Quyền lực Putin và sự hồi sinh mạnh mẽ của nước Nga
Nước Nga đã trải qua thời kỳ hỗn loạn và bất ổn, nhưng cường quốc phương Tây ngày nào đang từng bước quay trở lại, một phần nhờ vị Tổng thống Vladimir Putin.
Ngày nay, nước Nga đang có vô số thay đổi khiến cả thế giới phải ngước nhìn. Dường như chính các lệnh trừng phạt quốc tế đã bị biến thành động lực để Nga phát hiện và sử dụng sức mạnh tự thân.
Tuy nhiên, việc giữ vững vị thế của nước Nga không phải là điều dễ dàng. Để thực hiện được điều này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang mạnh dạn thực hiện nhiều sách lược mới mẻ, cả trong và ngoài nước.
Có thể bạn quan tâm
Lần đầu vượt Mỹ, Trung Quốc chính thức phát mạng 5G
06:39, 05/11/2019
Thương mại EU- Trung Quốc: Muốn “đồng sàng” nhưng “dị mộng”
11:50, 02/11/2019
Trung Quốc lần đầu vượt Mỹ về số lượng startup kỳ lân
15:00, 22/10/2019
Củng cố sức mạnh bên trong
Những con số tích cực về kinh tế đã đủ chứng minh cách quản lý đúng đắn của Tổng thống Putin. Chỉ cần làm một phép so sánh, chúng ta sẽ thấy rõ điều này. Vào năm 2018, hãng xếp hạng tín dụng toàn cầu Fitch đã nâng mức xếp hạng của Nga sau khi S&P Global đánh giá nợ công của Nga là mức “đầu tư”.
Để đạt được điều này, có thể thấy rằng, cách tiếp cận kinh tế vĩ mô được chính quyền Tổng thống Putin duy trì theo hướng bảo thủ sâu sắc.
Theo chuyên gia kinh tế Oleg Kouzmin, ngân hàng đầu tư Renaissance Capital cho biết, chính sách kinh tế tổng thể của Nga, do tổng thống đặt ra, tập trung vào việc duy trì lạm phát ở mức thấp, đảm bảo rằng ngân sách ổn định, và tăng dự trữ.
"Đây là một chiến lược mang đậm tính phòng thủ, nhằm giúp nước Nga vượt qua các trừng phạt và tự bảo vệ mình trước phương Tây. Và điều này thực sự đã đạt được kết quả", ông nhận định.
Đáng chú ý, các biện pháp chống tham nhũng được ông Putin áp dụng đã có một số tác động tích cực đối với kinh tế Nga. Ông Putin đã yêu cầu mỗi bộ trưởng chịu trách nhiệm cá nhân về kết quả thực hiện các dự án quốc gia.
Ông nhấn mạnh các dự án quốc gia cần thay đổi cơ cấu kinh tế, làm nền kinh tế có hàm lượng công nghệ cao hơn để tăng năng suất lao động và nâng cao mức sống người dân.
Andrei Klishas, Chủ tịch Ủy ban Pháp chế và xây dựng nhà nước Hội đồng Liên bang cho biết, việc đe dọa tịch thu tài sản từ những nguồn thu nhập bất chính từ các quan chức Nga sẽ đóng vai trò là một biện pháp phòng ngừa và giảm mục đích tham nhũng.
Đồng thời, các biện pháp tăng cường kiểm soát hoạt động tài chính liên quan đến các cơ quan chính phủ là một trong nhữngchống tham nhũng của Tổng thống Putin. Ví dụ, các cơ quan chống tham nhũng của chính phủ từ giờ có thể được nhận thông tin từ các ngân hàng Nga về hoạt động tài khoản và tiền gửi của bất kỳ cá nhân và tổ chức nào.
Mặc dù vậy, Tổng thống Vladimir Putin vẫn cho rằng, mức tăng trưởng kinh tế của Nga vẫn chưa tương xứng so với các quốc gia phát triển khác và sự giảm tốc lạm phát hàng năm xuống mức 4,5% vẫn chưa đủ để cải thiện điều kiện sống của công dân Nga.
Thu nhập thực tế là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất ở Nga khi tăng trưởng kinh tế của quốc gia này khó có thể hơn 1% trong năm 2019. Kết luận này được rút ra từ các kết quả kinh tế rất khiêm tốn trong quý II/2019, do cơ quan thống kê LB Nga (Rosstat) công bố mới đây.
Hiện tại, bất ổn kinh tế, áp lực từ các biện pháp trừng phạt, gánh nặng thuế cao đối với doanh nghiệp và nhu cầu nội địa yếu vẫn là những yếu tố gây cản trở sự phát triển của nền kinh tế. Do đó, ngay cả khi những chính sách cho nền kinh tế liên tục được đổi mới, kinh tế Nga vẫn khó đạt được sự tăng trưởng bền vững.
Tăng cường quyền lực
Tổng thống Putin từng khẳng định, phục hồi nền kinh tế Nga đang bị suy thoái và vươn lên vị trí top 5 cường quốc toàn cầu sẽ là mục tiêu chính trong nhiệm kỳ của ông.
Giờ đây, ông Putin đã đưa nước Nga dần trở về với vị thế là một trong những cường quốc quyền lực trên thế giới, "người hòa giải" trong cuộc xung đột ở Trung Đông, thiết lập liên minh chiến lược với Trung Quốc và mở rộng ảnh hưởng tại châu Phi.
Nước Nga đã từng ít quan tâm đến châu Phi trong những năm 2000. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt vào năm 2014 do việc sáp nhập với Crimea đã thúc đẩy Moscow tìm kiếm những đối tác địa chính trị và cơ hội kinh doanh mới.
Thông qua Hội nghị Thượng đỉnh hai ngày với các nhà lãnh đạo châu Phi tại thành phố Sochi bên bờ Biển Đen của nước Nga, Tổng thống Putin đã nỗ lực nối lại sợi dây liên kết từng được thiết lập từ thời Liên Xô cũ với khu vực này.
Giới quan sát chỉ ra, đây là bước ngoại giao khôn ngoan của Nga khi bỏ ra chi phí thấp nhưng thu về hiệu quả cao để thúc đẩy tầm ảnh hưởng. Mặt khác, việc hợp tác với các quốc gia châu Phi giúp lục địa này giảm ưu thế của đồng USD và chuyển sang các loại tiền tệ khác như đồng rúp Nga trong giao dịch.
Bên cạnh đó, liên minh Nga -Trung đang trở nên mạnh mẽ và ngày càng trở nên sâu sắc hơn để cân bằng và đối phó với Mỹ và các nước phương Tây. Đồng thời, Nga và Trung Quốc cũng thúc đẩy các thỏa thuận về đồng rúp và nhân dân tệ (NDT) nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD của Mỹ và các đồng tiền khác của phương Tây để tránh sức ép về thương mại và các lệnh trừng phạt.
Cho đến thời điểm hiện tại, giới quan sát vẫn còn hoài nghi chuyện Nga có thu được nhiều lợi ích chiến lược dài lâu từ việc gia tăng tầm ảnh hưởng hay không. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của Nga đang dần quay trở lại trên các diễn đàn quốc tế dự báo cục diện thế giới sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới.