Sàng lọc vốn "xấu": Học gì từ Nhật Bản?
Tokyo sẽ phải tăng cường giám sát an ninh quốc gia, song cũng không muốn cản trở đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.
Các quy định mới của Nhật Bản về đầu tư nước ngoài đối với một số lĩnh vực được cho là ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài ngần ngại và cản trở nỗ lực cải thiện quản trị doanh nghiệp. Mặc dù cả hai yếu tố này đều là trung tâm trong nỗ lực cải cách của Thủ tướng Shinzo Abe.
Cụ thể, luật về ngoại thương và ngoại hối sửa đổi sẽ yêu cầu các nhà đầu tư nước ngoài làm thủ tục khai báo trước khi mua 1% cổ phần hoặc nhiều hơn ở một công ty hoạt động trong các lĩnh vực như sản xuất vũ khí, năng lượng hạt nhân, và viễn thông, giảm mạnh so mức 10% theo quy định trước đó. Các quy định này dự kiến sẽ có hiệu lực vào mùa xuân tới.
Tokyo cho biết bộ quy tắc mới của họ là hành động tương ứng với các động thái tương tự của các đồng minh, chủ yếu nhằm ngăn Trung Quốc tiếp cận với các công nghệ trong một số lĩnh vực nhạy cảm. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cảnh báo rằng các quy định mới này có thể tạo ra một rào cản lớn đối với dòng vốn FDI cũng như giáng một đòn mạnh vào chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe.
Có thể bạn quan tâm
Nhật Bản siết chặt quản lý các “ông lớn công nghệ”
10:57, 13/11/2019
Đầu tư Nhật Bản hướng tới vị trí dẫn đầu
11:00, 24/10/2019
Ẩn số đằng sau "cú bắt tay" EU - Nhật Bản
06:00, 07/10/2019
“Đòn bẩy” kinh doanh số ở Nhật Bản
11:16, 02/10/2019
Đề xuất này xuất hiện vào mùa hè này sau khi chính quyền Donald Trump ban hành luật cho phép Washington có thêm quyền hạn để ngăn chặn khả năng Trung Quốc đánh cắp công nghệ của Mỹ. Dưới áp lực từ Washington, Tokyo cho biết Nhật Bản buộc phải thông qua một đạo luật tương tự.
Một quan chức Nhật Bản cho biết, Tokyo sẽ phải tăng cường giám sát an ninh quốc gia, song cũng không muốn cản trở đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo các quy định hiện hành, một thực thể nước ngoài được yêu cầu khai báo mức cổ phần nắm giữ trong doanh nghiệp Nhật Bản khi có kế hoạch nắm giữ ít nhất 10% cổ phần.
"Tôi chưa bao giờ thấy nhiều nhà đầu tư thể hiện mối quan tâm như vậy về một vấn đề liên quan đến Nhật Bản", ông Jamie Allen - Tổng thư ký Hiệp hội quản trị doanh nghiệp châu Á (ACGA), cho biết.
"Trước động thái trên của Tokyo, các thành viên trong Hiệp hội của chúng tôi đã bày tỏ rằng họ sẽ suy nghĩ kỹ trước khi đầu tư vào Nhật Bản. Có vẻ như Tokyo đã không nghĩ đến những tác động này." - ông Allen cho biết thêm.
Để xoa dịu sự lo lắng của các nhà đầu tư, Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài hoạt động trong các lĩnh vực không gây rủi ro bảo mật - chẳng hạn như các quỹ đầu tư được thành lập - sẽ không bị ảnh hưởng bởi quy định mới này.
Bộ trưởng Tài chính Taro Aso cũng đã hứa rằng Bộ của ông sẽ "xem xét các biện pháp để giảm bớt gánh nặng". Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn còn rất nhiều hoài nghi về các quy định, cũng như các phát ngôn nói trên của giới chức Nhật Bản.
"Chúng tôi không có được thời gian. Và chúng tôi đặt câu hỏi tại sao một dự luật, về vấn đề an ninh quốc gia nghiêm trọng như vậy lại có thể được thông qua một cách quá vội vàng như vậy", ông Allen đặt câu hỏi.
Quy tắc 1%, vốn được đề xuất bởi Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, dựa trên những lo ngại của một số công ty Nhật Bản về sự can thiệp của nước ngoài vào nền kinh tế đất nước mặt trời mọc. Và bất chấp sự lo ngại từ phía các nhà đầu tư quốc tế, dự luật này đã nhanh chóng được chính phủ của ông Abe thông qua.
