Cuộc đua hút FDI ở Đông Nam Á
Khi nhiều công ty đa quốc gia bắt đầu tháo chạy khỏi Trung Quốc đại lục, cuộc đua tranh giành nguồn vốn FDI bắt đầu nóng hơn bao giờ hết ở Đông Nam Á.
Theo Nikkei, sau hơn 1 năm chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, hơn 50 công ty toàn cầu, bao gồm cả Apple và Nintendo, đã hoặc đang cân nhắc kế hoạch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Điểm “nóng” Đông Nam Á
Nếu nói thế kỷ XXI là thế kỷ của châu Á, thì khu vực Đông Nam của châu lục này (gồm có 11 quốc gia) đóng góp một động lực đáng kể. Bởi Đông Nam Á là nơi có những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới chạy qua, nối liền Đông Bắc Á và Tây Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và Trung Đông, với khoảng 41 ngàn lượt tàu biển qua lại mỗi năm.
Đông Nam Á còn là khu vực của những quốc gia mới nổi, thị trường giàu tiềm năng, có những quốc gia làm nhiệm vụ cung cấp nguyên phụ liệu như Malaysia, Indonesia, Thái Lan… và cả những quốc gia đóng vai trò thị trường tiêu thụ rất cần nguyên, nhiên liệu như Myanmar, Việt Nam, Campuchia... Trong khi các trung tâm logictics ở Singapore, Jakarta, Băng Cốc… đủ sức vận chuyển hàng hóa đi khắp thế giới.
Để đối phó với nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, từ giữa năm nay Thái Lan đã “thay máu” chính sách thu hút FDI. Theo đó, quốc gia này giảm 50% thuế trong vòng 5 năm với khoản đầu tư từ 32,7 triệu USD (1 tỷ baht) trở lên cho những doanh nghiệp dịch chuyển từ Trung Quốc.
Đối với các doanh nghiệp thuộc “Hành lang kinh tế phương Đông” được Chính phủ Thái Lan miễn thuế trong vòng 13 năm. Đây được coi là động thái cạnh tranh trực tiếp với các quốc gia Đông Nam Á.
Có thể bạn quan tâm
FDI không thể thay thế cho đầu tư trong nước
16:51, 24/09/2019
Thu hút FDI vì mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao tính tự cường của Việt Nam
05:00, 10/09/2019
Giải bài toán kết nối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước
12:00, 09/09/2019
Cách thức mới để tiếp cận nguồn vốn FDI
19:03, 06/09/2019
Cẩn trọng vốn FDI Trung Quốc
10:22, 06/09/2019
Đối với Indonesia, sau khi 33 công ty đa quốc gia rời khỏi Trung Quốc, nhưng không doanh nghiệp nào đến xứ vạn đảo, Tổng thống Indonesia đã triệu tập nội các yêu cầu gấp rút tháo bỏ vướng mắc về mặt chính sách để hút vốn FDI.
Ngoài ra, dù không ồn ào, nhưng Myanmar, Lào, Campuchia… cũng nổi lên như những quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên, dư địa đầu tư còn nhiều, tương lai sẽ là đối thủ đáng gờm của các quốc gia khác trong việc thu hút vốn FDI.
Những con số biết nói
Số liệu thống kê về FDI của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2019 cho thấy, ngoài sự gia tăng đột biến của FDI từ Trung Quốc đại lục với 2,784 tỷ USD, và Hồng Kông với 5,631 tỷ USD, thì vốn FDI từ Mỹ, Châu Âu vào Việt Nam không đáng kể.
Cụ thể, trong 8 đầu 2019, các nhà đầu tư Nhật Bản chỉ rót vào Việt Nam 2,3 tỷ USD, tụt xuống hàng thứ 5 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Còn các nhà đầu tư Mỹ chỉ đăng ký đầu tư vào Việt Nam 263,48 triệu USD, xếp thứ 11...
Với hệ thống pháp luật hiện tại, chắc chắn việc sàng lọc nguồn vốn FDI là rất khó, vì không thể sàng lọc bằng ý thức chủ quan mà phải thông qua hệ thống văn bản pháp luật với tiêu chí hết sức cụ thể.
Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng: “Dù có sự dịch chuyển các nhà máy ra khỏi Trung Quốc, nhưng những công ty tốt nhất cũng không chọn Việt Nam, do Việt Nam chỉ nằm ở tầm trung trong chuỗi sản xuất của khu vực và thế giới”.
Ngoài ra, các công ty đa quốc gia từ phương Tây chưa thực sự quan tâm đến Việt Nam còn cho thấy, các quốc gia trong khu vực đã thực sự gia nhập cuộc đua thu hút vốn FDI với Việt Nam. Bởi vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần thay đổi chính sách thu hút FDI để thích ứng với tình hình mới.
Chiến lược thu hút FDI mới phải dựa trên ba khía cạnh: quy mô nguồn vốn, lĩnh vực và công nghệ kèm theo. Điều đó cũng đồng nghĩa một phần sàng lọc bớt những dự án công nghiệp nặng đến từ Trung Quốc, để tập trung hút dòng vốn FDI từ phương Tây.
Việt Nam cũng hết sức lưu ý dòng vốn FDI “ma” như cảnh báo của IMF- tương đương 10 ngàn tỷ USD nhằm trốn thuế hoặc để hưởng mức thuế ưu đãi.
Điều quan trọng nữa là FDI phải đi liền với phát triển bền vững, tức là dựa trên 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái. Theo kinh nghiệm quốc tế, trước hết phải thiết kế các IPA (cơ cấu thúc đẩy đầu tư) hoạt động như cơ chế “một cửa”, hướng tới đối tượng cần thu hút, kết nối họ với nền kinh tế trong nước.