“Giải cứu” thị trường dầu mỏ

Trương Khắc Trà 22/09/2019 03:59

Hai vụ nổ vừa qua tại một cơ sở sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới ở Saudi Arabia đã khiến thị trường “vàng đen” dậy sóng.

Đây là cơ hội cho Mỹ ra tay “giải cứu” thị trường dầu mỏ thế giới với dầu đá phiến.

Vụ khủng bố nói trên xảy ra trong bối cảnh OPEC khủng hoảng nội bộ, giá dầu đang sụt giảm, mối quan hệ Mỹ - Iran ảm đạm nhất trong nhiều năm, làm nảy sinh nhiều nghi vấn.

p/Giá dầu thô Brent có thời điểm tăng lên 69USD/thùng sau vụ tấn công vào cơ sở dầu mỏ ở Saudi Arabia.

Giá dầu thô Brent có thời điểm tăng lên 69USD/thùng sau vụ tấn công vào cơ sở dầu mỏ ở Saudi Arabia.

“Âm mưu đen tối”?

Sự cố này khiến khối lượng sản xuất dầu mỏ của Saudi Arabia giảm mất 50%, nguồn cung trên toàn cầu giảm 5%. Iran rõ ràng không thể ra tay giải cứu thế giới do bị Washington cấm vận, lệnh này khó nới lỏng bởi Mỹ đã cáo buộc Teheran có dính dáng đến vụ việc!

Hứng chịu tác động, giá dầu tăng gần 20% vào chiều 15/9 và thêm 14,5% vào ngày 16/9 lên mức 63 USD/thùng tại thị trường Mỹ, trong khi giá dầu Brent tại London có thời điểm cũng leo lên 69 USD/thùng. Đây là mức tăng trong vòng 24h cao nhất kể từ tháng 2/2016. Đồng thời, giá vàng, bạc cũng “nối đuôi” nhau tăng do tâm lý lo ngại khủng hoảng địa chính trị từ giới đầu tư.

Có một thông tin rất đáng lưu ý, trước khi cơ sở dầu mỏ của Aramco bị tấn công, thị trường dầu mỏ thế giới có dấu hiệu dư thừa nguồn cung. Cả OPEC và Nga đều đồng loạt cắt giảm sản lượng để “neo” giá dầu không bị rớt thêm.

Trong điều kiện đó, việc đảo ngược chính sách là không hề dễ với OPEC, bởi cần có sự đồng thuận của tất cả các thành viên, trong khi OPEC đang chia rẽ nội bộ sâu sắc từ khi Qatar tuyên bố bỏ cuộc chơi.
Còn đại gia dầu mỏ Venezuela, từng là nguồn cung tiềm năng, nhưng ngành dầu mỏ nước này dường như đổ sụp sau lệnh cấm vận của Washington.

Mỹ chớp thời cơ

Theo thống kê của Tổ chức Sáng kiến dữ liệu chung, Saudia Arabia có sản lượng dầu dự trữ khoảng 287 tấn, với mức độ xuất khẩu 8,2 triệu thùng/ngày, lượng dự trữ này chỉ đáp ứng nhu cầu trong hơn 1 tháng.
Lúc này trên thị trường “vàng đen” quốc tế, không ai tự do thoải mái hơn Mỹ! Công nghệ chiết dầu từ đá phiến đã áp dụng đồng loạt ở Texas, Dakota, Montana và New Mexico, tạo ra sản lượng dầu khổng lồ, đạt mức kỷ lục 8,843 triệu thùng/ngày.

Sản lượng dầu mỏ của Mỹ đã tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ qua nhờ dầu đá phiến, cho phép nước này sản xuất nhiều dầu hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Mỹ cũng đã vượt Saudi Arabia trở thành nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, với 3 triệu thùng/ngày vào tháng 6 vừa qua.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẵn sàng cho phép mở kho dầu dự trữ chiến lược trong trường hợp cần thiết. Điều đó cho thấy nước Mỹ đã sẵn sàng thay thế vai trò của Saudi Arabia và Trung Đông về nguồn cung dầu mỏ.

  Từ khi con người biết đến động cơ đốt trong, dầu mỏ trở nên quan trọng; đến khi mọi nền kinh tế cần đến nó để vận hành, dầu mỏ lại được “nâng cấp” lên mức độ chiến lược và luôn gắn chặt với mọi diễn biến chính trị.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, Mỹ không dễ dàng lấp đầy khoảng trống 5 triệu thùng dầu mỗi ngày do các nhà sản xuất dầu mỏ của Mỹ không thể ngay lập tức tăng sản lượng. Hơn nữa, các cảng xuất khẩu dầu ở Mỹ đã tiệm cận công suất.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội cho Mỹ “thử lửa” loại dầu đá phiến, nếu loại dầu này giúp Mỹ giải quyết tốt cơn khủng hoảng này thì không còn nghi ngờ gì nữa về một kỷ nguyên năng lượng mới do Mỹ cầm trịch cuộc chơi.
Mức độ xáo trộn trên thị trường dầu mỏ đang phụ thuộc vào tốc độ khôi phục sản xuất của Saudi Arabia. Về dài hạn, vụ tấn công nói trên được dự báo sẽ “châm ngòi” cho tình hình căng thẳng leo thang tại Trung Đông và đe dọa an ninh năng lượng toàn cầu.

Trương Khắc Trà