Hậu thỏa thuận Mỹ - Trung (Kỳ I): Khó hóa giải bất đồng chiến lược

TS. Bùi Ngọc Sơn - Viện Kinh tế Chính trị Thế giới 07/11/2019 11:11

Dù Mỹ và Trung Quốc đang có nhiều khả năng sẽ tiến tới ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, nhưng việc kết thúc thương chiến giữa 2 nước vẫn khó trở thành hiện thực.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 có thể bị hoãn tới tháng 12 tới do hai bên chưa thống nhất được một số vấn đề và địa điểm tổ chức.

p/Trung Quốc đang cân nhắc địa điểm cho một cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump để ký thỏa thuận thương mại Trung - Mỹ giai đoạn 1. (Từ trái qua: Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Rober O'Brien, và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong cuộc gặp sáng 5/11 tại Bangkok, Thái Lan - Ảnh: Getty)

Trung Quốc đang cân nhắc địa điểm cho một cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump để ký thỏa thuận thương mại Trung - Mỹ giai đoạn 1. (Từ trái qua: Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Rober O'Brien, và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong cuộc gặp sáng 5/11 tại Bangkok, Thái Lan - Ảnh: Getty)

Toan tính của mỗi bên

Mặc dù Trump ca ngợi lần thỏa thuận này là tuyệt vời nhưng các nhà quan sát lại cho rằng, thỏa thuận này không có nhiều ý nghĩa. Thực chất, Trump đang rất cần một điều gì có lợi cho tái tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020, và việc Trung Quốc cam kết mua thêm nông sản sẽ giúp giải tỏa được áp lực đối với Trump.

Mặt khác, đối với Trung Quốc, việc Trump tạm hoãn nâng thuế đánh vào hàng xuất khẩu của mình sẽ giúp nước này giảm được phần nào áp lực đè nặng kinh tế trong nước đang xuống dốc, trong khi vẫn tiếp tục được chiến thuật câu giờ chờ đến bầu cử ở Mỹ năm 2020 rồi quyết định sau.

Đặc biệt đối với Trung Quốc, thỏa thuận này còn làm dịu những vấn đề nhức nhối trong nước, trong đó đáng quan ngại là cuộc khủng hoảng thiếu thịt lợn. Cuộc khủng hoảng này đã làm giá thịt lợn leo thang, khiến tỷ lệ lạm phát tăng vượt ngoài ý muốn. Lạm phát tăng, trong khi tăng trưởng kinh tế suy giảm, sẽ khiến Trung Quốc rơi vào trạng thái lạm phát đình trệ, rất khó giải quyết.

  Do chỉ mang tính chiến thuật nên những tác động từ thỏa thuận Mỹ- Trung giai đoạn một  đối với kinh tế toàn cầu là không đáng kể, chủ yếu chỉ tăng niềm tin cho nhà đầu tư.

Nếu không tăng lãi suất để ngăn lạm phát thì tiêu dùng giảm dẫn đến giảm tăng trưởng và bất ổn xã hội; còn nếu tăng lãi suất, sẽ dẫn đến giảm tăng trưởng. Đó là lý do Trung Quốc hứa sẽ mua 700 ngàn tấn thịt lợn từ Mỹ.

Mặt khác, đỗ tương là nguồn nguyên liệu quan trọng cho chế biến thức ăn cho lợn và làm đậu phụ ở Trung Quốc. Đó là lý do Trung Quốc hứa mua thêm loại sản phẩm này từ Mỹ, mặc dù biết rằng đây là đòn đánh vào chỗ yếu nhất của ông Trump.

Có thể bạn quan tâm

  • Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung bị trì hoãn: Khi con tính lợi ích chưa chín muồi!

    Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung bị trì hoãn: Khi con tính lợi ích chưa chín muồi!

    16:06, 07/11/2019

  • Thoả thuận thương mại Mỹ - Trung bất ngờ gặp rào cản

    Thoả thuận thương mại Mỹ - Trung bất ngờ gặp rào cản

    11:00, 02/11/2019

  • Mỹ - Trung đã đạt được một phần thỏa thuận thương mại

    Mỹ - Trung đã đạt được một phần thỏa thuận thương mại

    12:30, 12/10/2019

  • Đàm phán Mỹ-Trung khởi sắc: Dấu hiệu của thỏa thuận thương mại?

    Đàm phán Mỹ-Trung khởi sắc: Dấu hiệu của thỏa thuận thương mại?

    18:30, 11/10/2019

Khó chấm dứt thương chiến

Dù Mỹ và Trung Quốc có thể đi đến ký kết thành công bản thỏa thuận giai đoạn một, thì vẫn không có gì đảm bảo cho sự thành công một bản thỏa thuận đầy đủ nhằm kết thúc thương chiến giữa hai nước. Bởi hai bên vẫn còn khá nhiều bất đồng cần hóa giải.

Bản chất của cuộc thương chiến giữa hai nước là sự tranh giành địa chính trị và vị thế toàn cầu, và đụng đến những vấn đề cốt lõi của hai hệ thống không thể giải quyết sớm được. Chẳng hạn, việc Trung Quốc phải loại bỏ trợ cấp cho các DNNN là một vấn đề cốt lõi đối với nước này. Bởi khối DNNN được xem là cốt lõi của hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa; nếu loại bỏ trợ cấp thì các doanh nghiệp này sẽ khó có thể tồn tại được.

Hay vấn đề Trung Quốc đòi hỏi Mỹ phải loại bỏ tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ cũng vậy, thực tế cho thấy nước này luôn dùng biện pháp phá giá đồng Nhân dân tệ (CNY) khi cần thiết để thu lợi từ xuất khẩu và/hoặc chống lại tác động tiêu cực từ bên ngoài đến xuất khẩu. Nếu Mỹ đồng ý từ bỏ tuyên bố này, thì sẽ khó áp dụng các biện pháp đáp trả khi Trung Quốc nhiều khả năng vẫn sẽ áp dụng nó trong tương lai.

Một yếu tố khác rất quan trọng là vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ cũng đều rất hóc búa không thể giải quyết được trong vòng vài năm tới, chứ đừng nói đến vài tháng.

Như vậy, bản thỏa thuận giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc chưa hề đụng đến những vấn đề cốt lõi của xung đột nên chỉ mang tính chiến thuật của 2 nước.

Do chỉ mang tính chiến thuật nên những tác động từ thỏa thuận này đối với kinh tế toàn cầu là không đáng kể, nếu có thì chủ yếu là việc đem lại chút tin tưởng cho các nhà đầu tư rằng, sự giảm sút của nền kinh tế Trung Quốc và sự khốc liệt của cuộc thương chiến này vẫn có hy vọng giải quyết trong tương lai. Điều này sẽ giúp giảm bớt lo ngại nền kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái vào năm 2020.

Kỳ II: Việt Nam ứng phó thế nào?

TS. Bùi Ngọc Sơn - Viện Kinh tế Chính trị Thế giới