Thương mại điện tử châu Á sẽ bùng nổ trong năm 2020?

Cẩm Anh 06/12/2019 06:22

Các chuyên gia của Credit Suisse dự báo thương mại điện tử sẽ phát triển mạnh tại châu Á trong năm 2020 khi doanh thu bán lẻ trực tuyến tại nhiều nước đang vượt qua doanh thu bán lẻ truyền thống.

Thương mại điện tử đang trở thành lĩnh vực tiềm năng tại khu vực châu Á

Thương mại điện tử đang trở thành lĩnh vực tiềm năng tại khu vực châu Á

Tiềm năng của châu Á

Dự báo, thương mại điện tử ở nhiều thị trường châu Á được dự báo tăng trưởng hai con số trong vòng 5 đến 10 năm tới. Ấn Độ, Indonesia, Malaysia là một trong số các thị trường bán lẻ thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất thế giới với tốc độ hơn 20% hàng năm. Lĩnh vực này ở Trung Quốc cũng đang tăng bình quân năm khoảng 17%.

Theo ước tính từ năm 2015 đến 2021, tổng doanh thu từ thương mại điện tử của khu vực sẽ tăng khoảng 320 tỷ USD lên hơn 900 tỷ USD. Trong đó, thị trường Trung Quốc sẽ đóng góp hơn 90% của sự tăng trưởng này.

Có thể bạn quan tâm

  • T&T và SHB hợp tác với Amazon thúc đẩy thương mại điện tử

    T&T và SHB hợp tác với Amazon thúc đẩy thương mại điện tử

    16:18, 04/12/2019

  • Startup Joolux - nền tảng thương mại điện tử cho hàng hiệu

    Startup Joolux - nền tảng thương mại điện tử cho hàng hiệu

    05:18, 27/11/2019

  • Thương mại điện tử sẽ lỗ mãi ?

    Thương mại điện tử sẽ lỗ mãi ?

    06:14, 23/11/2019

  • Xuất khẩu qua thương mại điện tử

    Xuất khẩu qua thương mại điện tử

    11:09, 23/10/2019

Đồng thời, thị phần thương mại điện tử toàn cầu của Trung Quốc sẽ tăng từ 30% năm 2015 lên gần 40% năm 2021; trong khi Ấn Độ và 10 nước thành viên ASEAN sẽ tăng thị phần toàn cầu từ 2,5% lên 4%. Với tăng trưởng như thế, châu Á chắc chắn sẽ là tâm điểm toàn cầu về thương mại điện tử và các nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này sẽ dồn vào khu vực trong những năm 2020 - 2025. 

Trong báo cáo "Các thành phố thương mại điện tử hàng đầu ở Châu Á" cũng ghi nhận rằng ngành thương mại điện tử đang tiếp tục trở thành lĩnh vực đầy tiềm năng, tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng theo cấp số nhân trên toàn thế giới, với tốc độ đáng kinh ngạc khi đạt doanh thu 2,86 USD nghìn tỷ vào năm 2018 và ước tính sẽ tăng thêm và đạt mức 6 nghìn tỷ USD vào năm 2022. 

Các chuyên gia của Credit Suisse nhận định, một trong những lý do lớn nhất khiến mua sắm trực tuyến trở nên phổ biến rộng hơn trong khu vực là do tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển. Điều này đồng nghĩa với việc mức thu nhập cao hơn dẫn đến khả năng chi tiêu của người tiêu dùng tăng lên. 

Cùng với sự tăng trưởng kinh tế đang diễn ra, việc gia tăng dân số trong độ tuổi "vàng" cũng như mở rộng đầu tư quốc tế đã đặt nền tảng vững chắc cho khu vực châu Á trở thành mảnh đất tiềm năng trong lĩnh vực thị trường bán lẻ trực tuyến.

Tổng doanh thu thương mại điện tử trên tất cả các loại sản phẩm trong khu vực là 832 tỷ USD vào năm 2018 và dự kiến sẽ vượt 1 nghìn tỷ USD vào năm 2020. Khoảng 1,7 tỷ người hiện đang mua sắm trực tuyến trong khu vực và con số này dự kiến sẽ chiếm khoảng 60 % dân số châu Á vào năm 2025.

Dự báo, Bangkok, Bắc Kinh, thành phố Hồ Chí Minh, Jakarta, Kuala Lumpur, Mumbai, Osaka, Seoul, Thượng Hải, Singapore Hong Kong (Trung Quốc) và Tokyo sẽ là những thành phố thương mại điện tử hàng đầu tại châu Á khi việc đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kết nối đang góp phần tạo nên một hệ sinh thái thương mại điện tử tại các thành phố này. 

Cụ thể, Tokyo, Osaka, Seoul, Bắc Kinh, Thượng Hải và Jakarta đang là những thành phố có quy mô thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất. Sáu thành phố này cũng có độ phổ biến internet tương đối cao - tiền đề cho sự phát triển thương mại điện tử. Trong khi Singapore và Hồng Kông sở hữu lượng lớn người tiêu dùng mạnh tay trong chi tiêu mua sắm. 

Mặc dù đang bị tụt lại phía sau, nhưng Bangkok và thành phố Hồ Chí Minh đang sở hữu đội ngũ có kỹ thuật mạnh và nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo các trường đại học trong và ngoài nước. Đây sẽ là chìa khóa nắm giữ sự phát triển trong tương lai khi nguồn lao động chất lượng cao đến từ hai thành phố này sẽ đáp ứng được nhu cầu ứng dụng công nghệ cũng như sáng tạo và phát triển hệ thống thương mại điện tử trong tương lai. 

Thách thức từ khu vực

Stephen Kuo, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Alibaba nhận định, sự tham gia tích cực của chính phủ trong việc cung cấp một lộ trình khuyến khích thuế, quy định rõ ràng và nguồn vốn tài trợ trong một vài trường hợp cũng đã góp phần thúc đẩy tốc độ phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử. 

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng chỉ ra, hiện nay các kỹ năng phát triển thương mại điện tử ở châu Á đang không có sự đồng đều. Cụ thể, ở Đông Nam Á, các doanh nghiệp vẫn còn yếu kém trong kỹ năng phân tích dữ liệu dẫn đến tình trạng khó tối ưu hóa để đưa vào sử dụng.

Bên cạnh đó, với số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa còn tương đối lớn, chưa biết đến và chưa biết cách tận dụng tối đa ưu thế của thương mại điện tử. Số liệu cho thấy trong số các doanh nghiệp bán hàng trên sàn thương mại điện tử đều có website, nhưng chỉ khoảng 61% trong số đó có ứng dụng cho di động.

Đồng thời dịch vụ logistics, giao hàng chặng cuối và hoàn tất đơn hàng còn nhiều hạn chế cùng chính sách pháp luật thiếu tính đồng bộ cũng là một trong những rào cản khiến lĩnh vực này chưa bùng nổ mạnh mẽ ở nhiều quốc gia.

Hiện nay, châu Á có rất nhiều tiềm năng để bùng nổ đầu tư vào lĩnh vực thương mại điện tử. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn khá mới mẻ trong khu vực và những cuộc cạnh tranh vẫn chưa khốc liệt. Nhưng với sức nóng hiện nay, năm 2020 hứa hẹn sẽ là thời điểm thương mại điện tử châu Á lên ngôi và trở thành một trong những lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng chung của khu vực. 

Cẩm Anh