“Bom nợ” Trung Quốc

TS. Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới 01/12/2019 04:38

Tổng mức nợ trong nền kinh tế Trung Quốc không ngừng tăng trong những năm vừa qua, có nguy cơ đẩy quốc gia này rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính.

Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), tính đến quý I/2019, tổng mức nợ trong nền kinh tế Trung Quốc đã lên tới 304% GDP, tăng nhanh từ mức 297% vào cuối năm 2018- một mức tăng đáng lo ngại.

p/Tỷ lệ nợ của Trung Quốc gia tăng trở lại. Đơn vị tính: %

Tỷ lệ nợ của Trung Quốc gia tăng trở lại. Đơn vị tính: %

Mối nguy hiểm tiềm ẩn

Tỷ lệ nợ/GDP của Trung Quốc ở mức 304% đúng là cao và đáng ngại, tuy nhiên, nếu so sánh với các nền kinh tế trong nhóm G7, thì Trung Quốc đứng thứ năm, và kém xa nước đứng đầu là Nhật Bản với tỷ lệ nợ/GDP lên tới khoảng 370% (Pháp thứ hai 314%).

Quan trọng hơn, nợ bên ngoài mới thực sự cho biết mức nguy hiểm thay vì qui mô nợ. Đây là điểm tương phản của Nhật Bản được cho là nước có mức nợ lớn nhất thế giới nhưng lại an toàn, với Argentina có tỷ lệ nợ/GDP thấp hơn nhiều nhưng nợ bên ngoài là chủ yếu nên đã lâm vào khủng hoảng năm 2001.

Đặc trưng thể chế với sở hữu nhà nước và vai trò quản lý trực tiếp của nhà nước trong nền kinh tế, mô hình tăng trưởng dựa vào tín dụng, sự sùng bái nhà ở của dân cư là những căn nguyên sâu xa của tình trạng nợ trong nền kinh tế Trung Quốc.

Trong khi đó, mức nợ bên ngoài của Trung Quốc đến hết năm 2018 ở mức 14,4% GDP. Trong đó, nợ bằng USD của các công ty phi tài chính của Trung Quốc bằng 6% GDP, trong khi nợ của các ngân hàng Trung Quốc tương đương 5% GDP.

Đến nay, kinh tế Trung Quốc vẫn chủ yếu dựa vào tín dụng. Do kinh tế đã và đang có xu hướng giảm tốc mạnh, nên nợ xấu tăng rất nhanh. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2018 của Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua ở mức 1,89%. Tuy nhiên theo một số tổ chức tài chính quốc tế, nợ xấu ở Trung Quốc cao hơn rất nhiều, có thể ở mức từ 15- 21% tổng dư nợ. Nếu đây là sự thực thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ rất lớn đối với kinh tế nước này.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, chủ nhân của đống nợ xấu đó không ai khác chính là các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Các tổ chức cho các DNNN vay dễ dàng chính là các ngân hàng sở hữu Nhà nước. Ngoài ra, các DNNN còn nhận được nguồn tài chính thông qua các chính quyền địa phương. Nói cách khác, Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành nợ và nợ xấu ở Trung Quốc.

Mạnh tay với DNNN

Dù mức nợ cao và tốc độ gia tăng nợ khá nhanh, nhưng nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính trong ngắn hạn là không cao vì một số lý do. Thứ nhất, Nhà nước vẫn giữ vai trò quan trọng tại các DNNN. Thứ hai, tính đặc thù nợ cầm cố có thế chấp và không có chứng khoán hóa các khoản vay cầm cố làm cho khoản nợ của các hộ gia đình trở nên an toàn. Thứ ba, vay nợ bên ngoài của Trung Quốc vẫn trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, về dài hạn, chính đặc thù nhờ vai trò trực tiếp và sở hữu Nhà nước khiến nợ của Trung Quốc sẽ không được giải quyết dứt điểm. Điều này sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại, thậm chí phải đối mặt với nhiều thập kỷ mất mát giống Nhật Bản vì không giải quyết dứt điểm bong bóng bất động sản hồi những năm 1990.

Mặt khác, nợ của hộ gia đình Trung Quốc lớn, trong khi triển vọng giá nhà ở giảm, khiến thu nhâp khả dụng bên trong giảm. Điều này sẽ gây khó khăn khi nước này muốn dựa vào tiêu dùng bên trong thay cho dựa vào xuất khẩu. Theo một tính toán, với mức nợ trong nền kinh tế như hiện nay thì 70% nguồn tài chính mới chỉ là để trả nợ, chỉ còn 30% để hỗ trợ các hoạt động kinh tế mới. Đây là lý do tại sao các gói kích thích kinh tế của Trung Quốc có hiệu ứng yếu dần trong những năm gần đây.

Hiện tại, Trung Quốc đang ở vào thế mắc kẹt giữa nợ và tăng trưởng. Muốn tăng trưởng thì phải tăng khối nợ lên, và ngược lại. Nói cách khác, về dài hạn, Trung Quốc phải cho những DNNN yếu kém phá sản, thì mới ổn định được nền kinh tế. Theo đó, sau Tewoo, có thể sẽ có thêm nhiều DNNN khác bị phá sản trong thời gian tới. 

TS. Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới