Mỹ đẩy mạnh nỗ lực kìm hãm Trung Quốc: Trận chiến công nghệ!
Dù thỏa thuận thương mại với Trung Quốc có diễn ra hay không, Mỹ vẫn tiếp tục hạn chế xuất khẩu công nghệ sang quốc gia này.
Những rào cản của Mỹ
Cục Công nghiệp và An ninh - Bộ Thương mại Mỹ đã làm việc trong hơn một năm để xác định những công nghệ mới nổi, nếu được chia sẻ có thể mang lại mối đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ. Theo đó, các hạn chế này được thiết lập nhằm mục đích tạo ra sự độc quyền công nghệ mới, đặc biệt là các công nghệ được sử dụng trong lĩnh vực quân sự.
Trước đó, hai thượng nghị sĩ Mỹ có tầm ảnh hưởng lớn là Chuck Schumer của đảng Cộng hòa và Tom Cotton của đảng Dân chủ cũng đã gửi thư yêu cầu Chính phủ Mỹ nhanh chóng ban hành các quy định kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động xuất khẩu các công nghệ tinh vi ra nước ngoài, đặc biệt là với Trung Quốc, bởi Bắc Kinh có thể lợi dụng các công nghệ này để tăng cường năng lực quân sự.
Có thể bạn quan tâm
Huawei “đòi” lại quyền lợi trước lệnh cấm của Mỹ
07:30, 06/12/2019
Bế tắc thoả thuận Mỹ- Trung
03:22, 07/12/2019
Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung: Khác biệt quan điểm!
06:35, 04/09/2019
Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung: Cục diện có thay đổi?
07:25, 10/07/2019
Có thể thấy, Mỹ đã nỗ lực duy trì các rào cản tương đối chặt chẽ trong việc xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc cả về mục đích dân sự và quân sự. Năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật yêu cầu kiểm soát các công nghệ mới.
Cùng với Đạo luật cải cách kiểm soát xuất khẩu đã tạo ra nền tảng pháp lý cần thiết cho các quy định xuất khẩu khi tạo ra một quy trình liên ngành mới trong việc xác định các công nghệ mới nổi và nền tảng mang tính thiết yếu đối với an ninh quốc gia Mỹ.
Ngay sau đó, Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ (BIS) đã lập báo cáo về việc đề xuất kiểm soát xuất khẩu đối với các công nghệ mới nổi trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và công nghệ sinh học.
Các chuyên gia nhận định, điều này là một phần trong những nỗ lực của Mỹ để cản trở sự tiến triển trong ba lĩnh vực chính: đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ, việc sinh viên Trung Quốc sang Mỹ học tập và việc xuất khẩu công nghệ tiên tiến cho Trung Quốc.
Theo chuyên gia Toby Smith - Phó Chủ tịch chính sách của Hiệp hội các trường đại học Mỹ những biện pháp kiểm soát này là một phần để đối phó với kế hoạch Made in China 2025 khi chính phủ Trung Quốc tìm cách thúc đẩy sản xuất trong nước trong 10 lĩnh vực chính bao gồm công nghệ thông tin thế mới, robot, hàng không vũ trụ và dược phẩm sinh học.
"Mỹ đã duy trì lợi thế về công nghệ trước các đối thủ quân sự tiềm tàng trong một thời gian dài. Tuy nhiên, sự mở rộng quan hệ thương mại với Trung Quốc đã khiến việc này trở nên khó khăn hơn. Việc nhiều công nghệ chiến lược đã được Mỹ phát triển trước trong lĩnh vực thương mại đã giúp Trung Quốc tiếp cận với phần lớn những công nghệ này, họ đã nhanh chóng học hỏi, sao chép và tận dụng nó để phát triển nền tảng công nghệ cho riêng mình; đồng thời làm Mỹ lo sợ", ông phân tích.
Chia rẽ nội bộ
Mặc dù vậy, việc quyết định những công nghệ nào nên được điều chỉnh đã mất nhiều thời gian hơn dự kiến và gây ra một cuộc xung đột trong nội bộ chính phủ Mỹ. Một số quan chức Mỹ, cùng với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và các khoa học đã khẳng định rằng những rào cản quá chặt chẽ có nguy cơ làm gián đoạn sự phát triển công nghệ của quốc gia này.
Hiện nay, cuộc chiến này đang vượt ra ngoài tầm kiểm soát khi hai bên đang nỗ lực tranh luận để thay đổi chính sách của Mỹ trong việc đối đầu với một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ. Trong khi nhiều người ở Washington coi Bắc Kinh là đối thủ lâu dài lớn nhất của mình, Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ và cũng đóng vai trò quan trọng đối với các ngành công nghiệp như nông nghiệp và sản xuất.
Các ngành công nghiệp cần có sự trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và giao dịch các bộ phận, linh kiện trên toàn thế giới, như phát triển xe hơi không người lái hoặc vật liệu sinh học.
Do đó, những hạn chế như vậy có thể khiến các công ty Mỹ chuyển cơ sở nghiên cứu sang các nước không kiểm soát xuất khẩu; đồng thời làm tổn thương khả năng phát triển công nghệ của các công ty Mỹ và có nguy cơ cản trở đổi mới cũng như việc giữ chân các nhà nghiên cứu hàng đầu ở lại Mỹ.
Tuy nhiên, các nghị sĩ có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, bao gồm nhiều thành viên trong bộ máy của Tổng thống Trump vẫn kiên định với lập trường khi cho rằng Bắc Kinh là một mối đe dọa an ninh cần phải được giải quyết khi nhiều sáng kiến công nghệ Mỹ đã bị đánh cắp hoặc ép buộc thông qua các cuộc tấn công mạng, gián điệp hoặc thực hành kinh tế không công bằng.
Những công nghệ tiên tiến đã mang đến một lợi thế lớn cho Mỹ. Nhưng việc xuất khẩu công nghệ đang khiến cho mọi khoảng cách đang được rút ngắn một cách nhanh chóng và đẩy Mỹ trở nên dễ tổn thương hơn khi đối thủ của Mỹ có thể tận dụng công nghệ để phát triển tiềm năng quân sự của mình.
Không thể phủ nhận rằng, việc hạn chế chuyển giao các công nghệ có liên quan về mặt chiến lược tới Trung Quốc đang trở nên khó khăn hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là điều này không thể thực hiện được.
Hiện tại, Mỹ vẫn giữ ưu thế là quốc gia có những tiến bộ nhanh chóng về các kỹ thuật và là nhà nghiên cứu AI hàng đầu thế giới. Do đó, các rào cản của Mỹ về cơ bản vẫn có thể duy trì trong ngắn hạn cho đến khi có các biện pháp toàn diện hơn.