Thị trường trái phiếu châu Á tăng trưởng bất chấp rủi ro
Bất chấp tình hình bất ổn trên thế giới cũng như trong khu vực, thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của các quốc gia châu Á mới nổi vẫn tăng trưởng ổn định trong quý II/2019.
Theo báo cáo Giám sát Trái phiếu châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tính đến cuối tháng 6/2019, tổng giá trị trái phiếu bằng đồng nội tệ vẫn đang lưu hành tại các một số quốc gia bao gồm Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã đạt 15.300 tỷ USD, tăng 3,5% so cuối tháng 3/2019 và tăng 14,2% so với cuối tháng 6/2018.
Giá trị trái phiếu phát hành tại các quốc gia mới nổi tại khu vực châu Á đạt tổng cộng 1.600 tỷ USD trong quý II/2019, tăng 12,2% so với quý I/2019, nhờ đà tăng mạnh lượng phát hành trái phiếu chính phủ và sự phục hồi của hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Làn sóng vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc
11:00, 16/09/2019
"Trái phiếu cổ" - đòn mới của Mỹ trong thương chiến Mỹ - Trung
05:00, 01/09/2019
Siết tín dụng- phình trái phiếu doanh nghiệp
04:07, 28/08/2019
Rủi ro hệ thống từ... "siết" đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
05:01, 27/08/2019
Cụ thể, Trung Quốc vẫn là thị trường trái phiếu lớn nhất khu vực Đông Á mới nổi, chiếm tới 75,3% tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành của khu vực này. Ở Trung Quốc, lượng trái phiếu chính phủ bằng đồng nội tệ đã tăng 5,4% so với quý trước.
Đây cũng là mức tăng nhanh nhất so với các loại trái phiếu khác tại Trung Quốc, sau khi có chỉ thị cho các chính quyền địa phương phải đẩy nhanh việc phát hành và sử dụng các trái phiếu đặc biệt, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và dự án phát triển khác. Tính tới cuối tháng 6, tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc là 84,6%, so với mức 78,8% vào cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam tiếp tục mở rộng trong quý II/2019, tăng 2,6% so với quý trước xét theo giá trị đồng nội tệ sau khi đã tăng 0,7% trong quý I, lên 52,9 tỷ USD.
Các chuyên gia của ADB nhận định chủ yếu là nhờ mức tăng 3,2% của thị trường trái phiếu chính phủ - lên tới 48 tỷ USD - do phát hành trái phiếu kho bạc và tín phiếu ngân hàng nhà nước. Thêm vào đó, sự gia tăng của thị trường trái phiếu chính phủ đã bù đắp mức sụt giảm 3,4% của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong quý II/2019, xuống còn 5 tỷ USD.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB Yasuyuki Sawada đánh giá, đầu tư đầu tư nước ngoài tại các thị trường trái phiếu ở khu vực châu Á vẫn được duy trì ổn định trong quý II/2019. Tỉ lệ nắm giữ trái phiếu bằng đồng nội tệ của khối ngoại gia tăng tại Trung Quốc với kỳ vọng về những kích thích kinh tế bổ sung từ chính phủ, và cả ở Indonesia trong bối cảnh xếp hạng tín dụng được nâng lên.
Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường trái phiếu xanh châu Á đang giúp khu vực tài trợ cho những dự án giảm thiểu và thích nghi biến đổi khí hậu. Ví dụ, trong tháng 2/2019, một khoản vay cao cấp có bảo đảm từ Quỹ Tài trợ cảnh quan nhiệt đới của Indonesia đã tài trợ cho một đồn điền cao su thiên nhiên, trong khi vào tháng 5/2019, Tổng công ty Tài nguyên nước Hàn Quốc đã bán trái phiếu nước đầu tiên của Châu Á để tài trợ cho các hệ thống quản lý nước bền vững.
Mặc dù vậy, tỉ lệ này sụt giảm tại Hàn Quốc, Malaysia và Philippines do rất nhiều yếu tố trong nước. Đồng thời, chuyên gia này cũng cảnh báo, sự ổn định tài chính trong khu vực có thể bị xói mòn nếu các nhà đầu tư toàn cầu thay đổi quan điểm về những thị trường mới nổi.