18 năm.
Kể từ cuối năm 2014, thời điểm Mỹ bắt đầu giảm sự hiện diện của binh sỹ nước này tại chiến trường Afghanistan, tuy nhiên lực lượng Taliban lại tiếp tục trỗi dậy và tiến hành hàng loạt các vụ tấn công đẫm máu nhằm vào binh sỹ Mỹ, các đồng minh và lực lượng an ninh Afghanistan.
Với việc để cho lực lượng Taliban xuất hiện trở lại và hoành hành ở Afghanistan cho thấy mọi nỗ lực của người Mỹ đã không hiệu quả. Theo Chỉ số khủng bố toàn cầu (Global Terrorist Index) công bố năm 2015 của Viện Kinh tế và hòa bình (IEP), số các vụ khủng bố trên thế giới đã tăng vùn vụt kể từ khi Mỹ phát động chiến tranh chống khủng bố. Ví dụ, nếu năm 2002 có 982 vụ khủng bố trên toàn thế giới thì đến năm 2011 đã tăng lên đến 4.564 vụ.
Ngoài ra, các cuộc khảo sát tại châu Âu cũng cho thấy, đa số người Đức (74%), Pháp (65%) và Italia (63%) tin, các biện pháp chống khủng bố của Mỹ sau vụ 11/9 đã không tăng cường an ninh trên thế giới, mà ngược lại khiến châu Âu và Mỹ bị tấn công nhiều hơn. Kết quả thăm dò dư luận của Hội đồng Quan hệ toàn cầu Chicago hé lộ, gần 50% người Mỹ cảm thấy môi trường sống của họ đang kém an toàn hơn trước kia.
Đồng thời, hai cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq cộng với chi phí cho các hoạt động chống khủng bố khắp toàn cầu khiến Nhà Trắng đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng. Trong giai đoạn 2001-2019, Mỹ đã chi ra 5.900 tỷ USD cho cuộc chiến này, trong đó có hơn 2.000 tỷ USD chi cho các chiến dịch quân sự ở nước ngoài.
Khoản chi này cũng bao gồm 924 tỷ USD cho an ninh nội địa, 353 tỷ USD chi trả cho chăm sóc y tế và thương binh đối với các quân nhân Mỹ từng phục vụ ở các khu vực chiến sự trên thế giới. Đó cũng là một trong những lý do then chốt khiến Cựu Tổng thống Barack Obama đi đến quyết định rút quân khỏi hai quốc gia nói trên.
Trong khi đó, các lực lượng khủng bố vẫn không ngừng nhân rộng quy mô và hoạt động. Al-Qaeda có xu thế chia thành những nhóm nhỏ, hoạt động tinh vi hơn, với tư tưởng cực đoan có chiều hướng gia tăng và phạm vi hoạt động thậm chí mở rộng sang tận Trung và Nam Á. "Vương quốc Hồi giáo" do IS dựng lên ở Syria tuy đã sụp đổ vẫn còn những "tàn dư" đang chờ ngày trỗi dậy.
Chuyên gia quân sự Ivan Konovalov đánh giá, ngay cả số tiền mà theo người Mỹ là dành cho cuộc chiến chống khủng bố, lại thường có tác dụng ngược. "Trong cuộc chiến ở Syria, người Mỹ đã chi khoảng nửa tỷ USD cho việc huấn luyện các chiến binh được cho là "đối lập ôn hòa", và gần như tất cả phiến quân này sau đó đã chuyển sang phe thánh chiến".
Do đó, chuyên gia này cho rằng, đây là một ví dụ về những gì xảy ra khi chính trị hóa các mục tiêu nhằm vào những kẻ khủng bố . Mối đe dọa đến từ những kẻ khủng bố Hồi giáo là nền tảng của học thuyết quân sự của chính quyền Cựu Tổng thống G. Bush và cho đến nay vẫn được dùng làm cái cớ cho các cuộc chiến tranh tại Afghanistan và Iran.
Chính vì vậy, cho đến nay nhiều luồng ý kiến vẫn cho rằng, đây không phải là cuộc chiến chống khủng bố. Điểm mấu chốt ở đây là chống lại sự lãnh đạo hợp pháp của Chính phủ Syria. Và chi phí chủ yếu của Mỹ là dành cho các mục đích như vậy.
Cho đến ngày hôm nay, khi nước Mỹ chuẩn bị kỉ niệm 18 năm ngày cuộc tấn công đẫm máu xảy ra, người dân vẫn đang chờ đợi phiên tòa xét xử những kẻ chủ mưu và cuộc chiến chống khủng bố đi vào hồi kết. Nước Mỹ luôn sẵn sàng cho phán quyết cuối cùng, kể từ 18 năm trước.