“Ẩn số” liên minh thương mại Mỹ - Nhật

Trương Khắc Trà 08/10/2019 12:00

Bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 74, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã ký một thỏa thuận thương mại sơ bộ, đặt nền móng cho một FTA chính thức.

Trong bối cảnh bất ổn thương mại toàn cầu, việc Mỹ và Nhật xúc tiến bước đệm cho một FTA là sự kiện rất đáng quan tâm, bởi vì đặc điểm và tính chất của hai quốc gia đồng minh lâu năm.

p/Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã ký kết thỏa thuận thương mại sơ bộ bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 74.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã ký kết thỏa thuận thương mại sơ bộ bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 74.

Dồn Trung Quốc vào thế khó

Những nội dung cơ bản được tiết lộ ban đầu là Nhật Bản sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với thịt bò, thịt heo, lúa mì, ngô, hạnh nhân, rượu vang và các sản phẩm nông nghiệp khác của Mỹ, trong khi tuốc-bin, máy móc công nghiệp, xe đạp, trà xanh, hoa... sẽ được xuất khẩu từ Nhật Bản sang Mỹ.

Có thể bạn quan tâm

  • Khởi động thuế quan mới trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

    Khởi động thuế quan mới trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

    00:16, 02/09/2019

  • ASEAN giữa

    ASEAN giữa "tâm bão" chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

    06:55, 29/08/2019

Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cho rằng, rất có thể Mỹ sẽ thỏa thuận với Nhật Bản điều khoản đặc biệt giống như tại Thỏa thuận thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) rằng, Nhật Bản không được ký kết FTA với các nền kinh tế phi thị trường như Trung Quốc. Nếu điều khoản này được đưa vào FTA Mỹ- Nhật sẽ là “đòn hiểm” đối với Trung Quốc, thậm chí có nguy cơ làm đổ vỡ tiến trình đàm phán Hiệp định RCEP.

Sở dĩ Mỹ xúc tiến thỏa thuận thương mại với Nhật Bản là do xuất khẩu nông sản của Mỹ đã và đang giảm mạnh do thị trường Trung Quốc khép dần lại với nông sản Mỹ qua từng gói thuế.

  Việc Mỹ- Nhật đạt được thỏa thuận thương mại sẽ dồn Trung Quốc vào thế khó, vì điều này này sẽ giúp Mỹ gây sức ép với Trung Quốc  nhượng bộ các yêu cầu của Mỹ trong vòng đàm phán sắp tới.

Trong khi đó, nông sản và đời sống nông dân Mỹ chính là “kho phiếu” rất tiềm năng quyết định sự thành bại của ông Trump trong cuộc chạy đua ở lại tòa Bạch ốc thêm một nhiệm kỳ nữa.

Bởi vậy, đạt được thỏa thuận với Nhật Bản, dù sơ bộ nhưng lại là chiến thắng có ý nghĩa không chỉ đối với nền kinh tế Mỹ, mà còn tạo ra dư địa chính trị cho những toan tính của đảng Cộng hòa.

Việc Mỹ-Nhật ký hiệp định thương mại có thể sẽ khiến vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung lần thứ 13 diễn ra vào ngày 10/10 tới tại Mỹ trở nên khó khăn hơn. Bởi việc này sẽ giúp Washington buộc Bắc Kinh chấp nhận các yêu cầu của họ, trong khi Bắc Kinh khó nhượng bộ theo tất cả các yêu cầu của Mỹ vì sự nhượng bộ này sẽ phá vỡ “giấc mộng” bá chủ toàn cầu của Trung Quốc.

Chủ nghĩa song phương lên ngôi?

Mặc dù Nhật và Mỹ có mối quan hệ đồng minh thân thiết kể từ sau Thế chiến thứ II, nhưng chưa hề có một FTA chính thức nào, thậm chí đôi khi Washington và Tokyo đứng bên bờ vực xung đột thương mại.

Dù muốn hay không vẫn phải thừa nhận mối quan hệ đồng minh thân cận mà người Mỹ xây dựng trên toàn cầu đã phát huy tác dụng đúng lúc. Những nhượng bộ mà Tokyo dành cho Washington khi chấp nhận giảm thuế đối với nông sản Mỹ có thể là “biểu tượng và kết quả” của mối quan hệ bền chặt hơn giữa 2 nước.

Thỏa thuận này còn cho thấy cách tiếp cận song phương của Trump trong vấn đề thương mại, từ đó đặt một dâu hỏi lớn đối với chính sách đa phương mà nhiều quốc gia đang theo đuổi.

Mỹ là nước cung cấp các sản phẩm nông nghiệp lớn nhất cho Nhật Bản, chiếm khoảng 25% thị phần nhập khẩu của nước này. Ngoài ra, Nhật Bản cũng là nước nhập khẩu thịt bò và lúa mì lớn nhất của Mỹ và cũng là nước nhập khẩu ngô và thịt heo lớn thứ hai của Mỹ.

Điều gì xảy ra nếu như thương mại song phương lên ngôi? Mặt tích cực của nó không nhiều. Đối với Mỹ- Nhật, quan hệ này chỉ có lợi cho 2 nước và có tác dụng tiếp thêm sức mạnh cho Washington đấu lại Bắc Kinh; đồng thời đẩy cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung ngày càng leo thang.

Trong khi mặt trái của thương mại song phương tạo ra các thái cực riêng biệt với luật chơi khác biệt - mâu thuẫn với quy tắc của WTO. Hiện nay, đó là cuộc chơi bộ tứ giữa Trung - Nga và Mỹ - Nhật.

Khi thương mại toàn cầu bị phân cực, xé lẻ, có nguy cơ dẫn tới “chiến tranh lạnh kinh tế”, buộc các tổ chức nắm quyền tài phán phải thay đổi theo hoặc siết chặt kỷ cương để giữ vững xu thế toàn cầu hóa hiện nay.

Trương Khắc Trà