Thương chiến kéo dài nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu

Cẩm Anh 23/09/2019 11:00

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nền kinh tế thế giới nguy cơ rơi vào suy thoái khi dự báo tăng trưởng chỉ đạt 2,9%.

OECD tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sau một thời gian dài theo sát các biến động

OECD tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng sau một thời gian dài theo sát các biến động ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới

Dự báo từ OECD, nền kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng 2,9% trong năm 2019, mức tăng yếu nhất kể từ năm 2009. Trong năm 2020, OECD cho rằng kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng ở mức 3%. Cách đây 18 tháng, tổ chức này còn dự báo mức tăng trưởng 4% cho năm nay và năm tới.

Báo cáo cập nhật cũng dự báo nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) sẽ đạt mức tăng trưởng 3,1% trong 2019 và 3,2% trong 2020. Triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ bị hạ về 2,4% trong 2019 và 2% trong 2020.

Có thể bạn quan tâm

  • Lo ngại nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ

    07:00, 21/08/2019

  • Dấu hiệu suy thoái kinh tế dần hiện rõ

    06:30, 20/08/2019

  • Từ "tín hiệu" ở Singapore tới nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu

    11:03, 19/08/2019

  • Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu?

    04:07, 18/08/2019

Trước đó, World Bank cũng đưa ra dự báo kinh tế toàn cầu 2019 sẽ dịch chuyển với tốc độ chậm nhất trong vòng 3 năm. Theo đó, kinh tế thế giới được nhận định chỉ đạt mức tăng trưởng 2,6% trong năm nay, giảm 0,3% so với dự báo của tổ chức này hồi tháng 1 và thấp hơn đáng kể mức tăng trưởng 3% của năm 2018.

Các chuyên gia của OECD cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung đến hoạt động sản xuất và thương mại toàn cầu là lý do dẫn tới dự báo u ám trên.

Có thể thấy, sự tăng trường đã giảm xuống bởi những hành động trả đũa thương mại và hàng rào thuế quan giữa hai quốc gia trong vòng hơn 1 năm qua. Nếu cuộc chiến tranh này có bước leo thang mới, hệ quả sẽ là sự giảm tốc mạnh tại các nền kinh tế lớn, gây ảnh hưởng lan rộng tới mọi vấn đề, từ niềm tin của nhà đầu tư tới thị trường hàng hóa cơ bản.

Điều này cũng làm chi tiêu cho các mặt hàng tiêu dùng và các đơn hàng xuất khẩu tại Trung Quốc giảm, kéo mức tăng trưởng kinh tế của quốc gia này xuống còn 6% trong nửa cuối năm và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2020. Nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm cũng ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các nước đối tác ở châu Á và châu Âu.

Mặt khác, việc một số nền kinh tế lớn rơi vào khủng hoảng nội bộ cũng đã tác động đến triển vọng tăng trưởng. Cụ thể, những bất ổn xung quanh việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) không thỏa thuận và sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc như những mối nguy lớn khác đối với nền kinh tế thế giới.

Chuyên gia kinh tế trưởng Laurence Boone của OECD nói rằng căng thẳng thương mại đang diễn ra gây sức ép lớn lên hoạt động đầu tư và niềm tin của các doanh nghiệp, khiến mức độ bấp bênh càng tăng thêm. Hoạt động đầu tư yếu đi được dự báo sẽ có ảnh hưởng dài hạn và mang tính cơ cấu đến tăng trưởng kinh tế. Điều này đồng nghĩa với việc mức tăng trưởng thấp hơn sẽ trở thành bình thường mới.

Mặc dù vậy, một trong những triển vọng tích cực là ngành dịch vụ được dự báo vẫn tăng trưởng tốt nhờ nhu cầu tiêu dùng ổn định, trong khi đó sự sụt giảm của ngành sản xuất và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang sẽ tác động xấu tới tăng trưởng việc làm, thu nhập và chi tiêu của các hộ gia đình.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, trong 2 năm trở lại đây, các nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn bao giờ hết. Căng thẳng thương mại gây sức ép lên đầu tư. Lãi suất thấp kéo dài khiến nhà đầu tư không chuộng tài sản rủi ro. Áp lực lạm phát thấp khiến việc trả nợ khó khăn hơn, đồng thời hạn chế khả năng sử dụng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương.

Mặc dù có nhiều tín hiệu lạc quan trong thời gian qua, nhưng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chắc chắn sẽ còn kéo dài, ít nhất là trong ngắn hạn. Do đó, thế giới cần phải có sự phản ứng khẩn cấp để đối phó với thời kỳ tăng trưởng thấp kéo dài, với ảnh hưởng lớn nhất sẽ rơi vào những đối tượng dễ tổn thương nhất

Cẩm Anh