Nguy cơ khủng hoảng lương thực Châu Á
Báo cáo Thách thức Lương thực Châu Á vừa được công bố chỉ ra rằng, Châu Á đang có nguy cơ khủng hoảng lương thực do không thể tự cung cấp đủ lương thực phục vụ nhu cầu.
Theo đó, khu vực này sẽ cần đầu tư thêm 800 tỷ USD để đảm bảo an ninh lương thực trong 10 năm tới. Nếu không, ngành lương thực Châu Á sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân.
Dấu hiệu khủng hoảng
Cũng theo bản báo cáo trên, khoản chi tiêu cho lương thực, thực phẩm ở Châu Á sẽ tăng hơn 2 lần, từ 4 nghìn tỷ USD vào năm 2019 lên tới hơn 8 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Tuy nhiên, Châu Á đang đối mặt với tình trạng không thể tự cung cấp đủ lương thực, thực phẩm và phải dựa vào nhập khẩu qua các chuỗi cung ứng từ Châu Mỹ, Châu Âu và Châu Phi.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới thực tế trên là do tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng và dân số khu vực Châu Á tăng quá nhanh.
“Những hiện tượng thời tiết cực đoan đã và đang làm giảm năng suất cây trồng và thay đổi cấu trúc cây trồng. Điều đó cộng với lượng đất trồng trọt cho mỗi người dân Châu Á dự kiến giảm 5% vào năm 2030, sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt lương thực”, ông Richard Skinner, đại diện của PwC cho biết.
Theo Skinner, trong số 800 tỷ USD cần đầu tư thêm cho ngành lương thực trong thập kỷ tới, công nghệ và đổi mới sẽ là yếu tố then chốt. Khoảng một nửa số đầu tư này có thể nằm ở Trung Quốc.
Chẳng hạn, Công ty DJI (Thâm Quyến, Trung Quốc) chuyên sản xuất máy bay tự hành dùng cho nông nghiệp, có thể phun thuốc trừ sâu và phân bón, cũng như tìm ra nguồn phát tán dịch bệnh. Năm 2018, công ty này nắm giữ hơn 70% thị phần máy bay tự lái dân sự toàn cầu.
Đó là lý do các thành phố Thâm Quyến, Bắc Kinh, Thượng Hải… có thể trở thành những trung tâm đổi mới nông nghiệp tiềm năng. Ngoài ra, Singapore và Bangalore (Ấn Độ) là hai trong số những thành phố được xem là trung tâm đổi mới nông nghiệp của Châu Á.
Có thể bạn quan tâm
APEC cùng nhau giải quyết vấn đề an ninh lương thực
21:02, 25/08/2017
Trung Quốc: Báo động khủng hoảng lương thực
07:00, 04/12/2019
Cơ hội cho Việt Nam
An ninh lương thực đang là vấn đề thiết thực, cấp bách hiện nay khi nguồn cung và quyền tiếp cận nguồn cung lương thực, thực phẩm an toàn đang chịu nhiều tác động nghiêm trọng, nhất là do biến đổi khí hậu.
Trước thực trạng hiện trạng trên, tại Diễn đàn An ninh lương thực quốc gia vừa qua, TS. Ada Ignaciuk, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp quốc (FAO), nhận định Việt Nam cần cố gắng hơn nữa trong việc thúc đẩy và gắn kết các hành động từ tất cả các bên liên quan và các nước. Đồng thời, Việt Nam cần duy trì tăng trưởng ngành nông nghiệp, giảm tình trạng mất độ che phủ rừng và tăng cường cải cách các chính sách đầu tư để đảm bảo an ninh lương thực trước các biến động trong khu vực.
Đồng quan điểm, TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết với Việt Nam, để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ngành hàng lúa gạo đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Đến nay, Việt Nam đang là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ đứng sau Ấn Độ và Thái Lan với hơn 6,12 triệu tấn gạo và thu về 3,06 tỷ USD và đảm bảo khả năng tự cung lương thực với sản lượng lương thực bình quân tính trên đầu người ở mức tương đối cao, đứng thứ 6 trên thế giới. Do đó, đây sẽ là cơ hội để Việt Nam hướng đến việc phát triển sản xuất lúa gạo bền vững góp phần bảo đảm an ninh lương thực trong khu vực.
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang dần chuyển đổi sang các hình thức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch…Tuy nhiên, để tận dụng tốt những ưu thế hiện có, vẫn cần những chính sách định hướng phát triển của nhà nước để đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp ở quy mô lớn một cách đồng đều hơn trên các vùng nông nghiệp lớn, góp phần ổn định sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam trong thời gian tới.n