Hàng ngàn tỷ USD "bốc hơi" tại trung tâm châu Âu!
Các quan chức của Ủy ban châu Âu (EC) mới cho biết sẽ thảo luận về khả năng đưa Luxembourg vào danh sách "thiên đường thuế".
Đã từ lâu, các "thiên đường thuế", là nơi các cá nhân và tổ chức không phải nộp thuế, hoặc nộp thuế với mức cực thấp. Một trong những đặc điểm nổi bật của "thiên đường thuế" là chính quyền sở tại rất hạn chế trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan thuế nước ngoài, nhất là những thông tin về tài chính đã trở thành "ung nhọt" của nền kinh tế thế giới.
Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, Luxembourg đã tiếp nhận nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn cả Mỹ và Trung Quốc. Cùng danh sách với quốc gia này còn có Ireland, khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), Quần đảo Virgin và Quần đảo Bermuda thuộc Anh, Singapore, Quần đảo Cayman, Thụy Sỹ và Mauritius.
Có thể bạn quan tâm
Mỹ đang trở thành thiên đường thuế mới của thế giới?
08:48, 02/01/2018
Cách nào hóa giải “thiên đường thuế”?
18:12, 29/11/2017
Hệ lụy từ những “thiên đường thuế tồi tệ nhất thế giới”
14:00, 18/12/2016
Dốc vốn vào Việt Nam: Các "thiên đường thuế" toan tính gì?
17:00, 09/08/2017
Báo cáo của IMF cũng chỉ ra, ước tính nguồn vốn FDI đổ vào Luxembourg đạt 4.000 tỷ USD, đứng thứ 10 thế giới. Luxembourg đã mang lại nhiều lợi thế thuế bất hợp pháp cho các doanh nghiệp lớn như “gã khổng lồ” công nghệ Amazon từ năm 2006 và nhà sản xuất ô tô Fiat từ năm 2012. Tuy nhiên, thay vì phạt Luxembourg, EC chỉ yêu cầu thu hồi các khoản thuế chưa nộp.
Nhiều tài liệu cũng cho thấy, mặc dù luôn duy trì tỷ suất thuế theo luật định là 29%, nhưng quốc gia này thường xuyên thông qua các ưu đãi thuế trong đó mức thuế được co hẹp về mức cận 0%. Luxembourg cũng có nhiều biện pháp để luồn lách cắt giảm thuế đặc biệt. Ví dụ, tới 80% các khoản thu từ quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm bản quyền, bằng sáng chế, đăng ký thương hiệu, được quốc gia này miễn thuế.
Bên cạnh đó, như các "thiên đường thuế" khác, nhiều địa chỉ văn phòng tại Luxembourg chỉ là một hòm thư. Các tòa nhà đính dày đặc tên công ty đa quốc gia, nhiều văn phòng không có bóng dáng nhân viên!
Tuy nhiên những văn phòng như thế có thể là chi nhánh của những công ty hàng tỷ USD và hơn 2/3 trong số đó ở dưới dạng công ty nắm giữ tài sản. Chúng chỉ có nhiệm vụ giữ các tài sản chứng khoán và tài chính, chứ không trực tiếp tạo ra sản phẩm cho nền kinh tế.
Trước đó, EU cũng có cáo buộc một số nước thành viên của khối có hành vi tiếp tay cho hoạt động trốn thuế, gây thiệt hại nặng nề cho các nước khác. Trong đó, riêng Hà Lan bị cáo buộc nới lỏng các quy định thuế, khiến các nước thành viên trong khối thiệt hại khoảng 11,2 tỷ euro.
Riêng các thủ thuật “tối ưu hóa thuế” cũng gây thiệt hại từ 50 đến 70 tỷ euro. Trên quy mô toàn cầu, con số thiệt hại ước tính lên tới 20.000-30.000 tỷ euro, lớn hơn cả GDP của Mỹ. Có thể thấy, thiệt hại đối với 28 nước EU đã lên tới 1.000 tỷ euro mỗi năm do các thiên đường thuế gây ra buộc khối này trở nên mạnh tay hơn với các điểm "nóng" gian lận thuế trong khu vực.
Thực tế cũng cho thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia, tận dụng những kẽ hở quản lý để tránh nghĩa vụ thuế thông qua nhiều hành vi gây “xói mòn cơ sở tính thuế" hoặc chuyển dịch lợi nhuận, từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp.
Việc “thiên đường thuế” cho phép các công ty lớn và những cá nhân giàu có tránh phải đóng phần thuế của mình đã gây sai lệch trong hệ thống thuế suất. Hậu quả là bất công xã hội và phân hóa giàu nghèo gia tăng, khi những người giàu ngày càng trở nên giàu có hơn, trong khi hàng triệu người sẽ trở nên nghèo đói, phúc lợi xã hội từ tiền thuế bị ảnh hưởng, thậm chí bị cắt giảm.
Mặc dù vậy, theo nhà phân tích Leonid Bershidsky nhận định, việc tìm ra biện pháp ngăn chặn tình trạng các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang những thiên đường thuế, mà không gây tác động ngược lại đến nền kinh tế là điều không dễ dàng.
"Trong câu chuyện của EU, là khu vực tích cực trong cuộc chiến chống "thiên đường thuế" nhưng các chế tài xử phạt do EU đưa ra vẫn chưa có các biện pháp trừng phạt cứng rắn kèm theo, điều đó cho thấy khu vực này vẫn mong muốn các quốc gia tự cân nhắc biện pháp thay đổi cho phù hợp. Chính vì vậy, hiệu quả của việc xóa bỏ "thiên đường thuế" vẫn chưa có tiến triển rõ rệt".
Do đó, chuyên gia này cho rằng, cách tiếp cận khả quan có thể xem xét là thúc đẩy hợp tác quốc tế trong vấn đề thuế, với trọng tâm là chống "Xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận" (BEPS). Đây là một cơ chế mà OECD đã và đang thúc đẩy với hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và các định chế tài chính quốc tế.