Luật mới sẽ phân loại các công ty đang hoạt động tại Nhật Bản thành ba loại. Loại 1 sẽ tuân theo quy tắc 1% và bao gồm các công ty liên quan đến sản xuất vũ khí và năng lượng hạt nhân. Các công ty loại 2 có thể được miễn, trong khi các công ty loại 3 không phải tuân theo yêu cầu của các điều luật trên.
Nhưng, dư luận đặt ra câu hỏi liệu Bộ Tài chính có thể phân loại tất cả 3.600 công ty niêm yết của Nhật Bản vào thời điểm luật có hiệu lực hay không?
Hơn nữa, các công ty thu thập dữ liệu cá nhân, như nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến, có thể phải tuân theo quy tắc 1%. Một công ty như vậy có kế hoạch ra công chúng đã được thông báo rằng nó có khả năng nằm trong Loại 1, điều này chắc chắn sẽ làm giảm đáng kể triển vọng IPO của công ty.
Cuối cùng, có những lo ngại rằng luật mới sẽ làm suy yếu cải cách quản trị doanh nghiệp, do các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải cam kết không tham gia vào các quyết định quản lý lớn, chẳng hạn thay đổi thành viên hội đồng quản trị.
Mặc dù chính phủ tuyên bố họ không có ý định kiềm chế hoạt động của giới đầu tư quốc tế, tuy nhiên trên thực tế các điều luật này vẫn hạn chế quyền của họ. Và hệ luỵ của nó có thể sẽ tạo ra một cuộc “di cư” đối với các nhà đầu tư toàn cầu.
Mặc dù vậy, Tokyo dường như nhận thức được điều này. Ông Tetsuro Kubo - giám đốc FIL Investments Japan, lưu ý rằng đã có những cải tiến đáng kể cho đề xuất ban đầu. "Thách thức còn lại là dành cho chính phủ thực thi luật như thế nào để có thể giảm thiểu tối đa tác động đến thị trường vốn," ông này nói.
Tuy vậy, dù bằng cách nào thì Nhật Bản cũng luôn khẳng định những thay đổi về quy tắc đầu tư nói trên là một phần của nỗ lực phối hợp quốc tế nhằm ngăn chặn tham vọng bá chủ kinh tế và công nghệ của Bắc Kinh.
Nói về các quy định mới này, luật sư Masahisa Ikeda tại công ty luật Shearman và Sterling - Mỹ, cho biết một điểm khác biệt lớn nhất giữa Nhật Bản và các đồng mình chính là các nước phương Tây đã áp dụng cách tiếp cận thực tế để ngăn chặn các khoản đầu tư đe dọa lợi ích quốc gia.
Nhưng ngược lại, Nhật Bản lại đưa ra quy định có thể gây ra ảnh hưởng tới tất cả các nhà đầu tư nước ngoài như nhau, bao gồm cả những người không gây ra mối đe dọa.
Một minh họa rõ ràng cho thấy đó là cách các công ty trong giao dịch chỉ số Topix của Nhật Bản thường giao dịch theo giá trị sổ sách, trong khi các công ty FTSE 100 giao dịch với giá trị gấp đôi so với các công ty trong giao dịch S & P 500 ở mức ba lần.
Và ngay cả trước khi luật mới được đề xuất, dòng vốn đầu tư toàn cầu vào Nhật Bản vẫn ở mức thấp. Theo Liên Hợp Quốc, tỷ lệ đầu tư trực tiếp nước ngoài trên tổng sản phẩm quốc nội là 36% ở Hoa Kỳ, 67% cho Hoa Kỳ và chỉ 4,3% tại Nhật Bản.
Nhật Bản đã nỗ lực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe nhậm chức vào năm 2012. Số liệu thống kê từ Chính phủ Nhật Bản cho biết, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này đã tăng đều đặn và đạt 30.700 tỷ yên (291,30 tỷ USD) vào cuối năm 2018.
Tuy nhiên, các quy tắc mới này có nguy cơ "làm suy yếu bảy năm động lực tích cực trong cải cách thị trường, đặc biệt là trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, đầu tư trực tiếp và đầu tư mạo hiểm", giáo sư Goldman Sachs từ Đại học Tokyo cảnh báo.
Để đối phó với công nghệ và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc, các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản cần phải đạt được sự cân bằng giữa an ninh và thu hút đầu tư nước ngoài.
Giám đốc điều hành cấp cao của một công ty quản lý quỹ nước ngoài hoạt động tại Nhật Bản nhận định: "Sớm hay muộn, Nhật Bản sẽ thấy cần phải phát triển một hệ thống riêng dành riêng để giám sát các khoản đầu tư nước ngoài thực sự đe dọa an ninh quốc gia".